Thanh Hóa: 'Mang tiếng nói của nhân dân đến HĐND tỉnh'

HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021 đã ban hành 405 nghị quyết, để lại nhiều dấu ấn và tạo nên những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa.

Chiều 27/4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII tổ chức kỳ họp thứ 16, tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021. Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa biểu dương và đánh giá cao kết quả hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Ông Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Trong đó, những kết quả nổi bật có thể thấy rõ như: kinh tế tăng trưởng cao, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Tỉnh cũng đã khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều dự án lớn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Thu ngân sách Nhà nước luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ...

Các đại biểu phải đeo khẩu trang trong kỳ họp để phòng dịch

Nhìn lại chặng đường 5 năm nhiều dấu ấn, ông Hưng nhận định, HĐND tỉnh khóa XVII đã đổi mới phương thức hoạt động; chủ động phát huy vai trò, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật và thực hiện các nghị quyết, cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh.

"Các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát, gắn bó mật thiết với cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; lắng nghe những bức xúc trong cuộc sống, chủ động đề xuất giải pháp và tham gia quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của tỉnh, đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu, mang tiếng nói của cử tri và nhân dân đến với HĐND tỉnh, thực sự xứng đáng là người đại biểu của nhân dân", Chủ tịch HĐND tỉnh nói.

Ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa

Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua 405 nghị quyết. Trong đó, có 221 nghị quyết về lĩnh vực kinh tế; 114 nghị quyết về xây dựng chính quyền và cải cách hành chính; 23 nghị quyết về lĩnh vực văn hóa – xã hội; 7 nghị quyết về an ninh quốc phòng; 40 nghị quyết khác về quy hoạch, sử dụng đất, khai thác khoáng sản….

Đa số các nghị quyết đều đã và đang đi vào thực tiễn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh. Tác động sâu sắc nhất đến đời sống xã hội phải kể đến nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn và sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố… Sau sắp xếp, tỉnh Thanh Hóa đã giảm 76 đơn vị, tinh giản một số lượng lớn biên chế. Trong quá trình thực hiện dù có nhiều khó khăn song đến nay cơ bản đã đi vào ổn định.

Nghị quyết lấy năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương cũng được HĐND tỉnh đánh cao, bởi đây là một vấn đề quan trọng mang tính lịch sử.

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đã trao bằng khen cho 26 tập thể, 40 cá nhân

Đánh giá việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh, ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, thông qua các phiên chất vấn tại các kỳ họp, nhiều nội dung được đại biểu truy vấn đến cùng để tìm ra giải pháp. Nhiều nội dung được tập trung chỉ đạo khắc phục như hoạt động tín dụng đen, ô nhiễm môi trường…

Bên cạnh đó, hoạt động tiếp xúc cử tri cũng được tổ chức thường xuyên, khích lệ cử tri phản ánh kiến nghị, từ đó nắm bắt được tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Một số nội dung được đông đảo cử tri quan tâm được đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh.

"Những kết quả của HĐND tỉnh hóa XVII đã góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Thành quả vinh dự nhất đối với mỗi đại biểu là sự ghi nhận và tin tưởng của cử tri và nhân dân", ông Phạm Thanh Sơn nói.

Song, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm của HĐND nhiệm kỳ qua như: Việc theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND, các ban chưa thường xuyên quyết liệt, có nội dung chưa được giải quyết dứt điểm, một số kiến nghị giám sát thiếu tính thực tiễn.

Ngoài ra, hoạt động của các tổ đại biểu HĐND tỉnh chưa rõ nét, việc tiếp xúc cử tri của một số đại biểu còn hình thức; một số ít đại biểu chưa hoặc ít phát biểu, thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh. Thậm chí có đại biểu chưa dành đủ thời gian cho hoạt động HĐND và chưa tham gia tiếp dân theo quy định.

Lương Diễn

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-mang-tieng-noi-cua-nhan-dan-den-hdnd-tinh-312494.htm