Thanh Hóa nỗ lực chống tiêu cực trong thi cử

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đang đến gần, với kết quả tổ chức thành công kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 cùng với việc thực hiện những đổi mới kỳ thi của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã và đang phối hợp với các ngành chức năng, thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan, phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hằng.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng.

PV: Thưa bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai những điểm mới gì nhằm khắc phục những hạn chế, chống tiêu cực trong thi cử?

Bà Phạm Thị Hằng:Để khắc phục những bất cập tiêu cực trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định về phương thức tổ chức, nhưng có những điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn.

Cụ thể: Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12; điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT, 30% điểm trung bình năm lớp 12. Điều động cán bộ, giảng viên các trường ĐH, học viện, CĐ đến các địa phương phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật. Đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24/24 giờ và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, Hội đồng thi. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép vào bài thi. Đồng thời, phối hợp với công an tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi… Với những biện pháp tích cực trong tổ chức Kỳ thi THP Quốc gia năm nay, tôi tin chắc chắn không xảy ra tiêu cực đáng tiếc như ở một số địa phương trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

PV:Cùng với những quy chế, quy định mới của Bộ GD&ĐT, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai, thực hiện những giải pháp nào để chống tiêu cực trong thi cử, thưa bà?

Bà Phạm Thị Hằng: Đối với Thanh Hóa, không phải riêng kỳ thi THPT Quốc gia mà tất cả các kỳ thi như kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi vào lớp 10 THPT, thi vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn… đều thực hiện rất nghiêm túc. Nhiều năm nay, các kỳ thi không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Điều này thể hiện qua dư luận của xã hội và thực tế những năm gần đây, các kỳ thi tại Thanh Hóa luôn nhận được đánh giá tốt của nhân dân. Có được những thành công đó, là sự nỗ lực không ngừng của ngành giáo dục Thanh Hóa. Trong các kỳ thi, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tập huấn nghiêm túc và nâng cao trách nhiệm của những người tham gia tổ chức thi. Nâng cao nhận thức cho cán bộ coi thi, xác định kỳ thi nào cũng quan trọng và phải thực hiện nghiêm túc để phản ánh đúng chất lượng giáo dục.

Nhiều năm nay, Kỳ thi THPT Quốc gia tại Thanh Hóa luôn được dư luận, nhân dân đánh giá cao về tính nghiêm túc, chính xác, phản ánh đúng chất lượng giáo dục.

Đặc biệt, mỗi kỳ thi, sau khi thi Sở GD&ĐT đều yêu cầu các Hội đồng thi họp rút kinh nghiệm xem có những tồn tại gì, từ đó, năm sau có biện pháp khắc phục, ngăn ngừa. Khi có những thiếu sót, sai phạm phải xử lý kịp thời, nghiêm túc, không bao che. Ví dụ như: Cách đây vài năm, trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh đã xảy ra tình trạng hàng loạt học sinh đánh dấu bài. Ngay sau khi phát hiện, Sở GD&ĐT đã quyết định hủy bài thi và kỷ luật nghiêm những cá nhân, tập thể vi phạm nhằm răn đe, tránh lặp lại tình trạng này trong các kỳ thi khác. Bên cạnh giám sát chặt chẽ, chúng tôi cũng phải thường xuyên có những thay đổi trong cách thức ra đề thi, phương thức tổ chức thi, chấm thi, đặc biệt, khi phát hiện ra kẽ hở xảy ra tiêu cực, để hạn chế tối đa sự cố.

PV:Theo bà, để các kỳ thi diễn ra thành công, yếu tố quan trọng nhất là gì?

Bà Phạm Thị Hằng: Để có được những thành công trong mỗi kỳ thi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Đặc biệt là trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu ngành giáo dục. Người đứng đầu phải nghiêm túc, sát sao trong công tác chỉ đạo, kiểm tra và giao việc cho đúng người. Những người tham gia công tác tổ chức thi phải thực hiện nghiêm quy định trong kỳ thi, có trách nhiệm cao và nhận thức rõ về vai trò của mình trong nhiệm vụ được giao.

PV:Hiện nay, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo như thế nào đối với các cơ sở giáo dục về công tác chuẩn bị cho kỳ thi này, thưa bà?

Bà Phạm Thị Hằng: Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể đến các nhà trường, yêu cầu các nhà trường thông báo về kỳ thi, lịch thi, rà soát lại nội dung chương trình dạy học theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, tổ chức ôn tập cho học sinh, hướng dẫn học sinh các thủ tục, giấy tờ đăng ký dự thi… đảm bảo công tác bảo vệ trật tự an ninh, an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong những ngày thi. Các trường đặt điểm thi có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, bàn bạc với các nhà trường có thí sinh dự thi tại địa điểm mình về kế hoạch đi lại và bố trí nơi ăn, nơi ở trong những ngày thi cho học sinh, giúp đỡ những học sinh neo đơn, không có phương tiện đi thi; không để xảy ra tình trạng học sinh do khó khăn mà không dự thi được.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường tổng kết công tác năm 2018 để đánh giá công tác thi, những ưu điểm, những tồn tại, sai sót của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ thi và công tác kiểm tra đánh giá hàng ngày tại đơn vị. Đặc biệt là rút kinh nghiệm về những thiếu sót do thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức kỷ luật, do non yếu về nghiệp vụ, về chuyên môn hoặc vì bệnh thành tích mà làm ảnh hưởng đến học sinh, ảnh hưởng đến tập thể cán bộ giáo viên nhà trường và ảnh hưởng đến ngành.

Hiệu trưởng các nhà trường tổ chức cho giáo viên học tập và nghiên cứu quy chế thi. Chú ý những điểm mới của quy chế, hướng dẫn thi và những điểm mà cán bộ giáo viên thường mắc sai sót trong khi thực hiện nhiệm vụ; tổ chức cho cán bộ, giáo viên viết cam kết thực hiện đúng quy chế khi làm nhiệm vụ coi thi, làm phách, chấm thi… Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng giáo viên của đơn vị vi phạm quy chế vì không nắm vững quy chế thi hoặc thiếu ý thức trách nhiệm.

Hiện nay, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường được chọn làm điểm thi chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo đúng quy chế thi, như: máy tính kết nối internet, máy phát điện, camera… nhất thiết khu vực trường thi phải có tường rào bao quanh, cách ly với nhà ở của dân hoặc của cán bộ giáo viên. Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho các kỳ thi năm 2019 tại Thanh Hóa đã hoàn tất. Mọi công tác chuẩn bị đều hướng đến một kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, chính xác, đúng quy chế, đánh giá đúng trình độ người học, phản ánh đúng chất lượng dạy và học của nhà trường.

PV: Xin cảm ơn bà! Với những nỗ lực của ngành GD&ĐT cùng ngành chức năng đã và đang thực hiện, xin chúc cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại Thanh Hóa diễn ra thành công, tốt đẹp!

Hoàng Giang (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/thanh-hoa-no-luc-chong-tieu-cuc-trong-thi-cu/101333.htm