Thanh Hóa: Say trong điệu múa trò Xuân Phả

Ngày hội du lịch quốc tế Thanh Hóa 2019 vừa được tổ chức tại TP Thanh Hóa từ ngày 13 - 15/9/2019 với sự tham gia của Flamingo Group, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, Vietnam Airlines, Jetstar và Tổng cục du lịch các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... đã thành công, góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch Thanh Hóa đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn. Đặc biệt với múa trò Xuân Phả do các nghệ nhân đến từ xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân biểu diễn đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách...Vũ công tài hoa trong điệu múa trò Xuân Phả

Đoàn nghệ thuật trò Xuân Phả vừa có chuyến tham gia biểu diễn Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc toàn quốc tổ chức tại Tuyên Quang lần thứ 2 và lễ hội Thành Tuyên với 20 diễn viên, nhạc công tham dự (trong đó có 7 NNƯT). Vượt chặng đường dài (5 ngày lưu diễn tại TP Tuyên Quang) các nghệ nhân lại trở về TP Thanh Hóa biểu diễn phục vụ. Họ là những người nông dân vừa bước chân ra khỏi đồng ruộng, tạm rũ đi bùn đất, khoác lên tấm áo con trò, hóa thân thành hình tượng nghệ thuật tái hiện lại thuở oai linh hiển hách của cha ông từ ngàn xưa.

Trò Xuân Phả là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của xứ Thanh được hình thành từ lâu trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Thọ Xuân, nơi sinh ra hai vị vua kiệt xuất: Lê Đại Hành hoàng đế và Cao hoàng đế Lê Lợi cùng biết bao văn thần, võ tướng làm rạng danh đất Việt.

Múa hát 5 trò Xuân Phả (Hoa Lang, Chiêm Thành, Tú Huần, Ai Lao, Ngô Quốc) thể hiện quyền uy và sức mạnh của thể chế phong kiến Việt Nam thời bấy giờ. Lễ hội không chỉ riêng người dân xã Xuân Trường được thưởng thức mà còn quan hệ lân bang với các làng xã trong cộng đồng người Việt. Lễ hội được mở dịp đầu xuân mới từ 9 - 10/2 âm lịch. Khách đến dự lễ vừa xem trò, mừng xuân và thăm hỏi nhau. Dân làng Xuân Phả làm cỗ hậu đãi khách xa gần.

Trò Chiêm Thành có 13 người tham gia, trong đó có 1 ông chúa, 2 ông phổng và 10 quân trò. Bằng những động tác tinh xảo, điêu luyện, người vũ công dựng lại toàn cảnh của một nước chư hầu khi tới đại quốc. Trò Ai Lao với sự tham gia của 19 người (1 ông chúa, 2 lính hầu, 2 cô mái, 2 người đội lốt voi, 1 người đội lốt hổ, 1 người giữ voi, 10 quân trò). Điệu múa này đã làm say đắm lòng người cùng với tiếng trống hội đưa ta về với những miền quê đậm đà hương lúa, hương bùn quện chặt vấn vương... Trò Ngô Quốc không diễn bằng trò lời mà diễn thông qua người vũ công với sự tham gia của ông lang, thầy địa lý, gã bán kẹo rong... đã mang đến tiếng cười dân gian hóm hỉnh, sâu sắc, thâm thúy nhưng rất riêng biệt. Trò Tú Huần có 1 cố già, 1 mẹ, 1 hầu cố già và 10 quân trò. Lời cổ trong trò này được diễn tả như lời nói thường, nhưng có vần gắn kết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mang lại sự sảng khoái cho khán giả. Trò Hoa Lang diễn tả cảnh thanh bình trên những miền quê và cuộc sống đầy nhân văn của những cư dân vùng lúa nước...

Trò múa Xuân Phả tham gia lễ hội Lam Kinh 2019.

Theo múa nguyên cổ truyền thống số lượng người biểu diễn từng trò trước đây là như thế, nhưng nay, số lượng người có thay đổi theo chương trình phục vụ lễ hội. Nét độc đáo của trò Xuân Phả là có 3 trò mà người diễn phải dùng mặt nạ: Trò Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung. Mặc dù trong làng hàng ngày ai cũng biết nhau song khi hóa trang lại không ai nhận ra. Hơn nữa trò Xuân Phả còn có đặc trưng các vũ công nam đều có những động tác phóng khoáng, tay, chân mở rộng, khỏe với nhiều động tác múa tôn lên sắc thái của nền văn hóa lúa nước, cũng như sự kín đáo, tinh tế nhưng lại rất mạnh mẽ trong tâm hồn người Việt. Bên cạnh đó, trang phục mỗi nước trò cũng khác như: mũ, quần áo, xênh và nhiều đạo cụ. Ở trò Chiêm Thành, áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa điều nhuộm đỏ hồng, không thêu thùa hoa văn, áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn quanh mình... Trò Tú Huần có mũ loáng, mặt nạ gỗ hình bà cố, mặt nạ mẹ và mười người con xếp thứ tự từ lớn đến nhỏ. Trò Hoa Lang đạo cụ là những cái quạt để múa những động tác tung hoa... Cả 5 trò đều có quan hệ mật thiết gắn bó với nhau, mỗi trò đều có sức hấp dẫn riêng.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Hệ thống trò Xuân Phả có từ thời Đinh, sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi vua. Trong lần vua Đinh Tiên Hoàng dẫn quân đi dẹp giặc quấy nhiễu biên thùy phía Nam, nghỉ trận tại bãi tha ma có miếu thờ, vị thiên thần (làng Xuân Phả) có lời khẩn cầu và được như ý muốn. Sau đó báo ơn bằng cách cho lập đền thờ và ban cho thần làng các trò múa hát gọi là trò "Lân bang ngũ quốc đồ tiến cống”, rồi sau truyền cho dân làng cứ mỗi năm ngày mồng 10 tháng 2 lại diễn như cũ. Quá trình lịch sử người làng Xuân Phả luôn tự hào với trò diễn của mình, coi đây là vốn văn hóa nghệ thuật riêng được truyền từ đời này sang đời khác. Vì thế làng Xuân Phả đã nức tiếng từ xưa, không chỉ riêng xứ Thanh mà còn vang tận nước ngoài. Ca dao Thanh Hóa từng có câu "ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng" (làng Xuân Phả)... Từ năm 1930, trò Xuân Phả đã được mời đi trình diễn ở nhiều nơi, kể cả biểu diễn tại cung đình Huế. Năm 1935, trò Xuân Phả được trình diễn tại Hội chợ nông sản huyện Thọ Xuân có các cơ quan đầu tỉnh người Việt và người Pháp tham dự. Năm 1936, vua Bảo Đại mời trò Xuân Phả diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế, sau đó được biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội. Năm 1939, ông Bouin nhà hoạt động nghệ thuật người Pháp xin đầu tư để đưa trò diễn Xuân Phả sang Mỹ biểu diễn nhưng do chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ nên việc không thành. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trò diễn tiếp tục phục vụ nhân dân, tham gia lễ hội làng hằng năm. Những năm gần đây, thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, nhất là Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", trò Xuân Phả đã vinh dự được mời tham gia các ngày hội lớn của đất nước tại thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Với lễ hội Lam Kinh, Lê Hoàn thì không thể thiếu trò Xuân Phả, có lễ hội là có trò Xuân Phả...

Biểu diễn trò múa Xuân Phả tại ngày hội du lịch quốc tế Thanh Hóa 2019.

Ông Bùi Văn Hùng - NNƯT xã Xuân Trường chia sẻ: Lễ hội Lam Kinh năm nào, trò Xuân Phả cũng tham gia từ 80 - 150 diễn viên (tùy theo kịch bản). Năm 2019, buổi sáng trò Xuân Phả biểu diễn lễ hội Lê Hoàn thì buổi chiều bay vào phía nam tham gia Festival TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất. Tại lễ hội biểu diễn ở Tuyên Quang vừa qua đội đã tham gia chương trình tổng hợp trên cơ sở lấy từ 2 điệu múa Chiêm Thành và Tú Huần. Những năm qua, huyện Thọ Xuân đã đầu tư từ 100 - 200 triệu đồng/ năm hỗ trợ cho các diễn viên, nhạc công, đạo cụ phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy di sản. Khi các diễn viên đến tập luyện đi biểu diễn, xã đều lo kinh phí và đơn vị điều động hỗ trợ thêm. Diễn viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, hết lòng vì nghệ thuật, nhiều khi phải hy sinh công việc đồng ruộng, gia đình để tham gia các chương trình phục vụ trong và ngoài tỉnh...

Với ý nghĩa và giá trị của trò Xuân Phả trong đời sống nhân dân được xem như độc nhất vô nhị ở xứ Thanh, ngày 16/9/2016 Bộ VH,TT&DL đã ký Quyết định số 3247 công nhận trò Xuân Phả là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng cho huyện Thọ Xuân nói riêng, Thanh Hóa nói chung tiếp tục quảng bá, giới thiệu trò Xuân Phả phục vụ nhân dân và du khách gần xa. Thanh Hóa cần sớm có đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản, kinh phí đa dạng có thể từ xã hội hóa, ngân sách huyện và tỉnh, chú trọng động viên các nghệ nhân trong làng tham gia truyền dạy nghề cho các lứa tuổi. Theo đó có sự tham gia của các cơ quan chức năng và các nhà văn hóa dân gian hiểu biết về loại hình nghệ thuật này. Đồng thời tích cực tham gia dàn dựng các chương trình biểu diễn phục vụ các lễ hội, tạo dấu ấn trong quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Thanh...

Với vị trí giao thông thuận lợi, nhất là cảng hàng không, Thọ Xuân lại có 2 di tích Quốc gia đặc biệt: Lam Kinh và Lê Hoàn cùng với trò Xuân Phả - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đây sẽ là cơ hội tốt cho "ngành công nghiệp không khói" Thọ Xuân cất cánh.

Thúy Hòa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-say-trong-dieu-mua-tro-xuan-pha-72740