Thanh Hóa: Lựa chọn hình ảnh tiêu biểu của Thanh Hóa đúc vào Cao Đỉnh

VH- Sáng 12.8, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học 'Lựa chọn hình ảnh tiêu biểu của Thanh Hóa đúc vào Cao đỉnh kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029-2019)'.

Triều Nguyễn, đời Vua Minh Mạng đã cho đúc Cửu Đỉnh (9 đỉnh) từ tháng 12 năm 1835 đến năm 1837, gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Cửu đỉnh được coi là bộ bách khoa toàn thư sống, đẹp về đất nước Việt Nam thời bấy giờ.

Thanh Hóa tự hào vì trong số các biểu tượng được khắc trên Cửu đỉnh có hai biểu tượng là Thiên Tôn Sơn (núi Thiên Tôn, xã Hà Long, huyện Hà Trung, nơi phát tích nhà Nguyễn) được khắc trên hàng giữa của Cao đỉnh và Mã giang (sông Mã) khắc ở hàng giữa của Anh đỉnh với hàm ý thể hiện cho thế núi, hình sông mảnh đất linh thiêng, huyền thoại nơi phát tích của nhiều vương triều thời phong kiến.

Tại hội thảo các đại biểu, chuyên gia nghiên cứu cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh đưa vào đúc phải thống nhất các tiêu chí, mang tính đại diện, lâu dài, có tầm quốc tế, trong đó ưu tiên các hình ảnh tiêu biểu về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, và thành tựu nổi bật, vững chắc của Thanh Hóa trong 990 năm qua như: Thành Nhà Hồ, Đền bà Triệu, Đền thờ Lê Hoàn, Khu di tích lịch sử Lam Kinh; cảng hàng không Thọ Xuân, Khu lọc hóa dầu Nghi Sơn…

Các hình ảnh thể hiện khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc tỉnh Thanh Hóa…nên lựa chọn từ 5 đến 7 hình ảnh đưa vào đúc Cao đỉnh; việc giữ nguyên hai biểu tượng Thiên Tôn Sơn và sông Mã đúc vào Cao đỉnh là đương nhiên.

Ngoài ra, đổi tên gọi Cao đỉnh để mang ý nghĩa, sắc thái, biểu tượng lâu bền của tỉnh Thanh Hóa. Bởi Cao đỉnh trong hệ thống Cửu đỉnh của vương triều Nguyễn, còn Đỉnh đúc kỷ niệm 990 năm Danh xứng Thanh Hóa là chiếc đỉnh biểu trưng cho vùng đất Thanh Hóa.

Thông qua ý kiến tham luận của các nhà nghiên cứu, Hội thảo đã đi đến thống nhất sẽ đúc đỉnh đồng theo thiết kế mới và sử dụng tên gọi “Thanh đỉnh” để đặt cho đỉnh đồng này.

Theo dự kiến, việc đúc đỉnh đồng sẽ được triển khai trước Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, diễn ra vào tháng 5.2019.

Linh Nguyễn

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/thanh-hoa-lua-chon-hinh-anh-tieu-bieu-cua-thanh-hoa-duc-vao-cao-dinh