Thanh Hóa: Nhiều khuất tất trong hợp đồng nạo nét đập Bái Thượng?

(TN&MT) – Theo Lãnh đạo huyện Thường Xuân ( Thanh Hóa) khẳng định: Tại đập Bái Thượng có Nhà máy thủy điện nên ở đây đã hạ cos, vì vậy tại khu vực này không có bãi bồi, không có cát, sỏi, bùn bồi lắng. Với lại nếu nạo vét ở đây sẽ ảnh hưởng đến an toàn đập. Nhưng không hiểu tại sao, Công ty TNHH MTV Sông Chu vẫn ký hợp đồng nạo vét với Công ty Thanh Tuấn đã “vô hình trung” tạo điều kiện cho Công ty khai thác cát trái phép, không những làm ảnh hưởng đến an toàn hồ đập, mà còn gây sạt lở đất đai, hoa màu của người dân. Công ty đã bị UBND xã Thọ Thanh, UBND huyện Thường Xuân xử phạt nhiều lần và có quyết định thu hồi đất… Vụ việc diễn ra trong suốt thời gian qua gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Trước đó, Báo Tài nguyên & Môi trường ngày 9/7/2018 có bài “Thường Xuân (Thanh Hóa): Sạt lở đất nông nghiệp do khai thác cát trái phép?” và ngày 11/7/2018 có bài “Mượn cớ nạo vét để khai thác cát trái phép?”, phản ánh việc nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân bị sạt lở và công ty Thanh Tuấn đã mượn cớ nạo vét để khai thác tận thu cát trái phép.

Đập Bái Thượng đang có nguy cơ mất an toàn vì khai thác cát?

Ngày 25/1/2018, Công ty Sông Chu, do ông Lê Văn Nhị, Chủ tịch HĐTV ký Dự thảo hợp đồng nạo vét bãi bồi thượng lưu đập Bái Thượng với Công ty Thanh Tuấn, do ông Vũ Quang Tuấn làm Giám đốc. Giá trị hợp đồng là 425.790.000 đồng, thời hạn 6 tháng. Trong khi đó, trước đập Bái Thượng cống lấy nước 7 cửa không có bãi bồi và cát, sỏi, bùn bồi lắng, nhưng công ty Sông Chu vẫn ký hợp đồng nạo vét với công ty Thanh Tuấn để rồi công ty Thanh Tuấn lợi dụng nạo vét để khai thác và tập kết cát trái phép(!?).

Khu vực sạt lở do nạn khai thác cát trái phép gây ra, mà UBND xã Thọ Thanh và UBND huyện Thường Xuân đã nhiều lần xử phạt

Theo báo cáo của UBND xã Thọ Thanh, ngày 24/1/2018 về việc sử dụng đất không đúng mục đích của hộ gia đình ông Vũ Quang Tuấn ở thôn 2 xã Thọ Thanh. Tại thửa đất số 03, 04, 09, 10 tờ bản đồ số 05-BĐĐC với diện tích 5.310m2, mục đích sử dụng là đất bằng trồng cây hàng năm. Tuy nhiên ông Vũ Quang Tuấn đã tự ý sử dụng đất không đúng mục đích từ năm 2016, làm bãi tập kết cát, không xin phép cơ quan chức năng theo quy định pháp luật. UBND xã đã nhiều lần giải quyết và yêu cầu hộ gia đình giải tỏa để trả lại mặt bằng hiện trạng nhưng không thực hiện.

Quyết định thu hồi diện tích đất đất ông Tuấn sử dụng sai mục đích để tập kết cát trái phép

UBND xã Thọ Thanh ra quyết định xử phạt hành chính số 01 ngày 21/3/2016 số tiền 2 triệu đồng đối với ông Vũ Quang Tuấn về vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tiếp đó ngày 2/3/2017, UBND xã lại lập biên bản vi phạm hành chính về việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không có giấy phép khai thác khoáng sản căn cứ theo nghị định 142/2013/NĐ-CP đối với hộ gia đình ông Vũ Quang Tuấn và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Tháo dỡ lán trại, di chuyển số cát đã tập kết ra khỏi diện tích đất vi phạm. Gia đình đã nộp phạt vào ngân sách nhà nước nhưng sau khi xử phạt vi phạm hộ gia đình vẫn vi phạm.

Báo cáo thiết kế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình nạo vét bãi bồi đập Bái Thượng của Sở NN&PTNT báo cáo thời gian thực hiện dự án năm 2017

Tiếp đó, ngày 26/1/2018, Tổ công tác liên ngành UBND huyện Thường Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC đối với ông Vũ Quang Tuấn đã vi phạm khai thác khoáng sản hút cát trái phép tại sông Chu thuộc địa phận thôn 2, xã Thọ Thanh và xử phạt hành chính số tiền 7.500.000đồng.

Ngày 29/3/2018, UBND huyện Thường Xuân ra Quyết định số 430/QĐ-UBND về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Tại Quyết định nêu rõ: Thu hồi 3.316 m2 đất bằng trồng cây hàng năm khác của ông Vũ Quang Tuấn, bà Nguyễn Thị Thanh, tại thửa đất số 4 và 9, tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính xã Thọ Thanh, đo đạc năm 2008 thuộc thôn 2, xã Thọ Thanh. Lý do thu hồi đất: Do vi phạm tại điểm a,g, khoản 1 Điều 64 Luật đất đai năm 2013. Đồng thời giao UBND xã Thọ Thanh ra thông báo yêu cầu gia đình ông Vũ Quang Tuấn và bà Nguyễn Thị Thanh phải tháo dỡ các công trình, tài sản trên đất để bàn giao cho UBND xã quản lý theo quy định.

Nhưng năm 2018, Công ty Sông Chu mới ký hợp đồng với Công ty Thanh Tuấn?

Rõ ràng, việc Công ty Thanh Tuấn không có đủ chức năng và thẩm quyền để ký hợp đồng nạo vét. Bởi, bản thân ông Tuấn và Công ty Thanh Tuấn nhiều lần bị UBND xã Thọ Thanh và UBND huyện Thường Xuân phạt hành chính về việc khai thác cát trái phép và sử dụng đất sai mục đích. Nhưng không hiểu tại sao Công ty Sông Chu vẫn ký hợp đồng nạo vét bãi bồi đập Bái Thượng với Công ty Thanh Tuấn?. Với lại, trong Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo thiết kế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình nạo vét bãi bồi đập Bái Thượng số 2804/SNN&PTNT-TL ngày 14/9/2017 thì công trình này đã thực hiện năm 2017, trong khi Hợp đồng nạo vét lại ký với Công ty Thanh Tuấn năm 2018?. Bản cam kết bảo vệ môi trường cũng được lập vào năm 2017 ( không có ngày tháng). Vậy, phải chăng dự án này đã được nạo vét rồi?

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân khẳng định: Khu vực đập ở đây có nhà máy thủy điện đã hạ cos thì làm gì có bãi bồi. Với lại nếu cho đơn vị nạo vét sẽ ảnh hưởng đến đập Bái Thượng và tình hình an ninh trật tự địa phương. Việc ông Vũ Quang Tuấn ký hợp đồng nạo vét với Công ty Sông Chu nhưng lại khai thác cát trái phép huyện đã xử phạt hành chính. Ông Tuấn còn sử dụng đất sai mục đích làm bãi tập kết cát trái phép trên đất trồng cây hàng năm, huyện cũng đã ra quyết định thu hồi đất và giao cho xã quản lý. Việc ông Vũ Quang Tuấn khai thác cát trái phép còn làm ảnh hưởng đến an toàn của đập Bái Thượng và tình hình an ninh trật tự tại địa phương

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tieng-dan/thanh-hoa-nhieu-khuat-tat-trong-hop-dong-nao-net-dap-bai-thuong-1255974.html