Thanh Hóa thu hút lao động trở về địa phương

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Có những doanh nghiệp tuyển dụng hàng nghìn lao động. Đó cũng là nguyên nhân thu hút lao động đang làm việc ở các tỉnh ngoài trở về tham gia thị trường lao động tại Thanh Hóa. 5 tháng đầu năm, TTDVVL Thanh Hóa đã tiếp nhận gần 7.000 hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Thực hiện chế độ cho người lao động, đúng, đủ, kịp thời

Ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc TT DVVL Thanh Hóa cho biết : "Ngay từ đầu năm, TT đã luôn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm theo đúng luật định, đồng thời bám sát theo các văn bản hướng dẫn để thực hiện chế độ cho người lao động đúng, đủ, kịp thời. Quá trình giải quyết chưa có trường hợp nào phản ánh hay có đơn thư khiếu nại về cách giải quyết chế độ chính sách của đơn vị. Những tháng đầu năm 2019, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tiếp nhận gần 7.000 hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong quý I, TT DVVL đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 2.449 người lao động bị mất việc làm, thẩm định hồ sơ và ra Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 2.764 người. Riêng tháng 4 và 5, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 3.788 người lao động bị mất việc làm; thẩm định hồ sơ và ra Quyết định hưởng Trợ cấp thất nghiệp cho 3.453 người".

Ông Thanh cho biết thêm: “Có được kết quả trên là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động khi đến thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại đây. Đặc biệt là quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho những người lao động trong giai đoạn mất việc làm và tìm kiếm việc làm mới bị mất việc làm, đang đi tìm việc làm mới. Người lao động còn được tư vấn về tìm kiếm việc làm mới. Nhiều trường hợp sau khi được tư vấn về việc làm, đã quay lại thị trường lao động. Bên cạnh đó là tư vấn cho người lao động chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực và nhu cầu của bản thân khi tái hòa nhập thị trường lao động. Đối với những lao động thất nghiệp, được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, nhưng bản thân người lao động chưa có nhu cầu tìm việc mới thì đơn vị tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và giải quyết chế độ chi trả trợ cấp cho người lao động kịp thời, đúng theo quy định”.

Được biết, hiện nay trong khi thực thi nhiệm vụ cụ thể còn có những vướng mắc do quy định trong Nghị định 28 và Thông tư 28 có điểm còn chưa thể hiện rõ. Ví dụ chế tài xử phạt người lao động và doanh nghiệp trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Đang còn có tình trạng song trùng về việc lao động đã có việc làm, báo tăng bên Bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng chế tài xử lý cũng còn những bất cập trong quá trình thực hiện. Khi xử phạt được mới có văn bản thu hồi tiền. Cũng theo đề xuất của Trung tâm, đối với những doanh nghiệp và cơ quan quản lý lao động, khi người lao động mất việc làm hoặc tăng số lao động thì phải báo về Trung tâm thay vì chỉ thông báo cho Bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, có rất ít doanh nghiệp báo cáo khi có người lao động mất việc làm. Nên có tình trạng khi người lao động có việc làm mới, nhưng vẫn hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp

Người lao động đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp

Doanh nghiệp trong tỉnh thu hút lao động trở về địa phương

Theo đánh giá của Trung tâm thì số lượng hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp so với cùng kỳ năm 2018 là tương đương nhau. Qua thực tế theo dõi, trong quý I, số lao động mất việc làm ít hơn. Nhưng sang tháng 4 và tháng 5/2019, số lao động mất việc làm có xu hướng tăng lên. Ba tháng đầu năm, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 2.764 người lao động bị mất việc làm; thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 2.449 người. Chỉ riêng tháng 5, TT đã tiếp nhận 2.140 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động bị mất việc làm; thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.490 người.

Trong những tháng tới, Trung tâm sẽ khảo sát 300 người lao động mất việc làm sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp để tổng hợp, phân tích, đánh giá tỷ lệ có việc làm; trên cơ sở đó, có kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp, tạo điều kiện tái hòa nhập thị trường lao động, phục vụ xây dựng bản tin thị trường lao động quý II/2019 và dự báo một số chỉ tiêu về thị trường lao động quý III/2019.

Theo đánh giá của Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa, số lượng hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái là tương đương nhau. Cùng với đó, khảo sát nhu cầu tuyển dụng tại 40 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong quý II/2019; triển khai, tiếp nhận và cập nhật dữ liệu biến động cung lao động năm 2019. Đồng thời, sẽ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng chế độ theo luật định; tiếp nhận và hướng dẫn tình trạng khai báo việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đến khai báo. Theo báo cáo của TTDVVL Thanh Hóa, nguyên nhân người lao động nghỉ việc có xu hướng tăng lên những tháng gần đây là do cạnh tranh lao động ngày một lớn giữa các doanh nghiệp, đặc biệt giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là quy luật bình thường của thị trường lao động trong tương lai. Ngoài ra, tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Có những doanh nghiệp tuyển dụng hàng nghìn lao động. Đó cũng là nguyên nhân thu hút lao động đang làm việc ở các tỉnh ngoài trở về tham gia thị trường lao động tại Thanh Hóa. Đa số lao động sau khi được tư vấn thường chuyển sang một số nghề khác như: Lái xe, điện tử điện lạnh, may mặc... Qua theo dõi thì số lượng người lao động chuyển đổi nghề có dấu hiệu tăng lên so với các năm trước.

Nhưng có một thực tế là các ngành hiện nay đa số là ngành nghề phổ thông, người lao động vẫn còn tư tưởng sau khi nghỉ việc trở lại nghề cũ từng làm để thuận tiện, không phải học chuyển đổi mà có việc làm và có thu nhập ngay. Qua theo dõi của Trung tâm thì hiện nay, lao động có trình độ cao còn rất ít. Trong quý II, TTDVVL Thanh Hóa cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, để từ đó có phân tích, đánh giá xu hướng tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để phục vụ công tác xây dựng bản tin thị trường lao động quý II/2019 và dự báo một số chỉ tiêu thị trường lao động quý III/2019.

Thu Hương

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thanh-hoa-thu-hut-lao-dong-tro-ve-dia-phuong-d98938.html