Thanh Hóa: Những chuyển biến qua 30 năm xây dựng làng văn hóa

Sau 30 năm (1989 - 2019), phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đi vào nền nếp. Xây dựng làng, bản văn hóa thực sự góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đẩy mạnh dân sinh và thiết thực xây dựng nông thôn mới, tiến tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Xây dựng làng văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Làng văn hóa Đông Cao, xã Trung Chính, huyện Nông Cống không chỉ là trái tim của vùng văn hóa Nông Cống mà còn là niềm tự hào của Thanh Hóa, khi đây là một trong những làng văn hóa đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm xây dựng làng văn hóa và được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh từ năm 1997. Từ hiệu quả mô hình xây dựng làng văn hóa ở Đông Cao, nhiều huyện, thị, thành phố đã tổ chức học tập mô hình, triển khai xây dựng thí điểm từ 1 - 2 làng/huyện. Nhiều làng văn hóa được ra đời trong giai đoạn như làng Văn Đoài (Đông Văn, Đông Sơn), Ngọc Liên (Nga Liên, Nga Sơn), làng Sen (Triệu Sơn), từ năm 1991 đến 2009, tỉnh Thanh Hóa đăng ký xây dựng và công nhận 3.426 / 6.031 thôn, bản, phố, đạt tỉ lệ 56,8%; năm 2018, con số được công nhận danh hiệu văn hóa là 4.396/6.031, đạt tỉ lệ 72,8%...

Bám sát tiêu chí xây dựng làng văn hóa, các làng đã đề ra mục tiêu phấn đấu xóa đói, giảm nghèo trong thời gian ngắn nhất, khuyến khích các thành phần kinh tế làm giàu chính đáng. Phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc “Lá lành đùm lá rách”, các làng văn hóa đã có nhiều phong trào đóng góp ủng hộ người nghèo. Hằng năm các tổ chức đoàn thể ở các làng văn hóa đã tổ chức được nhiều hoạt động phổ biến ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đời sống sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân nâng cao hiểu biết để sử dụng hiệu quả lao động, đất đai và nguồn vốn vào mục tiêu “Xóa đói giảm nghèo”; Nhiều hộ gia đình mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong các làng văn hóa đã xuất hiện nhiều tấm gương giúp nhau làm kinh tế. Các mô hình trang trại, gia trại, ngành nghề thủ công truyền thống, ngành nghề du nhập mới được phát triển. Các làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã huy động mạnh mẽ sự đóng góp của người dân ở địa phương xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, phục vụ cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các đoàn thể thường xuyên lồng ghép với các phong trào như: "Nuôi con khỏe dạy con ngoan", "Ông bà cha mẹ mẫu mực con cháu hiếu thảo", "Gia đình dòng họ hiếu học"... các gia đình thường xuyên nhắc nhở thành viên trong gia đình sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, thực hiện tốt quy ước xây dựng làng văn hóa. Năm 2018, toàn tỉnh có 744.378/942.251 gia đình đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 79%.

Từ khi có phong trào xây dựng làng văn hóa đến nay, nhân dân các làng văn hóa đã đóng góp trên 80%, có làng đóng góp 100% kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao. Đến cuối năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh có 5.259/6.031 nhà văn hóa - khu thể thao thôn (đạt tỷ lệ 87,2%), trong đó có 3.154/6.031 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 52,3%); trên 70% làng, bản, tổ dân phố văn hóa có đội văn nghệ. Làng, bản, tổ dân phố văn hóa thực sự là những điểm sáng về bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhiều làng, bản, tổ dân phố đã và đang từng bước khôi phục lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian tạo nên sắc thái văn hóa dân tộc đậm đà, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Việc cưới, việc tang và lễ hội tại các làng, thôn, bản văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Một số địa phương thực hiện việc trao giấy kết hôn tại văn phòng UBND hoặc nhà văn hóa thôn. Một số thủ tục trong cưới đã có tiến bộ, không còn thách cưới, không có nghi thức rườm rà, không tổ chức ăn uống linh đình. Ở hầu hết các làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong việc tang như ăn uống 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày. Trong hành lễ bỏ hẳn tục mê tín dị đoan như: gọi hồn bắt vía, lăn đường, rải vàng mã dọc đường, khóc mướn.

Từ tác động của phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến; việc thực hiện quy ước, hương ước làng, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên và sự đồng thuận của người dân ở nông thôn, thành thị.

Xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã tạo cơ hội để thực hiện và phát huy dân chủ, đã có trên 85% số làng, bản, tổ dân phố văn hóa thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, không có khiếu kiện tập thể, vượt cấp kéo dài; tạo ra sự đồng thuận trong xã hội ở nông thôn.Trên 75% làng, bản, tổ dân phố văn hóa không có tệ nạn xã hội, không để tệ nạn xã hội phát sinh và không có trọng án hình sự xảy ra. Trên 1.000 tổ tự quản về trật tự, an ninh, an toàn xã hội ở các làng văn hóa được thành lập và phát huy hiệu quả, góp phần đáng kể vào giữ gìn cuộc sống yên lành cho người dân ở nông thôn.

Đặc biệt xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái củng cố tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cùng nhau hướng tới xây dựng làng quê như Bác Hồ nói: “Đối với làng, thì nhà giàu, nhà vừa giúp nhà nghèo; người tốt, người vừa giúp người kém; người học thông giúp người học dốt. Phải làm cho cả làng biết chữ, biết đạo đức và biết trách nhiệm của công dân; phải cấm tệ nạn say sưa, cờ bạc, hút sách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không xảy ra chuyện chửi nhau, kiện cáo nhau, xây dựng làng trở thành “thuần phong, mỹ tục”.

Sau 30 năm xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa góp phần ổn định và phát triển kinh tế, nêu cao truyền thống tương thân, tương ái, đùm bọc trong tình làng, nghĩa xóm nhằm giúp nhau xóa đói giảm nghèo, động lực làm giàu chính đáng. Xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa góp phần xây dựng được đời sống văn hóa của nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao, thực hiện được các hoạt động nhân đạo, chính sách xã hội khác. Xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa thực sự hợp ý Đảng lòng dân nên được nhân dân hưởng ứng, thực hiện được chủ trương của Đảng là “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”...

Trung Hiếu

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-nhung-chuyen-bien-qua-30-nam-xay-dung-lang-van-hoa-71951