Thanh Hóa: Nét độc đáo trong tục lệ cúng giỗ tại xã Hải Hà

Xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, một xã ven biển, ngoài những nét đẹp của vùng quê biển, nơi đây còn có nhiều nét đẹp về văn hóa truyền thống, trong đó có tục cúng giỗ.

Sau những nghi thức cúng giỗ, anh em, bạn bè sẽ quây quần bên mâm cơm gia đình. Ảnh: Đổng Thắng.

Chắc không chỉ riêng ở xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, mà ở trên đất nước Việt Nam, với nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn”, thì cứ đến ngày mất (tính theo âm lịch) hằng năm, con cháu, anh em trong gia đình làm mâm cơm dâng lên ban thờ, thay nhau thắp nén hương, thành tâm tưởng nhớ người đã mất.

Gia đình nào có điều kiện kinh tế thì tổ chức sang trọng, mời anh em người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, về dự giỗ. Còn gia đình không có điều kiện thì cũng có bữa cơm canh dâng lên người thân đã mất để tỏ lòng thành kính của mình.

Đối với gia đình dù giàu hay nghèo thì việc cúng giỗ cũng tùy vào mỗi gia đình mà cúng. Ngày giỗ rất quan trọng trong nghi lễ văn hóa nhớ về cội nguồn của chúng ta, vì con cháu phải nhớ và biết ơn đến tổ tiên, người thân. Con cháu dù có ở gần hay xa cũng đều nhớ ngày giỗ mà trở về.

Theo nghi lễ của người Việt Nam, ngày giỗ là để nhắc nhở các con cháu trong gia đình nhớ về những người đi trước. Ngoài ra, ý nghĩa của ngày giỗ còn để nhắc nhở con cháu gắn kết tình cảm bền chặt, anh em dòng họ thắm tình với nhau hơn.

Sau khi gia chủ, người thân vào khấn, khách mời lần lượt sẽ vào thắp nén hương, ai có lễ thì đặt lên ban thờ, không thì thôi. Đợi hết ba tuần hương, gia chủ đến trước ban thờ vái ba vái xin hạ vàng mã đi hóa. Cuối cùng là chủ nhà hạ bàn mời khách khứa, anh em cùng dự bữa cơm gia đình.

Việc thờ cúng một người vừa mất tại xã Hải Hà gồm có 3 ngày giỗ quan trọng: Giỗ đầu gọi là Tiểu Tường, là ngày người mất vừa tròn một năm, đang trong thời kỳ tang, thời gian này cũng chưa làm nguôi ngoai nỗi đau buồn của người thân, họ vẫn phải mặc áo tang làm lễ, cúng khấn trong ngày giỗ đầu, những người thân thiết của ngưới quá cố vẫn phải khóc như ngày đưa tang.

Giỗ hết được gọi là Đại Tường, là ngày giỗ năm thứ hai, vẫn đang trong thời kỳ tang. Thời gian trên cũng chưa làm quên đi nỗi đau của người còn sống. Đối với giỗ thứ hai, nghi lễ vẫn tổ chức trang nghiêm. Con cháu vẫn mặc đồ tang như giỗ đầu. Sau lễ giỗ hết ba tháng (tức 27 tháng để tang người mất), gia đình người mất sẽ làm lễ Đoạn tang (hết tang), để bỏ hết mọi tang phục.

Giỗ thường còn gọi là Cát Kỵ, là ngày giỗ của người mất từ năm thứ ba trở đi. Cát kỵ nghĩa là Giỗ lành, con cháu không còn mặc áo tang, cảnh sầu thảm, bi ai bớt đi, cũng như không còn nặng nề như giỗ năm thứ nhất nữa.

Đổng Thắng |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-net-doc-dao-trong-tuc-le-cung-gio-tai-xa-hai-ha-64346