Thanh Hóa: Kiểm tra năng lực hơn 1.000 giáo viên tiếng Anh

Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành triệu tập hơn 1.000 giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh để kiểm tra năng lực theo đề án 'Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ' trên địa bàn.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa sẽ triệu tập hơn 1.000 giáo viên tiếng Anh để kiểm tra năng lực.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa sẽ triệu tập hơn 1.000 giáo viên tiếng Anh để kiểm tra năng lực.

Ngày 23/1, thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết, Giám đốc Sở vừa ký, ban hành công văn số 96/SGDĐT-GDTrH ngày 14.1.2019, về việc triển khai kế hoạch khảo sát đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh trên địa bàn đến năm 2025.

Theo công văn, thực hiện Quyết định số 3475/QĐ –UBND Ngày 17.9.2018 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án nâng cao chất lượng ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Phòng GD&ĐT các huyện,thị xã, thành phố, các trường THPT trên địa bàn tiến hành rà soát, thống kê số lượng giáo viên tiếng Anh của đơn vị mình theo thứ tự; số giáo viên (GV) chưa tham gia và số GV đã tham gia bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ.

Đối với các giáo viên GV đã tham gia bồi dưỡng, phòng GDĐT các huyện, các trường THPT trên địa bàn cần thống kê theo diện, gồm các đối tượng: những GV không đạt chuẩn sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng năng lực do Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức; những GV tự bồi dưỡng để đạt chuẩn và những GV đạt chuẩn sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ do Sở GD&ĐT tổ chức tính từ năm 2011 đến nay. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT Thanh Hóa sẽ triệu tập 1.180 giáo viên tiếng Anh trên địa bàn để tham gia khảo sát, đánh giá năng lực ngoại ngữ. Số lượng GV còn lại sẽ tổ chức thi và khảo sát trong năm 2020.

Công văn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Theo dự kiến, ngày 5 và 6.3.2019, Sở GD&ĐT Thanh Hóa sẽ tổ chức hướng dẫn cho các GV về quy định, quy chế khảo sát tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Đến ngày 9 và 10.3.2019 sẽ tổ chức thi, kiểm tra và đánh giá năng lực của các GV.

Cũng theo công văn này, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, thống kê và báo cáo đến Sở chậm nhất vào ngày 25.1.2019.

Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, nhiều GV cho rằng; Quyết định 3475/ QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 17/9/2018 về việc: Phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” và sau đó là công văn 2603/SGDĐT của Sở GDĐT Thanh Hóa ngày 18/10/2018, thông báo kế hoạch rà soát, kiểm tra đánh giá trình độ năng lực của đội ngũ GV tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh; đến ngày 5/11/2018, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành công văn 2776/SGDĐT-GDTrH về việc kiểm tra, đánh giá trình độ năng lực đội ngũ GV tiếng Anh các cấp học trên địa bàn tỉnh - đã khiến không ít GV đang dạy môn học này rất băn khoăn về những vấn đề liên quan.

Cụ thể, theo Quyết định 3475/ QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa, sau khi rà soát tổng thể GV tiếng Anh toàn tỉnh, GV chưa đạt chuẩn sẽ phải đăng kí học bồi dưỡng, ôn thi và thi lấy chứng chỉ B2 (đối với GV cấp Tiểu học và THCS) và C1 (đối với GV THPT). Việc rà soát khảo sát, bồi dưỡng ôn thi và dự thi đều được tỉnh lên kế hoạch dự chi kinh phí hàng tỉ đồng. Tuy nhiên trong công văn của Sở GDĐT Thanh Hóa lại yêu cầu GV phải tự túc kinh phí.

Từ năm 2012 đến 2017, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu đề án ngoại ngữ nêu trên, tiến hành khảo sát, cử GV đi học bồi dưỡng, thi lấy chứng chỉ và hiện nay vẫn đang có lớp ôn thi. Sau đó Sở GDĐT cử những GV đạt chuẩn đi học lớp phương pháp giáo dục. Nhưng đến nay, UBND tỉnh vẫn chỉ đạo Sở GDĐT yêu cầu tất cả các trường điều động toàn bộ GV tiếng Anh tiếp tục rà soát tổng thể, trong khi GV đã có chứng chỉ đạt chuẩn do Đại học Quốc gia cấp? Liệu sau lần rà soát này, GV tiếng Anh trên địa bàn tỉnh còn phải tiếp tục rà soát nữa không?

Cũng theo đơn thư phản ánh, nhiều GV cho rằng, có nhiều tỉnh cũng thực hiện việc rà soát năng lực GV tiếng Anh. Tuy nhiên, những địa phương đó chỉ rà soát đối với những GV chưa đạt chuẩn, còn đối với GV đã có chứng chỉ công nhận chuẩn thì sẽ không phải rà soát nữa, tránh tốn kém chi phí cho nhà nước không cần thiết, tránh mất thời gian để không ảnh hưởng đến công việc dạy học bị gián đoạn và không để xảy ra những diễn biến bức xúc của GV môn học này…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thanh-hoa-se-trieu-tap-hon-1000-giao-vien-tieng-anh-de-kiem-tra-nang-luc-3977996-v.html