Thanh Hóa: Tăng cường phối hợp trong chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính

Trong chương trình làm việc với một số địa phương về kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính (TTHC), ngày 17/11 tại Thanh Hóa, đoàn kiểm tra liên ngành do ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp làm Phó trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa. Làm việc với Đoàn kiểm tra có ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Hoàng Thế Anh, Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 3,Tổng cục THADS Bộ Tư pháp, thành viên đoàn kiểm tra thông tin về kết quả kiểm tra

Quyết định hành chính cơ bản đúng quy định

Hàng năm, Chủ tịch UBND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều quyết định hành chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính tại địa phương. Về cơ bản, các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp ban hành trong thời gian (2019 – 2021) đã đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Tính hiệu lực, hiệu quả của các quyết định hành chính trong quản lý điều hành của các cấp chính quyền được nâng cao. Theo số liệu thống kê, trong 03 năm từ năm 2019 đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 700.000 quyết định hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp. Trong đó số lượng quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp bị khiếu kiện chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ ( gần 0.07%) trong tổng số quyết định hành chính đượ̣c ban hành.

Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình THAHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp trên những tồn tại, hạn chế. Những tồn tại, hạn chế này đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra khi thực hiện giám sát trong năm 2022.

Mặc dù số quyết định hành chính, hành vi hành chính (QĐHC, HVHC) của UBND, Chủ tịch UBND các cấp của Thanh Hóa bị khởi kiện hành chính tại Tòa án chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số QĐHC, HVHC đã ban hành thực hiện và có chiều hướng giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ QĐHC, HVHC bị tuyên hủy, tuyên trái pháp luật trên số QĐHC, HVHV bị khởi kiện trung bình chung trong 3 năm chiếm tỷ lệ tương đối cao ( chiếm 13%). Điều này cho thấy vẫn còn một số QĐHC, HVHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp được ban hành còn chưa bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, bị Tòa án tuyên hủy.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Kết quả làm việc của Đoàn kiểm tra cho thấy, đối với 17 bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành xong tính đến thời điểm kiểm tra: có 14/17 (chiếm tỷ lệ 82,35%) vụ việc UBND, Chủ tịch UBND không có người đại diện tham gia phiên tòa theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015. Số liệu trên cho thấy quy định về việc cử người đại diện tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 chưa được chấp hành nghiêm trên địa bàn thành tỉnh Thanh Hóa.

Nâng cao trách nhiệm tự nguyện thi hành án hành chính

Cạnh đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 17/25 bản án, quyết định chưa được thi hành xong, đều thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND các cấp và đặc biệt có những bản án đã kéo dài trong nhiều năm (năm 2018: 01 bản án; năm 2019: 01 bản án; năm 2020: 01 bản án). Kết quả rà soát các bản án chưa thi hành xong của Đoàn kiểm tra cho thấy phần lớn các vụ việc chưa thi hành xong nguyên chủ yếu là do các cơ quan hành chính nhà nước là bên phải thi hành án chưa chủ động, trách nhiệm và quyết liệt trong việc giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp theo bản án cho người dân. Trong khi đó, chưa có trường hợp nào cán bộ, công chức bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ THAHC.

Ông Hoàng Thế Anh, Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 3,Tổng cục THADS Bộ Tư pháp, thành viên đoàn kiểm tra thông tin về kết quả kiểm tra

Công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trong thời gian qua đã được các cơ quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa kịp thời tổ chức thi hành theo đúng thời hạn được quy định trong Luật Tố tụng hành chính. Việc thông báo kết quả thi hành án cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự chưa được thực hiện đầy đủ.

Tiếp thu những nội dung đóng góp của đoàn công tác, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng tình với những hạn chế, điểm nghẽn mà đoàn liên ngành chỉ ra. Đồng thời cam kết sớm khắc phục những khó khăn vướng mắc mà địa phương còn tồn tại…

Phát biểu kết luận buổi làm việc ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Bộ Tư pháp, Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần nâng cao hơn nữa hiệu quả quy chế phối hợp giữa các ban ngành liên quan. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TTHC, các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật TTHC và thi hành án hành chính. Đặc biệt là trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của vụ án; trách nhiệm tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa và trách nhiệm tự nguyện thi hành án hành chính…

Về một số kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Lực ghi nhận, sẽ tổng hợp cùng với kiến nghị của các địa phương khác để có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền.

Đức Thọ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thanh-hoa-tang-cuong-phoi-hop-trong-chap-hanh-phap-luat-ve-to-tung-hanh-chinh-post458867.html