Thanh Hóa: Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao

Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp tuyển dụng thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) Thanh Hóa là 26.022 người, trong đó lao động (NLĐ) làm việc trong tỉnh là 15.429 người, làm việc ngoài tỉnh là 6.858 người và làm việc ngoài nước là 3.735 người. Ước tính cả năm, nhu cầu tuyển dụng khoảng 45.000 lao động. Nhu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng lao động ngày càng tăng cao.

Kết nối người lao động với doanh nghiệp

Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa, dự kiến trong năm 2019 sẽ có khoảng 680 lượt doanh nghiệp đăng ký trực tiếp tuyển dụng tại các sàn giao dịch việc làm, khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp ủy thác cho Trung tâm cung cấp thông tin tuyển dụng đến người lao động tại Thanh Hóa. Số lượng tuyển dụng ước đạt khoảng 45.000 lao động ở tất cả các ngành nghề, trình độ trong các loại hình doanh nghiệp. Trong những tháng đầu năm 2019, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, thu hút hàng trăm doanh nghiệp và hàng chục nghìn lượt người tham gia.

Những tháng đầu năm 2019, TT DVVL Thanh Hóa đã cung ứng thông tin thị trường lao động cho 33.500 lượt người. Thu thập thông tin về nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp. Trong đó, có 910 doanh nghiệp cập nhật, khảo sát tình hình biến động lao động và nhu cầu tuyển dụng. Số lao động mà các doanh nghiệp cần tuyển dụng trong 5 tháng đầu năm là 26.022 người. Trong đó, lao động làm việc trong tỉnh là 15.429 người, làm việc ngoài tỉnh là 6.858 người và làm việc ngoài nước là 3.735 người. Đồng thời, TT DVVL đã tổ chức các phiên GDVL lưu động tại huyện Như Xuân, thị xã Bỉm Sơn, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa và 10 phiên GDVL định kỳ, và đã thu hút 203 lượt doanh nghiệp tham gia. Qua đó, kết nối việc làm thành công lao động làm việc trong nước, xuất khẩu lao động, học nghề 1.811 người.

Bên cạnh đó, thông qua công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước (cả lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp), đã kết nối việc làm thành công lao động làm việc trong nước, xuất khẩu lao động, học nghề cho hơn 2.124 người. Cùng với đó, công tác đào tạo, tư vấn xuất khẩu lao động cũng được quan tâm. Đã có 2.800 lượt người được tư vấn về các thị trường xuất khẩu lao động như: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Belarus, Ả rập xê út, Dubai, Hàn Quốc... TT DVVL Thanh Hóa cũng đã chú trọng tư vấn, phổ biến, hướng dẫn các thông tin liên quan đến thị trường lao động cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và NLĐ có nhu cầu về các vấn đề như: Tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, quy trình giải quyết tranh chấp lao động. Để giúp NLĐ và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, TT DVVL thường xuyên khảo sát, thu thập, cập nhật thông tin cung - cầu lao động trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau. Năm 2019, TT DVVL Thanh Hóa dự kiến tổ chức 45 phiên GDVL, trong đó: Có 38 phiên GDVL cố định, 7 phiên GDVL lưu động và online.

Người lao động đến đăng ký việc làm trong Ngày hội việc làm tại TT DVVL Thanh Hóa

Người lao động đến đăng ký việc làm trong Ngày hội việc làm tại TT DVVL Thanh Hóa

Nhu cầu tuyển lao động tăng cao

Đầu năm, người lao động thường có xu hướng chuyển việc để tìm kiếm cơ hội mới phù hợp với điều kiện bản thân, gia đình và thu nhập. Nhiều doanh nghiệp cũng quen với xu hướng này nên luôn có kế hoạch để tuyển dụng bổ sung lao động, nhằm đáp ứng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, biến động lao động đầu năm rất lớn trên thị trường lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tay nghề phổ thông đã kết nối với TT DVVL Thanh Hóa, mong muốn tham gia các sàn GDVL, hội nghị định hướng việc làm nhằm tuyển dụng được nguồn lao động phù hợp. Người lao động tìm kiếm việc làm mới tại các sàn GDVL, hội nghị định hướng việc làm, được cung cấp, trang bị các kỹ năng tìm việc, phỏng vấn xin việc; được trao đổi, tìm hiểu cụ thể về công việc, các yêu cầu của từng vị trí tuyển dụng, mức lương, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, phát triển nghề nghiệp... Nhu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng lao động ngày càng tăng cao.

Bên cạnh việc tổ chức các sàn GDVL, TT DVVL Thanh Hóa cũng thông qua công tác khảo sát trực tiếp tại các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, để từ đó tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ông Lê Đăng Thanh - Giám đốc TT DVVL Thanh Hóa cho biết: “Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn cho người lao động. Trung bình mỗi tuần tổ chức 1- 2 buổi tư vấn cho người lao động, người hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động tự do. Có thời điểm đông, tổ chức sàn và mời các doanh nghiệp đến tham gia tuyển dụng. Các doanh nghiệp rất ủng hộ việc tổ chức sàn GDVL để kết nối với người lao động và cũng được kết nối để tìm hiểu ngành nghề và thị trường lao động”. Theo ông Thanh, khó khăn trong quá trình tổ chức sàn GDVL là tại một địa điểm, để tuyển dụng ngay tại chỗ là hơi khó mà phải quá trình lâu dài. Khi phiên giao dịch nào đó diễn ra thì vẫn tuyển được lao động, nhưng số lượng chưa đông. Còn về lâu dài, các doanh nghiệp tuyển lao động tại các địa bàn đó rất tốt.

Ông Lê Đăng Thanh cũng cho rằng, khi lao động đã được tuyển dụng cũng phù hợp với mức lương chi trả của các doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu thường từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. “Với mức thu nhập đó cũng phù hợp với lao động tự do và lao động phổ thông. Tất nhiên, có những thời điểm, các doanh nghiệp có nhu cầu thì mức lương được nâng cao hơn, để đúng với thời gian hợp đồng của hàng hóa. Cụ thể là làm thêm giờ, phụ cấp hoặc là một số ưu đãi tăng lên”.

Trong thời gian tới, TT DVVL Thanh Hóa tăng cường triển khai nhiều ngày hội việc làm, nhiều hội thảo đến các huyện, xã giúp người lao động nắm bắt được chủ trương về lao động việc làm, để tiếp cận với các thị trường lao động cũng như lựa chọn được những công việc, ngành nghề phù hợp. Trung tâm dự kiến tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ tại đơn 3-4 lần/tháng, linh động vào thứ 2 hoặc thứ 3 hàng tuần, để kết nối việc làm cho người lao động thất nghiệp đến Trung tâm tìm việc làm trực tiếp; trung tâm cũng tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động tại các huyện giúp người lao động địa phương kết nối, tìm kiếm được công việc phù hợp với khả năng, trình độ và nguyện vọng, giúp người tìm việc tại địa phương không phải mất thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là người lao động ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thu Hương

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thanh-hoa---nhu-cau-tuyen-dung-lao-dong-tang-cao-d99367.html