Thanh Hóa: Nét đẹp truyền thống, tính đoàn kết trong lễ cưới hỏi tại xã Hải Hà

Nằm ven biển, nên lễ cưới hỏi tại xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) cũng mang nhiều phong nét của biển, không lẫn vào đâu. Và hơn hết, thông qua lễ cưới hỏi, thấy được tình người, vẻ đẹp truyền thống lâu bền của ngư dân Hải Hà.

Trước đó, đôi trai gái đã chụp ảnh cưới. Ảnh cưới cặp đôi Quốc Thắng - Phương Hà.

Trước đó, đôi trai gái đã chụp ảnh cưới. Ảnh cưới cặp đôi Quốc Thắng - Phương Hà.

Không biết vùng đất ven biển mà người dân xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đến khai hoang lập ấp từ khi nào, thời gian và lịch sử vùng đất này chưa thấy nhắc đến một cách chắc chắn. Đi hỏi một vài người già nhất trong làng cũng không ai nắm được thời gian.

Vùng đất có người đến ở này đã mặc nhiên tồn tại từ xưa đến nay. Là xã ven biển, nhưng ít nhất trong khoảng 500 năm qua, vùng đất này chưa bị sóng cao, gió lớn, mưa bão khiến phải đi di dời dân, hay phải đến nơi khác cư trú.

Xã Hải Hà nằm sát tỉnh Nghệ An, với hai dãy núi chạy dài ôm gọn vùng biển. Đứng trên cao nhìn xuống, hình dung hai dãy núi như hai con rồng, biển là viên ngọc lớn được ôm ấp. Còn đứng từ bờ cát nhìn ra, biển mênh mông tận chân trời, nhưng vẫn thu vào tầm mắt một vùng biển êm đềm, đẹp thơ mộng.

Chú rể trên đường đi đón dâu. Do nhà cô dâu ở gần, nên chú rẻ Quốc Thắng "cuốc" bộ. Chú rể sắp được vợ thể hiện qua nét mặt vui.

Hai dãy núi xã Hải Hà có đủ các loại hoa quả dại, trong đó có quả sim và hoa giẻ thơm lừng, ai đi xa, ai lớn lên đều nhớ về tuổi thơ nếu như bắt gặp hai thứ này. Là xã ven biển, nên công cuộc mưu sinh của ngư dân là nghề đánh bắt trên biển, và cả ven biển, trên bãi cát.

Vùng nước cho ngư dân cá, tôm, mực... Vùng cát cho ngư dân ngao, hải sâm, ốc... Vùng cát cũng là nơi người dân chơi thể thao, nghịch cát... gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Việc sống dựa vào biển đã khiến cho nét văn hóa cũng mang đậm phong nét biển. Điển hình là trong lễ cưới hỏi.

Việc đánh bắt, đương đầu với sóng gió đã khiến cho tính đoàn kết của người dân thắt chặt, lời ăn tiếng nói cũng to hơn, để áp chế lại tiếng sóng gió. Vì vậy, nếu nhà hàng xóm mà nói chuyện thì nhà bên cạnh có thể nghe được. Trong tục lệ cưới hỏi, tính đoàn kết, thâm tình cũng thể hiện rõ.

Thường lễ cưới sẽ chia ra nhiều giai đoạn: dạm ngõ (đi hỏi), đi nạp tài (nộp tài), lễ cưới chính. Ba giai đoạn này có thời gian sát nhau. Tuy nhiên, trong đó, dạm ngõ có thể du di thời gian trước đó lâu hơn, có thể là 10 ngày, thậm chí một tháng tùy vào điều kiện, thời gian.

Lúc đưa dâu về, do mưa phùn nhỏ nên chú rể phải nhờ ô.

Dạm ngõ, hay đi hỏi là việc nhà trai ra mắt nhà gái, giờ sẽ chọn một giờ đẹp vào ban ngày. Dạm ngõ chủ yếu là anh em trong gia đình nhà trai đi, có cả người đại diện trong họ, bạn bè thân. Lúc đến có mang cau trầu thể hiện cho nét đẹp người Việt. Qua buổi dạm ngõ, nhà trai sẽ tìm hiểu về gia cảnh nhà gái, rồi chọn ngày nạp tài, ngày cưới. Đương nhiên, hôm đi dạm ngõ, chú rể tương lai cũng phải có mặt.

Lễ dạm ngõ, nhà gái có thể trang hoàng trước cổng thật đẹp hoặc không cần cũng được. Hôm đó, tại nhà gái tập trung đông anh em. Sau khi trao đổi tìm hiểu xong, nhà trai về. Thường thì sau đó, nhà gái sẽ mời anh em ở lại ăn cơm gia đình để bàn chuyện cưới. Và nhà trai cũng vậy. Việc lấy ai, từ xưa đến nay ở Hải Hà đều do quyết định của đôi yêu nhau, không phụ thuộc vào gia đình.

Trước đây, theo anh Vàng (42 tuổi), thì việc trai gái đụng chạm nhau rất khó, còn bẽn lẽn, không như bây giờ. Đến dạm ngõ, đôi yêu nhau nhìn mặt chỉ cười nhẹ hoặc liếc nhìn ngắn mà thôi. Sau lễ dạm ngõ, đôi yêu nhau không hay gặp nhau, trừ khi có chuyện quan trọng. Nhất là không gặp vào buổi tối.

Anh em, hàng xóm dù mưa vẫn đến chung vui cùng cùng cô dâu, chú rể.

Tùy vào thời gian dài hay ngắn mà hai người có thể làm tiếp việc của mình hoặc ngừng việc. Điều đáng nói ở đây là trong ngày dạm ngõ, tất cả anh em trong gia đình, bạn bè, người trong họ đã bỏ công việc giành thời gian đến dự. Hàng xóm thân thiết cũng qua giúp như anh em trong gia đình.

Sau đó, bắt đầu từ lễ nạp tài, anh em bạn bè sẽ gác công việc lại xúm đến nhà trai, nhà gái để lo việc cùng. Họ cũng ở đó ăn cơm thân mật cùng gia đình cho đến hôm lễ cưới diễn ra, coi như việc quan trọng của họ. Điều đặc biệt là trong ngày nạp tài, ngày cưới, hàng xóm đều dành thời gian để đi đón dâu, đưa dâu.

Lễ nạp tài là lễ sát ngày cưới, cách ngày cưới 2 ngày. Đây là lễ nhà trai chuẩn bị cau trầu và các thứ đồ khác như bánh kẹo, hoa quả... đến nhà gái. Các thứ lễ này sẽ được chia ra để đặt lên ban thờ gia tiên. Tại đây, người đại diện sẽ phát biểu những điều quan trọng nhất. Lễ nạp tài thường diễn sau 12 giờ, và không quá một tiếng đồng hồ.

Bạn bè dù ở xa nhưng vẫn đến chung vui.

Tối hôm lễ nạp tài, nhà cô gái sẽ tổ chức tiệc trà kẹo, người thân, anh em, bạn bè hàng xóm sẽ đến hỏi thăm. Lúc này, rạp cưới nhà gái đã được dựng lên ngay tại sân (vườn) nhà. Tối hôm sau, nhà trai sẽ tổ chức tiệc trà kẹo. So với rạp nhà gái, thì rạp nhà trai lớn hơn, được trang hoàng đẹp hơn để đến sáng hôm sau tổ chức lễ cưới. Trước cổng có cắt chữ lễ thành hôn, dựng ảnh cô dâu chú rể.

Lễ cưới thường diễn ra sau 8 giờ sáng. Trên sân khấu chính có ban nhạc, MC (người dẫn chương trình). Sát sân khấu là bàn cô dâu chú rể, tiếp đến là bàn giành cho người thân, bạn bè... Trong lễ cưới, bố mẹ cô dâu không đi theo, bởi họ kiêng, con gái sẽ nhớ nhung mà quay trở về.

Cặp đôi Tuấn Loe - Ngọc Anh trước cổng rạp cưới được trang hoàng lộng lẫy.

Còn lúc đi đón dâu, phía nhà trai sẽ thực hiện câu nói “cha đưa mẹ đón”, tức mẹ chú rể sẽ đi đón dâu cùng. Tại nhà gái, cô dâu chú rể sẽ thắp hương lên ban thờ gia tiên nhà gái. Sau khi đón dâu về, cô dâu chú rể lần nữa thắp hương khấn vái tổ tiên nhà trai để báo đại hỷ.

Trong lễ cưới, người thân, bạn bè sẽ lên hát chúc mừng, nhà trai sẽ đại diện lên phát biểu, tiếp đến là lễ thề giao giữa cô dâu, chú rể, rồi lễ trao quà. Sau lễ cưới là tiệc. Bạn bè thân của cô dâu và chú rể sẽ ở lại lâu nhất. Họ sẽ hàn huyên lại chuyện cũ, và nói những chuyện vui trong ngày này. Hiện nay, do cuộc sống gấp gáp, nên lễ dạm ngõ thường được gộp lại vào lễ nạp tài.

Cặp đôi Thành Vỹ trong ngày cưới.

Tính đoàn kết, sống vì nhau, có nghĩa tình đã thể hiện đầy đủ qua lễ cưới hỏi. Đối với người dân xã Hải Hà, ngày cưới là ngày cực kỳ quan trọng. Ngày này mà không có mặt, không đến dự thì còn ngày nào đến. Người ta chỉ cần nhau trong những lúc quan trọng. Mà ngày cưới là ngày trăm năm có một.

Gia Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-net-dep-truyen-thong-tinh-doan-ket-trong-le-cuoi-hoi-tai-xa-hai-ha-63033