Thanh Hóa nỗ lực tạo việc làm mới cho người lao động

Năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa giải quyết việc làm mới cho 69.622 lao động. Kết quả này đã góp phần giúp tỉnh thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2020, tỉnh triển khai kế hoạch tạo việc làm mới cho khoảng 69 nghìn lao động.

Sau khi được đào tạo nghề cơ khí, người dân xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã mở xưởng sản xuất, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: ANH SƠN

Sau khi được đào tạo nghề cơ khí, người dân xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã mở xưởng sản xuất, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: ANH SƠN

Năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa giải quyết việc làm mới cho 69.622 lao động. Kết quả này đã góp phần giúp tỉnh thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2020, tỉnh triển khai kế hoạch tạo việc làm mới cho khoảng 69 nghìn lao động.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp từng địa phương: Hướng dẫn các địa phương giám sát và điều tiết quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động, nâng cao năng lực hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu và thu thập thông tin thị trường lao động. Phối hợp các địa phương cập nhật, phân tích và xử lý thông tin thị trường lao động kịp thời, đầy đủ, chính xác; dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, sử dụng lao động; khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư cho đào tạo nghề chất lượng cao; trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chỉ đạo các cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo nghề khi xác định được đầu ra. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh phối hợp các ngân hàng tăng cường nguồn vốn cho Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận vốn, giải ngân nhanh cho người lao động, tăng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm.

* Năm 2020, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Tỉnh đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm và giảm 4% số xã khó khăn, đặc biệt khó khăn theo chương trình đề ra.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh thực hiện các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, đào tạo nghề. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với nội dung và hình thức phù hợp nhu cầu và khả năng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở từng địa phương.

Đối với nông nghiệp, tỉnh phát triển các mô hình có tính mới như trồng cây măng tây xanh, giống nho mới NH 01-152, các loại cây ăn quả đặc sản, đậu đỗ có khả năng thích ứng tốt với khí hậu khô hạn; các mô hình nuôi bò, dê, cừu vỗ béo để tăng năng suất, nâng cao chất lượng gia súc thương phẩm; các mô hình nuôi cá biển, các loài nhuyễn thể... Cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo bền vững, các tiêu chí tiếp cận nghèo theo chuẩn đa chiều. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người nghèo nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm hạn chế số hộ tái nghèo, bảo đảm thoát nghèo bền vững.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43358102-thanh-hoa-no-luc-tao-viec-lam-moi-cho-nguoi-lao-dong.html