Thanh Hóa: Sạt trượt mái đào hạ lưu đập thủy điện Trung Sơn

Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài và việc vận hành xả lũ, khu vực phía hạ lưu chân đập nhà máy thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) xuất hiện vết sạt trượt mái đào vai phải hố xói đập tràn. Đơn vị này cũng đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa và khẳng định hiện trạng đập an toàn và vận hành bình thường.

Sạt trượt mái đào hạ lưu đập thủy điện Trung Sơn.

Ngày 12/9, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (TSHPCo) đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc sạt trượt mái đào vai phải hố xói đập tràn.

Theo đó, khoảng 8h ngày 31/8, khu vực vai phải mái đào hố xói đập tràn của nhà máy thủy điện Trung Sơn từ cao độ 95m lên trên bị sạt trượt vào thời điểm mưa to và lũ lớn. Vết sạt có xu hướng phát triển lên trên đỉnh mái đào.

Vết sạt trượt tại khu vực vai phải mái đào hố xói đập tràn của nhà máy thủy điện Trung Sơn.

Nguyên nhân gây sạt trượt là do ảnh hưởng từ cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, khu vực dự án thủy điện Trung Sơn mưa liên tục với cường độ lớn và kéo dài.

Đồng thời, do lũ lớn từ thượng nguồn sông Mã đổ về, nhà máy phải vận hành tràn xả lũ dẫn đến hiện tượng mực nước ngầm dâng cao làm bão hòa, cưỡng bức nước trong đất... dẫn đến sạt trượt lớp đất đá phong hóa của vai phải mái đào hố xói đập tràn.

Vị trí sạt trượt từ cao độ 95m lên trên.

Khoảng cách từ vết sạt đến vị trí đập khoảng 100m. Đập nằm trên nền đá gốc ở cao độ 75m-79m, trong khi chân vết sạt là đá gốc cứng chắc ở cao độ 95m.

Sau khi xảy ra sạt trượt, TSHPCo đã thường xuyên quan trắc chuyển vị, ứng suất của công trình, kết quả cho thấy các số liệu quan trắc vẫn bình thường và nằm trong giới hạn cho phép, đặc biệt lưu lượng thấm qua đập bê tông rất nhỏ.

Chân vết sạt là đá gốc cứng chắc ở cao độ 95m.

Theo ông Ngô Quốc Phương - Phó Giám đốc TSHPCo, sau khi phát hiện vết sạt trượt, công ty đã mời chuyên gia, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đến làm việc tại hiện trường. Vết sạt lớp ngoài, không có tác dụng chịu lực, không ảnh hưởng đến an toàn của đập.

Cũng theo ông Phương, để vết sạt không phát triển thêm và đảm bảo giao thông vai đập, giải pháp ưu tiên trước mắt là bổ sung neo gia cố phạm vi từ vết sạt đến chân đập; đào, giảm tải một phần mái đào trên cao.

Vết sạt có xu hướng phát triển lên trên đỉnh mái đào.

Về lâu dài, sẽ rà soát và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp cho toàn bộ khu vực hạ lưu vai phải, vai trái.

Theo đánh giá của chuyên gia địa chất và tư vấn thiết kế (Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 4) thì đập thủy điện Trung Sơn là đập bê tông trọng lực, được đặt trên nền đá gốc cứng chắc, nên hiện trạng đập hiện nay an toàn và vận hành bình thường.

Giải pháp ưu tiên trước mắt là bổ sung neo gia cố phạm vi từ vết sạt đến chân đập; đào, giảm tải một phần mái đào trên cao.

Hiện nay, đơn vị thường xuyên theo dõi, quan trắc vết sạt trượt và quan trắc đập; đào dỡ tải và khoan neo gia cố theo phương án xử lý của tư vấn thiết kế.

Trên cơ sở theo dõi hiện trạng vết sạt trượt, điều kiện địa chất nền đập, các số liệu quan trắc đập, TSHPCo khẳng định đập và nhà máy thủy điện Trung Sơn an toàn và vận hành bình thường.

Nhà máy thủy điện Trung Sơn có công suất 260 MW, bao gồm 4 tổ máy sản xuất 1.018,61 triệu kWh. Dự án khởi công năm 2012 với tổng mức đầu tư 410,68 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) là 330 triệu USD, vốn đối ứng của EVN 80,68 triệu USD.

Nhà máy có dung tích hơn 300 triệu m3, bắt đầu tích nước từ tháng 12/2016, vận hành tổ máy đầu tiên vào tháng 2/2017, đến nay cả 4 tổ máy đều đã vận hành.

DT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thanh-hoa-sat-truot-mai-dao-ha-luu-dap-thuy-dien-trung-son-514518.html