Thanh Hóa: Nghiên cứu, phục dựng và phát huy lễ hội Phủ Trịnh

Nghiên cứu, phục dựng và phát huy lễ hội Phủ Trịnh vừa đáp ứng được nhu cầu hướng về nguồn cội, tri ân tiền nhân đã dựng xây và bảo vệ quê hương, đất nước, vừa là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút và gọi mời người dân cả nước và du khách muôn phương về với Vĩnh Lộc - xứ Thanh.

Sau khi đánh đuổi Nhà Mạc, giải phóng Thăng Long năm 1592, Nhà Trịnh cho tái thiết cung điện của vua Lê và làm Vương Phủ Trịnh để cùng điều hành chính sự. Ngoài ra, Nhà Trịnh còn cho xây dựng một vương phủ ở quê hương làng Biện Thượng với quy mô nhỏ hơn. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên, cũng là hành dinh của Nhà Trịnh trên đất Thanh Hóa trong công cuộc “phò Lê, diệt Mạc”. Trước đây, Phủ Trịnh được xây dựng trên vùng đất rộng hàng chục mẫu, với nhiều dinh thự uy nghi. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Phủ Trịnh chỉ còn lại một ngôi nhà ngói cổ 7 gian là nơi thờ các vị chúa, gọi là Phủ Từ và đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVI-XVII, họ Trịnh với 12 đời chúa, đứng đầu là Thái Vương Trịnh Kiểm đã phò vua giúp nước trong suốt 249 năm. Ghi dấu thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc, các chúa Trịnh đã giúp các vua triều Lê Trung Hưng cai quản đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia không bị ngoại bang xâm lấn, đấu tranh giành lại một phần lãnh thổ bị vương triều phong kiến Trung Hoa chiếm đoạt, khẳng định vị thế nhà nước Đại Việt; mở rộng quan hệ bang giao với nhiều nước ở các châu lục trên thế giới; thực hiện các chính sách cải cách thủ công nghiệp, thương mại, phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, chấn hưng về kinh tế, văn hóa, phát triển tiềm lực quân sự, ngoại giao...

Công lao của các Chúa Trịnh đối với dân tộc được lịch sử đánh giá và ghi nhận. Đã trở thành đạo lý truyền thống, cứ đến ngày 18 tháng 2 âm lịch hàng năm, ngày giỗ của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm - vị chúa Tiên của dòng Chúa Trịnh, lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Hùng, đại diện dòng họ Trịnh cả nước và nhân dân địa phương tụ họp về Phủ Trịnh, thôn Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa tham dự lễ hội, dâng hương, tri ân công đức của tiền nhân.

Một buổi lễ kỷ niệm ngày mất của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm.

Thực trạng lễ hội Phủ Trịnh

Lễ hội Phủ Trịnh trước kia, đặc biệt là trong những năm chống Pháp và chống Mỹ, do hoàn cảnh của chiến tranh và tiếp sau đó, toàn dân được vận động thực hiện đời sống mới, "bài phong" - chống tàn dư của xã hội phong kiến... nên di tích và việc tế lễ tại Phủ Trịnh không mấy ai quan tâm, trở nên mờ nhạt, rơi vào quên lãng. Từ sau thời kỳ đổi mới và Phủ Trịnh có kế hoạch được cấp trên cho lập dự án tu bổ, tôn tạo, lễ hội Phủ Trịnh mới dần được chú ý nhưng lễ hội chỉ mới có các nghi lễ dâng hương tưởng niệm là chính, việc tổ chức lễ và hội có quy mô lớn và theo điển lễ không ai còn nhớ và căn cứ vào đâu để phục dựng nên chưa được thực hiện. Sau mỗi lần tổ chức lễ hội, Ban tổ chức lễ hội và đại diện dòng họ Trịnh đều có chung nguyện vọng khôi phục lại lễ hội, tưởng nhớ, tri ân công lao đóng góp của đức Thái Vương Trịnh Kiểm và các chúa Trịnh cho đúng với nghi thức, hội hè xưa, nhưng nguyện vọng chính đáng đó, cho đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.

Nghiên cứu và phục dựng lễ hội Phủ Trịnh

Trong lịch sử, lễ hội Phủ Trịnh là lễ hội cung đình và phần chính là tế lễ. Chính vì vậy mà cho tới những năm gần đây trong lễ hội Phủ Trịnh diễn ra trên khu đất của Phủ Từ xưa, nay chỉ còn lại dãy nhà ngang làm nơi thờ tự, thì chỉ có nghi lễ tế, còn phần hội vắng bóng; không hề có hội lễ diễn tả hoặc mô phỏng lại tích chuyện gì liên quan đến danh tích, chiến công của các Chúa Trịnh. Ngay cả những trò chơi, trò diễn dân gian của vùng này cũng không xuất hiện, trong khi các lễ hội khác cũng tôn vinh vị vua khai sáng, anh hùng dân tộc khi mất linh hiển được dân gian tôn thành thần lại có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được trình diễn trong phần hội lễ.

Để phục dựng lễ hội Phủ Trịnh, trong dịp giỗ Thế Tổ Minh Khang Thái Vương xứng tầm với lễ hội cấp tỉnh và quy mô cấp quốc gia, theo chúng tôi, lễ hội Phủ Trịnh là lễ hội cung đình nên cần nghiên cứu, tham khảo và phục dựng lễ hội nhân ngày giỗ của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm - vị chúa Tiên của dòng Chúa Trịnh theo điển lễ của các vua Lê mà theo ghi chép của “Lê triều hội điển" thời Lê- Trịnh, sách này cho biết:

“Trước đó một ngày làm lễ tế cáo. Đến ngày, từ lúc sáng sớm, quan chấp sự và văn võ bá quan đều mặc áo thụng lam, đội mũ ô sa vào đứng chầu trước ở hai bên sân. Chúa ngự đến, văn võ bá quan đều đứng theo thứ tự ban. Các quan chấp sự ai vào việc ấy".

Về việc giỗ "Thế tổ Minh Khang Thái Vương ngày 18 tháng 2 (âm lịch). Ngày làm lễ dự cáo: 30 mâm cỗ chín (mỗi mâm 20 bát, chuẩn cho 1 quan 2 tiền quí). Ngày chính kỵ: 30 mâm cỗ chín (mỗi mâm 30 bát, chuẩn cho 10 quan rưỡi), 8 mâm nem (mỗi mâm 300 gói chuẩn cho 10 quan rưỡi), 8 mâm bánh dày (mỗi mâm 300 chiếc, chuẩn cho 6 quan). Các thứ trên đều do Lễ phiên kê khai đưa đến Binh phiên chiếu bổ cho các viên quản binh (Lễ phiên viết ra rồi phái người đưa đến để làm). Cỗ rồng 2 mâm (mỗi mâm 80 bát, chuẩn cho 6 quan). Bánh ngon 9 mâm (mỗi mâm 6 bát , chuẩn cho 6 quan). Bánh dày ngon 9 mâm (mỗi mâm 50 chiếc, chuẩn cho 6 mạch). Nem thịt lợn 9 mâm (mỗi mâm 50 gói, chuẩn cho 1 quan 8). Cỗ con 9 mâm (mỗi mâm 6 bát, chuẩn cho 6 mạch). Các thứ trên do Lễ phiên đưa sang cho Lại phiên để truyền cho nội trù làm. Cỗ thêm cho hậu lễ gồm: xôi mâm lục lăng 2 mâm (mỗi mâm 200 bát gạo nếp), 1 con lợn lớn (chuẩn cho 3 quan). Xôi mâm nhỏ 1 mâm (30 bát gạo nếp),1 mâm bánh chưng (50 đôi, chuẩn cho 3 quan 6). Các thứ trên đều đưa cho nội trù làm. 1 con trâu (chuẩn cho 7 quan 3). 5 con bò (chuẩn cho 4 quan 2) giao cho hai thôn trong Kinh biết cách làm là Triền Cầu và Yên Xá giết, thui... Còn cơm, trà, rượu, trầu cau, khăn lau, đèn hương, dầu, giao cho đội Thập phụng chiếu lệ lĩnh về làm. Theo lệ thì Nội điện phải dâng nem và bánh dầy mỗi thứ một mâm”.

“Lê triều hội điển” là sách ghi chép điển lễ thời Lê - Trịnh, cho thấy lệ xưa quy định việc giỗ kỵ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm được triều đình tổ chức 2 ngày: Lễ cáo vào ngày 17 tháng 2 và Lễ chính kỵ vào ngày 18 tháng 2. Chỉ có phần lễ, không có phần hội.

Phục dựng lễ hội Phủ Trịnh, theo chúng tôi cần tiến hành như sau:

Về phẩm vật dâng cúng: căn cứ sách "Lê triều hội điển" để soạn bày. Về phẩm vật dâng cúng cần lựa chọn cho phù hợp, song nhất thiết phải có cỗ tam sinh (bò, dê, lợn), hoa quả, cơm, trà, rượu, trầu cau, gạo muối, nem, bánh chưng, xôi... và nhất thiết phải có gà - vật dâng cúng thân mẫu của Trịnh Khả "Mẹ tính hay ăn thịt gà".

Rước kiệu thờ: Tế lễ trong lễ hội Phủ Trịnh gồm có lễ dâng hương tưởng niệm Thế tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và các Chúa Trịnh tại Phủ Từ và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu ở Nghè Vẹt, vì vậy trong lễ hội cần thực hành lễ rước kiệu từ Phủ Từ - Phủ Trịnh đến Nghè Vẹt - thờ Tổ Mẫu và từ Nghè Vẹt về Phủ Từ để tiến hành tế lễ nhân ngày giỗ Thế tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm. Trước ngày diễn ra lễ hội cần bổ sung nghi lễ rước nước thờ, đó là rước nước giữa dòng sông Mã để làm lễ tắm tượng, lau đồ thờ và lấy nước vào chóe để làm nước thờ quanh năm. Các nghi thức rước kiệu theo lệ cổ, có cờ, biển, kiệu thờ, dàn bát âm, chức sắc, quan viên, dòng họ, dân bản địa, khách thập phương...

Chủ lễ: Những năm chẵn - lễ trọng, thành phần chủ lễ gồm có: đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, chủ tịch huyện, chủ tịch xã, đại diện dòng họ Trịnh và vị thủ từ. Những năm lẻ - thường niên thì thành phần giản lược cho phù hợp với quy mô của lễ hội, song phải bảo đảm tính trang trọng và nghiêm cẩn.

Tế lễ: Thực hiện theo lệ cổ - tế lễ cung đình thời Lê - Trịnh, song không quá lệ cổ, rườm rà mà phải chọn lọc cho phù hợp giữa truyền thống và hiện đại. Cần tham khảo nhạc tế của đội trống Phú Khê (Hoằng Phú, Hoằng Hóa) và hình thức tế lễ trong các lễ hội Bà Triệu, Lê Hoàn và lễ hội Lam Kinh. Trong tế lễ có đọc chúc văn.

Phần hội, nghiên cứu phục dựng và tổ chức trong lễ hội những trò chơi, trò diễn liên quan đến sự tích, chiến công của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, của các Chúa Trịnh và trò chơi, trò diễn trong vùng như: hội thi bơi Chải - vinh danh chiến công của Chúa Trịnh thắng giặc trên thác Kim Sơn (Hàn Sơn, Hà Trung), trình diễn Hát múa Chèo chải, hát cách sông, hát hò dâng Mẫu trên sông Mã, trước bến Nghè Vẹt, biểu diễn võ thuật, trình diễn nghề làm Chè lam Phủ Quảng, nghề tạc tượng...

Nghiên cứu, phục dựng và phát huy lễ hội Phủ Trịnh vừa đáp ứng được nhu cầu hướng về nguồn cội, tri ân tiền nhân đã dựng xây và bảo vệ quê hương, đất nước, vừa là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút và gọi mời người dân cả nước và du khách muôn phương về với Vĩnh Lộc - xứ Thanh, miền đất địa linh, nhân kiệt với Thành Nhà Hồ uy nghi, trầm mặc; động Hồ Công nắng tỏa, mây bay; núi Tiến sĩ biểu tượng của sự học thành tài và thưởng thức ẩm thực tuyệt vời cùng Sâm Báo - vị thuốc quý cho đời trải thời gian vẫn còn hiện hữu.

TS. Hoàng Minh Tường

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-nghien-cuu-phuc-dung-va-phat-huy-le-hoi-phu-trinh-81496