Thanh Hóa: Phát huy giá trị văn hóa trò chơi, trò diễn trong lễ hội

Trò chơi, trò diễn làm nên bản sắc đặc trưng của mỗi cộng đồng. Tại các lễ hội, trò chơi, trò diễn góp phần nâng cao giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, một số lễ hội đang dần mất đi trò chơi, trò diễn vốn có trước đó và công tác khôi phục, bảo tồn cũng là vấn đề được đặt ra…

Trò Xuân Phả.

Trước đây, tại Lễ hội Mai An Tiêm ở xã Nga Phú (Nga Sơn - Thanh Hóa), trò nấu cơm thi đã thu hút được nhiều du khách thập phương nhưng gần 10 năm qua, trò chơi trò diễn này đã không còn.

Không như trò nấu cơm thi ở một số địa phương khác, với nấu cơm thi ở lễ hội Mai An Tiêm thì sẽ nấu cơm bằng mía, tức là người tham gia thi phải vừa tước mía, nhai mía lại vừa lấy bã mía nấu cơm. Cơm được nấu trong niêu đất phải chín và ngon. Nhớ lại trò diễn này, bà Lê Thị Thủy - Phó giám đốc Trung tâm VH-TT,TT&DL huyện Nga Sơn bùi ngùi: “Từ nhỏ tôi đã xem trò diễn này. Rất vui và thú vị. Không chỉ có người Nga Phú nấu cơm đâu mà du khách cũng xung phong tham gia, cũng ăn mía, lấy bã mía nấu cơm. Nhưng tiếc là từ năm 2012 đến nay, vào mùa Lễ hội Mai An Tiêm thì trò diễn này đã không còn. Không chỉ người dân Nga Phú mà rất nhiều người đã từng về với lễ hội đều cảm thấy hụt hẫng. Tôi đang ấp ủ và đang có ý định sẽ tham mưu với huyện để khôi phục lại trò”.

Không chỉ dừng ở đây, hiện tại trò diễn khắc dưa hấu đỏ trong Lễ hội Mai An Tiêm sẽ có những điểm mới trong thời gian tới đây. Cụ thể sẽ đưa một không gian của vườn dưa vào lễ hội để du khách đến được chiêm ngưỡng, được biết vườn dưa hấu thế nào, khắc dưa hấu ra sao…

Cũng theo bà Trần Thị Thủy - Phó giám đốc Trung tâm VH-TT,TT&DL huyện Nga Sơn: “Chúng tôi cũng đang nghĩ ra mô hình vườn dưa tại lễ hội. Dưa hấu mà vào tháng 3 âm thì không đúng mùa do đó phải tìm giống làm sao phù hợp và đến thời điểm lễ hội là phải chín để mọi người cùng trải nghiệm khắc dưa. Nói chung là du khách không chỉ xem mà phải được chơi”.

Qua chia sẻ của Phó giám đốc Trung tâm VH-TT,TT&DL Nga Sơn càng thấy rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của trò chơi trò diễn trong lễ hội. Không chỉ là câu chuyện về khôi phục mà gắn với đó là phát huy, bảo tồn trò chơi trò diễn. Quan trọng là phải giữ được nét độc đáo và người xem cũng chính là người chơi…

Ngay tại Lễ hội đền Bà Triệu ở Hậu Lộc - Thanh Hóa, mặc dù vẫn đang còn một số trò chơi trò diễn dân gian như kéo co, cờ người, nhưng thực tế vẫn còn những hạn chế. Trò chơi trò diễn làm nên bản sắc đặc trưng, vậy nên nếu thiếu vắng cái đặc trưng ấy thì cũng kém đi sức hút với du khách.

Ông Đặng Xuân Khâm (88 tuổi), Triệu Lộc: Tôi vẫn còn minh mẫn, nếu được khôi phục lại trò nhà Mạc, tôi vẫn còn làm được.

Theo lời giới thiệu của ông Lê Ngọc Doãn - Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với cụ Đặng Xuân Khâm (88 tuổi), ở thôn Phú Điền. Ông Khâm là bậc cao niên trong xã đang nắm giữ nhiều thông tin về trò nhà Mạc, một trò diễn mà trước đây đã được đưa vào Lễ hội đền Bà Triệu. Nhưng qua đi thời gian, trò diễn đã bị mai một và câu chuyện về khôi phục đang là cả vấn đề. Cụ Khâm kể lại: Trò nhà Mạc tái hiện lại cảnh một con hùm rước lễ cho Vua Bà lên đền vào ngày 30 Tết. Trò nhà Mạc chỉ có 3 người, 1 người đánh kẻng, 1 người nhà Mạc và 1 người đội lốt hùm. Trước đây, khi trò đang còn, những người cao tuổi trong làng, cứ mỗi năm thay phiên nhau giữ cái lốt hùm và đồ nhà Mạc. Tết đến thì bàn giao lại cho làng. Vào ngày rằm mồng 1, sẽ có một miếng thịt sống để làm lễ cúng.

Điều đặc biệt, trong Lễ hội đền Bà Triệu, ông Khâm đã có 20 năm gắn bó với vai trò là đạo diễn đội tế cho 2 đội tế nữ quan và cung đình. Tuy nhiên, nhiều năm nay, điều khiến ông thấy băn khoăn nhất chính là việc trò nhà Mạc đã không còn. Ông ngậm ngùi: “Tôi còn đang nhớ cái lốt hùm hình dạng thế nào. Nếu được tổ chức lại, tôi sẽ cải tiến cái lốt hùm. Trò không còn, ai cũng tiếc vì đó là tích xưa cần phải gìn giữ. Tôi vẫn còn minh mẫn, nên nếu khôi phục lại trò, tôi sẽ làm được”…

Thiếu trò chơi, trò diễn trong lễ hội là thiếu đi một không gian văn hóa mà ở đó tạo sức hút cho du khách, tạo sự gần gũi và những trải nghiệm để phần hội ý nghĩa hơn. Vậy nên, ngoài việc đưa trò chơi trò diễn vào các buổi hoạt động ngoại khóa trong trường học thì trò chơi, trò diễn truyền thống phải luôn trở thành một cái nếp sinh hoạt, không chỉ ở lễ hội lớn mới tham gia mà ngay tại các thôn, làng thì trò chơi, trò diễn cũng phải được diễn một cách thường xuyên hơn…, phải để trò chơi trò diễn đã bị mai một có cơ hội được khôi phục, được trở lại theo đúng nghĩa…

Anh Hoàng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-phat-huy-gia-tri-van-hoa-tro-choi-tro-dien-trong-le-hoi-81618