Thanh Hóa: Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và cách mạng đền làng Nghiêm

Di tích lịch sử văn hóa và cách mạng đền làng Nghiêm, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2001.

Nơi đây thờ Thiên Uy Tôn Thần, Thôi Quan Tôn Thần và Hà Thành Tôn Thần, là 3 vị quan họ Bùi thời Lê Trung Hưng, dòng dõi khai quốc công thần Bùi Bị, đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương. Đến nay những giá trị về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng vẫn được nhân dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy...

Ông Nguyễn Danh Thành - Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa và cách mạng đền Nghiêm, nhiều năm gắn bó với đền đã kể cho chúng tôi nghe lịch sử của đền với niềm tự hào. Theo gia phả họ Bùi tại các xã Quảng Giao, Quảng Đại, Quảng Hải thì họ Bùi hậu duệ của 3 vị tôn thần đền làng Nghiêm là Thiên Uy, Thôi Quan, Hà Thanh Tôn Thần. Họ Bùi ở khu vực này là dòng dõi của khai quốc công thần Bùi Bị được phong ấp tại xã An Vệ, tổng Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Côi (Thái Bình)...

Tại đền đã chứng kiến cuộc cách mạng giành chính quyền do Đảng lãnh đạo nhân dân Quảng Xương vào tháng 8/1945. Đêm 18/8/1945 đội tự vệ của huyện tập kết tại đây, tiến vào huyện đường Quảng Xương (lúc đó đóng tại làng Bùi) bắt tri huyện Lê Nguyên Kháng nộp vũ khí, ấn tín và hồ sơ đầu hàng cách mạng. Sáng ngày 22/8/1945 sân đền và nội tự đền đã được chuyển thành sân vận động của huyện. Cuộc mít tinh chào mừng lễ ra mắt của UBND cách mạng lâm thời huyện Quảng Xương có hàng vạn quần chúng tham gia được tổ chức tại đây. Sau giây phút nghiêm trang chào cờ bế mạc, từng làng xã, từ mái đền làng Nghiêm thiêng liêng, đi theo hàng ngũ cùng cờ trống biểu ngữ trở về. Tiếng reo hò nổi lên xen lẫn tiếng trống, tiếng hô khẩu hiệu xáo động cả không gian, vang dội khắp các nẻo đường. Âm thanh cách mạng theo gió vươn cao và tỏa quện vào từng thửa ruộng, dòng sông, vòm cây, ngọn cỏ. Một thứ âm thanh của ngày hội lớn, của niềm vui từ đáy lòng mỗi người, tràn đầy sức sống, ngàn năm có một, không thể nào quên. Đền và sân vận động làng Nghiêm đã đi vào lịch sử cách mạng, được các thế hệ người dân huyện Quảng Xương nhắc đến và ngưỡng mộ về hào khí của ông cha trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Ông Nguyễn Danh Thành (bên phải) giới thiệu về bệ đá cắm cờ có từ thời Lê để lại.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước kia đền làng Nghiêm có 4 khu vực kiến trúc. Khu hậu cung thiết kế theo kiểu vì kèo quá giang, khu trung đường gồm 3 gian, 2 vây bằng gỗ lợp ngói; khu tiền đường 5 gian bịt đốc, cấu trúc gỗ vì chồng rường. Hai bên tả hữu đền là khu tả vu và hữu vu. Rất tiếc qua 2 cuộc chiến tranh các khu tả hữu vu, tiền đường và trung đường đã bị tháo gỡ, còn lại 2 gian hậu cung còn nguyên vẹn. Với niềm tự hào về truyền thống của cha ông, các thế hệ người con làng Nghiêm nói riêng và xã Quảng Giao nói chung luôn có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ đền. Từ tấm lòng hảo tâm của con em đang sinh sống ở địa phương, cùng mọi người con đang làm việc trên mọi miền của Tổ quốc và khách thập phương đã đóng góp, tôn tạo thêm một số hạng mục. Hiện nay cổng đền và khuôn viên tường rào đang được xây dựng.

“Hiện nay tại đền còn đang lưu giữ nhiều hiện vật cổ như: Long ngai, thẻ bài, đồ thờ gồm lư hương, hạc bằng đồng, cày đèn, 2 câu đối, bức đại tự vua ban, các bệ đá cắm cờ hình lồng úp có lỗ tròn ở giữa để cắm cờ, là các di vật cũ của đền từ thời Lê để lại. Đây là những tư liệu có giá trị về việc tìm hiểu sự hình thành của làng xã duyên hải Quảng Xương, càng có giá trị tìm hiểu chế độ ruộng đất thời phong kiến và những danh nhân ở vùng đất này” - ông Nguyễn Danh Thành cho biết thêm.

Cùng với đó nhân dân trong làng còn giữ 8 đạo sắc phong, được phong vào các triều vua: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tân, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định. Có 5 đạo phong cho Thiên Uy Tông Thần, 1 đạo phong cho Hà Thanh Tôn Thần và 2 đạo phong cho Thôi Quan Tôn Thần. Đây là những bằng chứng ghi nhận công lao xây dựng và bảo vệ quê hương của 3 vị thần họ Bùi. Các vị xứng đáng được đời đời nhang khói phụng thờ ghi nhớ công lao. Những sắc phong đã được chép lại và đóng khung kính, treo trang trọng trên tường của đền làng Nghiêm.

Cũng như rất nhiều vùng quê khác, việc thờ phụng, tôn trọng thần linh luôn được nhân dân trong làng, trong xã coi trọng, giữ gìn và coi đó là một phần không thể thiếu của đời sống nhân dân. Hàng năm cứ vào các ngày lễ, tết, ngày rằm, ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng, đặc biệt là dịp tết nguyên đán, nhân dân trong làng lại nô nức tụ họp về đây, dâng lễ vật lên các vị thần để cầu mong cuộc sống yên bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt.

Trung Hiếu

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-phat-huy-gia-tri-di-tich-lich-su-van-hoa-va-cach-mang-den-lang-nghiem-73501