Thanh Hóa: Sự sống hồi sinh ở vùng 'đất chết'

Những năm trước đây, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) từng là nơi cơn bão ma túy hoành hành, đói nghèo, lạc hậu, tệ nạn và những hệ lụy đau lòng khiến cho nơi này được ví như 'vùng đất chết'.

Những hệ lụy còn sót lại

Cách đây khoảng gần chục năm về trước, nhắc đến xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), người ta thường hình dung ngay đến một "xứ sở" của ma túy và HIV/AIDS.

Nhờ vị trí địa lí giáp biên với Lào, Mường Lát được xem như cửa ngõ để các đối tượng buôn ma túy đưa hàng cấm từ Lào tuồn về Việt Nam tiêu thụ.

Dù điều kiện kinh tế còn nghèo nàn, nhưng đa số người dân đã có cuộc sống bình yên, tránh xa tệ nạn ma túy

Xã Tam Chung trở thành một trong những điểm nóng hàng đầu, nơi các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo những người dân nhẹ dạ lao theo vòng xoáy ma túy. Người đi buôn, kẻ nghiện ngập… từ một vùng quê yên bình bỗng chốc tan hoang; từ những bản làng đang yên bình bỗng chốc bị bao trùm bởi sự chết chóc.

Ông Hoàng Văn Xùm, Trưởng Công an xã Tam Chung cho biết: Từ năm 1993, nhiều đối tượng xấu đã xuất hiện trên địa bàn xã rủ rê bà con buôn bán ma túy khiến nhiều người rơi vào cảnh nghiện ngập, gia đình tan vỡ, nhiều người chết khi còn đang ở tuổi lao động cũng chỉ vì dính vào ma túy.

"Từ năm 2004 đến năm 2010, bản Poọng có 36 người nghiện thì có đến 31 người chết, còn bản Lát có đến 47 người chết do sử dụng ma túy…Thực trạng này khiến cho địa phương trở thành xã có nhiều trẻ mồ côi nhất trong tỉnh. Trong số này có nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ", ông Xùm nói.

Một người phụ nữ Mông đang thêu thùa trước hiên nhà

Mặc dù những năm gần đây, Tam Chung không còn là điểm nóng về ma túy, tình hình an ninh trật tự đã ổn định hơn nhiều nhưng những hệ lụy thì vẫn còn. Trong đó nhiều nhất là tình trạng những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa vì bố mẹ dính án tù, hay chết vì nghiện ngập, HIV/AIDS.

Đó là những hoàn ảnh khó khăn như em Hà Văn Thương (SN 2006), ở bản Poọng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bố em chết do sử dụng ma túy, mẹ thì chết không rõ nguyên nhân. Không còn bố mẹ nuôi dưỡng, người bác ruột đã nhận em về chăm lo.

Hay như em Lò Văn Thuyền (SN 2006) mồ côi cả bố lẫn mẹ khi mới lên 2 tuổi. Em Vi Văn Thắng và Hoàng Văn Tuất (12 tuổi) nhưng bố đã mất từ lâu, mẹ lại bỏ đi làm ăn xa, các em được Đồn Biên phòng Tam Chung nhận về nuôi dưỡng đến hết năm 18 tuổi.

Không còn là "vùng đất chết"

Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng phòng chống ma túy như công an, biên phòng… tệ nạn ma túy ở huyện Mường Lát nói chung và xã Tam Chung nói riêng những năm gần đây đã được đẩy lùi.

Tỉ lệ nghèo vẫn rất cao, tuy nhiên tệ nạn đã được đẩy lùi là niềm vui lớn đối với đồng bào

Trao đổi với PV, anh Lò Quốc Tính, Bí thư, kiêm Trưởng bản Poọng, xã Tam Chung cho biết, sau khi trên địa bàn xảy ra nhiều cái "chết trắng", người dân đã nâng cao ý thức hơn trước tệ nạn này. Bà con tích cực phát giác, tố giác những người liên quan đến ma túy. Trong đó, nổi bật là việc đưa được nội dung này vào hương ước. Hàng năm, xã đều tổ chức ký cam kết với các hộ dân để nêu cao ý thức tự giác chấp hành.

Anh Tính cho biết thêm, thời gian qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng là những người tích cực nhất tham gia đẩy lùi tệ nạn ma túy. Qua đó, đời sống của người dân bước đầu đã có sự thay đổi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng tăng cường an ninh, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy gây ra.

Ông Vi Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung, huyện Mường Lát thông tin thêm, từ năm 2011 tới nay, "cơn bão ma túy" đã lắng xuống, không còn hoành hành như nhiều năm trước đó. Tất cả là nhờ sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự quyết liệt các cấp ngành, sự đồng lòng của người dân.

"Hiện nay, tình hình tệ nạn ma túy, HIV/AIDS tại địa phương có thể khẳng định đã giảm tới 80% so với thời cao điểm. Mặc dù không thể tiêu diệt triệt để, vẫn còn tồn tại nhưng không còn là vấn đề nhức nhối nữa", ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, tại xã còn khoảng 96 người nghiện và thuộc diện nghi nghiện. Trong số này đã có nhiều người từng được đưa đi cai nghiện, nhưng khi trở về địa phương lại tái nghiện. Đây cũng là một khó khăn đối với địa phương trong công tác xóa tệ nạn ma túy.

Đánh giá về tình hình an ninh trật tự, ông Minh cho biết: "Trước đây, tệ nạn ma túy đồng hành với nạn trộm cắp, cứ hở ra là mất, kể cả đôi dép, bộ quần áo không cẩn thận cũng mất. Nhưng nay thì không còn tình trạng này nữa. Người dân đã yên tâm làm ăn, dù điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn trong cái khó chung của huyện, thế nhưng cuộc sống người dân cơ bản đã yên bình đã trở lại".

Dù người dân ở đây vẫn còn nghèo vì chủ yếu dựa vào đồi núi, trồng sắn, trồng lúa nương, địa hình hiểm trở, vùng sâu vùng xa, dân trí thấp nhưng từ chỗ hộ nghèo chiếm đến hơn 80%, hiện nay nhiều hộ đã thoát nghèo, tỉ lệ nghèo hiện nay của xã đã giảm và chiếm còn 61,25%.

Điều kiện kinh tế xã hội của địa phương còn khó khăn là vậy, nhưng đa số người dân đã có ý thức chăm chỉ làm ăn lương thiện, nâng cao cảnh giác với tệ nạn ma túy. Địa phương cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực khi lớp thanh niên trẻ có nhiều người theo học đến các bậc đại học, cao đẳng.

Điển hình phải kể đến em Hà Văn Phòng, trú bản Lát, xã Tam Chung. Mặc dù lớn lên trong một gia đình nghèo người Thái, trong kì thi THPT Quốc gia năm 2017, em Phòng đã đạt 29,65 điểm khối B để xuất sắc vào trường Học viện Quân y, tương lai sẽ trở thành một bác sĩ.

Hà Văn Phòng đã trở thành tấm gương vượt khó tiêu biểu, là động lực cho nhiều thanh niên ở xã vùng cao này sống tích cực hơn.

Lương Diễn

Nguồn ANTT: http://antt.vn/thanh-hoa-su-song-hoi-sinh-o-vung-dat-chet-243241.htm