Thanh Hóa: Linh thiêng Thái miếu nhà Hậu Lê

Giữa lòng TP Thanh Hóa sầm uất, có một di tích trầm mặc và uy linh với niên đại hơn 200 năm. Di tích ấy, cùng với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) là nơi hậu thế tỏ lòng kính ngưỡng với vương triều Hậu Lê hưng thịnh, kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến dân tộc. Đó chính là Thái miếu nhà Hậu Lê, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử... đậm đặc vô cùng.

Di tích Thái miếu nhà Hậu Lê nhìn từ bên ngoài Tiền Điện.

Chuyện kể Thái miếu

Vương triều Hậu Lê với hơn 360 năm tồn tại trong chiều dài lịch sử phong kiến nước nhà. Dù trải qua không ít thăng trầm, biến động song đi qua những bể dâu, con tạo xoay vần, đến hôm nay, nhà Hậu Lê vẫn khẳng định vị trí của mình bởi những đóng góp vĩ đại. Là Bình Định Vương Lê Lợi, ở nơi núi rừng Lam Sơn đã thu phục được hào kiệt bốn phương cùng về dưới trướng tụ nghĩa để cùng nhau phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Qua 10 năm nếm mật nằm gai, khó khăn gian khổ vô cùng, khởi nghĩa Lam Sơn cũng đã đi đến thắng lợi cuối cùng. Không chỉ non sông gấm vóc sạch bóng quân xâm lược mà cả dân tộc cũng trong niềm hân hoan độc lập sau 20 năm chịu ách ngoại xâm. Đức vua Lê Thái Tổ lên ngôi đã mở ra một giai đoạn mới cho lịch sử nước nhà.

Sau khi lên ngôi, cùng với bộn bề công việc triều chính, người con của núi rừng Lam Sơn vẫn một lòng đau đáu về nguồn cội. Có lẽ vì thế, một Lam Kinh nơi núi rừng Lam Sơn với chức năng là “kinh đô tâm linh” của nhà Hậu Lê đã sớm được khởi dựng. Là nơi để các vua Lê trở về bái yết tiên tổ và yên nghỉ khi qua đời. Và trong giai đoạn Lê Sơ, Lam Kinh giữ vai trò là nơi thờ tự chính thức của vương triều nhà Lê với các tòa Thái miếu được lần lượt dựng lên. Sau đó, vì biến động và hỏa hoạn, Thái miếu ở Lam Kinh được chuyển về Đông Kinh (Thăng Long) với tên gọi là điện Hoằng Đức. Và một số tài liệu, dưới thời phong kiến, tôn miếu - Thái miếu gắn chặt với xã tắc, những việc trọng đại của quốc gia thường được cáo ở Thái miếu.

Vương triều thịnh suy cũng là lẽ thường trong vòng quay tạo hóa xoay vần. Từ Triệu, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần... các triều đại vẫn nối tiếp nhau trong công cuộc dựng nước và giữ nước, để Đại Việt trải qua hàng ngàn năm không chỉ hùng mạnh mà còn vẹn nguyên nền độc lập. Và nhà Hậu Lê cũng thế. Những đóng góp của các vua Lê mãi mãi được lịch sử, nhân dân ghi nhận. Chính vì thế, vua Gia Long Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi, lập ra nhà Nguyễn, định đô ở Phú Xuân (Huế) vẫn không quên những trăn trở về đất gốc tổ. Trên đường trở ra Thanh Hóa, cùng với việc quyết định di dời trấn thành về Thọ Hạc thì nhà vua đã ra quyết định rời Thái miếu nhà Hậu Lê ở kinh thành Thăng Long về đất Bố Vệ (ngày nay là phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa). Có lẽ vì thế mà di tích còn được biết đến với tên gọi đền Lê Bố Vệ (Bố Vệ miếu). Tuy nhiên, cũng theo các nhà nghiên cứu, ngoài việc di dời Thái miếu ở kinh thành Thăng Long thì một số công trình gỗ, hiện vật còn sót lại ở Lam Kinh trước đây cũng được nhà vua cho phép đưa về Bố Vệ để cùng lập nên Thái miếu nhà Hậu Lê.

Sáu chữ đại tự cổ “Nam Quốc sơn hà tự thử” nghĩa là nước Nam ta có từ đây tương truyền được vua Gia Long ban tặng cho di tích năm 1805.

Đất Bố Vệ vốn là quê hương và cũng là nơi thờ tự Tuyên từ nhân ý Chiêu túc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh (vợ của vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Nhân Tông - anh trai cùng cha khác mẹ với minh quân Lê Thánh Tông) với sự hiện hữu của nền điện Chiêu Hoa. Sách Đại Nam nhất thống chí còn ghi rõ: “Miếu Bố Vệ trước gọi là điện Hoằng Đức thôn Kiều Đại, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, nguyên trước miếu ở Thăng Long... năm Gia Long thứ tư (1805) mới dời về đây. Tế vào tiết xuân, thu, quan tỉnh hành lễ”. Còn sách Đại Nam thực lục lại chép: “Dời dựng miếu nhà Lê về Thanh Hóa. Miếu nhà Lê ở thành Thăng Long, họ Lê tâu xin dời về Bố Vệ (là đất cũ Trung Hưng nhà Lê). Vua (Gia Long) nói: “Giữ việc thờ cúng nhà Lê là trọng điển của triều đình”. Sai trấn thần Thanh Hoa thúc dân sửa sang...”. Và theo các tài liệu sử, tháng 3 năm 1805, miếu các vua Lê ở Bố Vệ đã an vị thượng lương. Và cũng trong năm đó, vua Gia Long còn ban cho nơi đây bức đại tự sơn son thếp vàng với 6 chữ “Nam Quốc sơn hà tự thử” được hiểu là Núi sông nước Nam có từ đây.

Dù có nhiều lý giải cho nguyên do việc vua Gia Long quyết định đặt Thái miếu nhà Hậu Lê ở đất Bố Vệ xưa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, với sự tôn kính mà vị vua khai lập vương triều Nguyễn dành cho cho triều đại Hậu Lê thì Thái miếu nhà Hậu Lê nơi đất Bố Vệ dưới thời Nguyễn được xem như Quốc miếu, và là tông miếu thờ tự chính thức các vua nhà Lê. Theo “Sơ đồ thần chú các liệt thánh nhà Hậu Lê” làng Bố Vệ Thanh Hóa - thời Nguyễn (bản dịch của Viện Hán Nôm) thì Thái miếu nhà Hậu Lê thờ 27 vị vua (gồm có những người không làm vua nhưng có con cháu làm vua nên được truy tôn Hoàng đế), 25 vị Hoàng Thái hậu, 1 Kính phi. Bên cạnh đó, bên trong di tích còn có ban thờ hai khai quốc công thần Nguyễn Trãi và Lê Lai.

Thái miếu nhà Hậu Lê được khởi dựng với đặc trưng kiến trúc thời Lê - Nguyễn theo kiểu chữ “Nhị” với trung tâm là Tiền điện và Hậu điện gồm 7 gian mái lợp ngói mũi hài, trên đỉnh nóc trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”. Bên ngoài là nghinh môn, sân điện, hai bên có dãy nhà giải vũ vẫn thường được gọi là Tả vu, hữu vu... Trải qua thời gian hơn 200 năm với thăng trầm lịch sử và chiến tranh, di tích Thái miếu nhà Hậu Lê đã phải trải qua nhiều lần trùng tu. Tuy nhiên, về cơ bản diện mạo di tích vẫn được bảo tồn với nguyên trạng vốn có. Cùng với đó, bên trong di tích hiện còn lưu giữ không ít yếu tố gốc, hiện vật cổ: hàng nghê gỗ được chạm khắc tinh xảo; hệ thống cột gỗ, cột đá vững chãi; bức đại tự cổ; thánh vị cổ; long ngai... Trong không gian di tích linh thiêng tĩnh lặng, cùng chắp tay trước tiền nhân, ngắm nhìn hiện vật, lắng lòng mình, ta dường như nghe có tiếng đồng vọng từ quá khứ, lịch sử cha ông xưa. Bác Lê Ngọc Sơn, người làm công tác bảo vệ trông coi di tích Thái miếu nhà Hậu Lê đã gần 10 năm chia sẻ: “Ngoài lễ hội vào tháng 8 thì vào dịp tết hay ngày rằm, mùng 1 người dân vẫn thường đến thăm di tích, dâng hương thành kính lên các vua Lê. Hay các gia đình có việc quan trọng vẫn thường đến đây để cầu mong được sự phù trợ, che chở về mặt tâm linh”.

Hàng tượng nghê gỗ cổ tại di tích được gìn giữ qua thời gian.

Mong chờ được sớm tu bổ xứng tầm

Có một điều thật đặc biệt, theo người dân địa phương, trong những năm chiến tranh, đã có không ít bom đạn máy bay giặc trút xuống làng Bố Vệ. Vậy nhưng, ngoài một số ảnh hưởng bên ngoài, gần như chưa có một quả bom nào trực tiếp rơi xuống di tích. Chính vì vậy mà hiện trạng di tích qua thời gian dài vẫn được giữ gìn.

Với đậm đặc những giá trị vốn có, năm 1994 di tích Thái miếu nhà Hậu Lê đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Từ năm 1997 đến nay, di tích cũng trải qua những lần trùng tu quan trọng: giai đoạn 1999 - 2001 tu bổ kiến trúc Hậu điện; 2004 - 2006 đầu tư phục hồi tôn tạo nội thất đồ thờ. Năm 2007 đã cơ bản hoàn thành hai hạng mục Nghinh môn và Tiền điện. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, du khách ghé thăm di tích không khó để nhận ra những dấu hiệu xuống cấp cần được quan tâm, tu bổ kịp thời. TS Trương Ngọc Tuấn, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), đơn vị quản lý di tích Thái miếu nhà Hậu Lê, cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành chức năng, di tích đã được xây dựng và quy hoạch tổng thể, có quyết định phê duyệt, cấp vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia về sự nghiệp phát triển văn hóa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên do, dự án bị gián đoạn, nhiều hạng mục đang còn dở dang. Để giữ gìn và phát huy giá trị di tích xứng tầm, UBND tỉnh và TP Thanh Hóa đã làm quy hoạch mở rộng, phê duyệt các thủ tục đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), với tổng kinh phí đầu tư hơn 293 tỷ đồng”.

Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê sẽ được mở rộng với tổng diện tích 19.760m2 (hiện tại là hơn 4.200m2) được kỳ vọng bảo tồn giá trị di sản văn hóa, hoàn thiện không gian kiến trúc di tích; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc... đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng cho người dân. Với tổng số vốn đầu tư lớn, nhiều hạng mục công trình đòi hỏi yêu cầu kĩ thuật cũng như đáp ứng quy định của Luật Di sản nên cần thời gian cho việc thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau khi được phê duyệt, dự án vẫn chưa được nhà đầu tư trúng thầu khởi công, triển khai.

Với niềm kính ngưỡng và trân trọng những đóng góp to lớn của vương triều Hậu Lê, không chỉ chính quyền và nhân dân địa phương mà cả du khách khi về với xứ Thanh đều đang mong mỏi dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê sớm được hiện thực hóa, xứng tầm di tích.

Thu Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-linh-thieng-thai-mieu-nha-hau-le-78705