Thanh Hóa: Nghè cổ Yên Trung, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân

Trải qua sự bào mòn của thời gian cùng với những biến cố của lịch sử, nghè Yên Trung, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc từng có thời kỳ bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bằng nguồn xã hội hóa, nghè Yên Trung đã được tôn tạo lại khang trang trên nền đất cũ theo kiến trúc truyền thống.

Nghè Yên Trung sau quá trình trùng tu, tôn tạo.

Nơi thờ tự Lý Triều Hoàng Thái Hậu

Nghè Yên Trung tọa lạc tại làng Yên Trung, nay là thôn Hoa Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc. Đây là nơi thờ Lý triều Hoàng Thái Hậu tức Nguyên phi Ỷ Lan. Bà là người có nhiều công trạng trong công cuộc xây dựng đất nước, giữ yên bờ cõi dưới triều đại phong kiến thời Lý.

Theo sách Thanh Hóa chư thần lục - một cuốn sách của Bộ Lễ triều Nguyễn được biên soạn dưới thời vua Thành Thái thứ 15 (1903) có ghi chép về các vị dương thần và âm thần được thờ ở địa hạt tỉnh Thanh Hóa cho biết: Xã Yên Trung, tổng Liên Cừ, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung là một trong 5 nơi thờ tự Lý triều Hoàng Thái hậu tôn thần, còn được gọi là Linh nhân Hoàng Thái hậu, Nguyên phi Ỷ Lan. Về hành trạng Nguyên phi Ỷ Lan, các tư liệu lịch sử cho biết, vua Lý Thánh Tông ở ngôi 17 năm (1054 - 1072) tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông là người: “Khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặc khoa bái sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng hộ việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”. Vào năm Quý Mão, bấy giờ vua Xuân Thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hậu nội nhân Nguyên Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang sinh Hoàng tử Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông.

Hoàng Thái Tử Càn Đức lên ngôi đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ nhất (1072). Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên phi làm Hoàng Thái Phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương Thái hậu họ Dương làm Hoàng Thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc. Năm 1073, Dương Thái hậu mất, bà chính thức được tôn phong là Hoàng Thái hậu. Trong thời gian nhiếp chính, bà thi hành chính sách thân dân, lưu tâm đến thân phận nghèo, khuyến khích nghề nông. Năm Long Phù thứ 3 (1103) Thái hậu phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo đã bán đi ở, đem gả cho những người góa vợ.

Bà khuyên Lý Nhân Tông: “Gần đây ở kinh thành, hương ấp có nhiều người trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy, Nhà nước đã có lệnh cấm. Thế mà nay giết trâu lại nhiều hơn trước”. Nghe lời khuyên của mẹ, năm 1117, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu định rõ lệ cấm giết trâu. Kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp, vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ và bồi thường trâu; láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng.

Mùa thu năm Hợi, hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), ngày 25, Ỷ Lan Hoàng Thái hậu băng hà. Hỏa tang, tôn dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Mùa thu tháng Tám, tang Linh Nhân Hoàng Thái hậu ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức. Do công đức của bà nên nhân dân trong nước nhiều nơi ngưỡng mộ, tôn bà làm Thành hoàng làng với ước mong được bà che chở, bảo ban để cuộc sống được yên bình, no ấm. Bà được nhân dân trong cả nước tôn làm “Lý đại mẫu nghi” (mẫu mực đức mẹ đời Lý).

Truyền thuyết tại làng Yên Trung còn cho biết: Ngày 25/7/1117, Hoàng Thái hậu đang cùng dân cày cấy ở Ba Cồn thì có 3 ông tiên hiện xuống, 3 ông hàng dầu đi qua nhìn thấy trên đầu bà có lọng che, có long chầu hổ phục liền gọi: “Bà ơi, trên đầu bà có lọng che, có long chầu hổ phục. Bà về mà đi làm thần”. Bà trả lời: “Tôi đi làm thần, ba ông làm bộ hạ”. Thế là giông gió nổi lên cuồn cuộn, mưa to, sấm nổ vang rền, bà về đền Hoành thì bà vứt chiếc giỏ đeo bên mình lập tức hóa thành cái ao to, hình cái giỏ, gọi là đầm Giỏ. Bà thổ 3 giọt huyết, gió rước bà về miếu Nhị (nay thuộc xã Liên Lộc); rước bà về nghè làng Quan Trung (nay là làng Yên Trung) thì hóa. Ngày 12/12/1118 (năm Bính Tuất), vua Lý Nhân Tông về phủ Thanh Hóa, đến làng Quan Trung cho xây đền thờ bà.

Phát huy giá trị của di tích

Năm 2020, nghè Yên Trung được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vui và sự mong mỏi của người dân địa phương. Ông Phạm Văn Niên - người coi nghè Yên Trung, nay đã bước sang tuổi 80, kể cho chúng tôi nghe về kiến trúc của di tích. Ông kể rằng, nghè Yên Trung là một công trình tín ngưỡng được xây dựng từ lâu đời, trước đây có quy mô to lớn, có nghi môn nội, nghi môn ngoại, nghè chính, nhà dải vũ. Riêng nghè chính cấu trúc gồm 3 cung thờ, cấu trúc mái cong, vì kèo làm bằng gỗ lim theo kiểu chồng rường con nhị. Đồ thờ trong nghè được bài trí theo điển lễ. Gian giữa là nơi thờ Lý triều Hoàng Thái Hậu (Ỷ Lan); các gian bên thờ các quan đại thần là Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thanh, Lý Kế Nguyên và các hoàng tử Lý Hoàng Thần, Lý Chiệu Văn; Nhị vị công chúa: Bình Dương - hiệu Bạch Hoa, Thiên Thành - hiệu Đào Hoa.

Tuy nhiên vào những năm 1964, người dân địa phương đã phải chấp nhận tháo dỡ nghè cổ này để lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương như xây trường học, trạm xá... Nghè đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng. Một thời gian dài, nghè Yên Trung chỉ còn tồn tại trong ký ức và niềm tiếc nuối của nhiều người dân. Để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân trong xã và du khách thập phương đến dâng hương, năm 2017 nghè đã được chính quyền địa phương tôn tạo lại trên nền đất cũ theo kiến trúc truyền thống. Các hiện vật, đồ thờ trong di tích phản ánh quá trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích này đối với đời sống tinh thần của cộng đồng làng xã. Năm 2018, nghè đã được khôi phục lại khang trang với tổng diện tích 2.341m2, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân.

Nghè Yên Trung ngày nay có kiến trúc hình chữ Đinh (J) tọa lạc về hướng Đông, nằm trên một khu đất cao ráo, không gian thoáng đãng và thanh tịnh ngay trung tâm của làng Yên Trung. Không gian kiến trúc được bố trí gồm: nghi môn ngoại, sân ngoài, nghi môn nội, giếng nước, sân trong, nhà bia, nhà tả vu hữu vu, nghè chính.

Ở làng Yên Trung, sự thờ phụng, tôn trọng thần linh luôn được nhân dân coi trọng, gìn giữ, là một phần không thể thiếu trong đời sống. Hàng năm, vào ngày giỗ của Lý Triều Hoàng Thái hậu, ngày 11 tháng 5, nhân dân vẫn tổ chức dâng hương cầu nguyện, tưởng nhớ bà. Ngoài ra tại nghè Yên Trung hiện nay vẫn còn diễn ra lễ tế vào các ngày: mùng 8 đến ngày 12/2 ÂL Lễ tế Kỳ Phúc, ngày 8/4 ÂL Lễ Kỳ Yên, ngày 15/5 ÂL Lễ Kỳ Thần. Vào các ngày rằm, mùng một bà con nhân dân địa phương vẫn tới đây thắp hương mong muốn các bậc thần linh phù hộ độ trì cho cuộc sống được yên bình, ban cho những điều tốt đẹp.

Phương Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-nghe-co-yen-trung-dap-ung-nhu-cau-sinh-hoat-van-hoa-tam-linh-cua-nhan-dan-75785