Thanh Hóa: Làng ở đâu trong câu chuyện sáp nhập?

'Tên làng chính là sự biểu đạt văn hóa với những gợi cảm kỷ niệm thiêng liêng, chất chứa trong đó cả tầng, lớp ý nghĩa cả trăm năm, ngàn năm của mà cha ông xưa đã gửi gắm...' - ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thanh Hóa chia sẻ.Làng xứ Thanh

“Làng” không phải là khái niệm mới. Nhưng nếu để trả lời theo sự hiểu một cách đầy đủ, chắc hẳn nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ không khỏi lúng túng. Và bản thân mình, cũng hơn một lần tôi muốn hiểu trọn vẹn về định nghĩa làng. Theo một số nhà từ điển học Việt Nam thì làng là “Một nhóm quây quần ở một nơi nhất định ở nông thôn, trước kia là đơn vị hành chính nhỏ nhất” (Văn Tân) hay như “làng là khối cư dân nông thôn, làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt và là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến” (Hoàng Phê). Và ở Việt Nam làng có từ bao giờ, ra đời trong hoàn cảnh nào? Một câu trả lời chắc chắn mang tính khẳng định vẫn thực sự rất khó khăn.

Song, để cấu thành nên làng như một đơn vị hành chính được chính quyền phong kiến công nhận thì lại phải đáp ứng một số yếu tố: Có sổ địa bạ, bản hương ước, hội đồng bô lão... Tính đến đầu thế kỷ XX, Thanh Hóa có khoảng gần 1.800 làng. Trong đó, tên làng được chia thành các nhóm: Kẻ (kẻ Nưa, kẻ Vụt...); Xá (Lê xá; Trịnh xá); làng di dân, lập ấp (làng Đường, làng Trung); làng do triều đình phong đất cho người có công; làng là nơi cư trú của tù binh (Du Vịnh, Xuân Phương)... Và tên làng lại được đặt dựa trên nhiều yếu tố khác nhau: Đặc điểm địa lý; ý muốn tốt đẹp; tên núi sông; đặc sản... Như: tên làng gắn với truyền thuyết (Mai Thôn, Mai Xá - Mai An Tiêm); do chiến công chống ngoại xâm (làng Bình Ngô; làng Phù Lê); do lộc vua ban (làng Khoan Dịch; làng Ân Mộc); gắn với lịch sử (Triều Ban; Quan Triều); gắn với dòng họ (Phạm xá; Bùi xá...) thậm chí là gắn với những cá nhân có công lập làng (làng Bà Nga, làng Ông Thiệu).

Xã Tân Ninh (Triệu Sơn) còn được biết đến với tên gọi kẻ Nưa, nơi lưu giữ giá trị văn hóa lâu đời.

Và cùng với lịch sử vùng đất, căn cứ vào những tên gọi của làng người ta cũng phần nào phân định được sự xuất hiện sớm, muộn của các làng xứ Thanh. Cùng những tên làng mang yếu tố Hán Việt, thì các nhà nghiên cứu cho rằng “nếu ngược dòng thời gian đi sâu xuống lớp địa danh Hán - Việt đang trùm kín vùng cư trú của người Việt, thì có thể thấy phần dưới có một lớp địa danh cổ hơn, đó là tên nôm với yếu tố “kẻ”. Ở đó, kẻ vẫn được hiểu là “cổ”. Theo đó, ở xứ Thanh, đã từng có hàng trăm đơn vị làng gắn với tên gọi bắt đầu từ “kẻ”. Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng sự thay đổi, sáp nhập và biến động lịch sử. Đến nay, chỉ còn một số ít còn tồn tại hoặc rơi rớt một phần trong đó: kẻ Nưa (Triệu Sơn); kẻ Đừng, kẻ Quăng (Hoằng Hóa)... Và những đơn vị làng từng tồn tại với tên gọi “kẻ” thì phần nhiều có lịch sử ra đời từ rất sớm, thậm chí rất cổ xưa. Như xã Tân Ninh (Triệu Sơn) ngày nay còn được nhắc đến với tên gọi kẻ Nưa. Người dân địa phương cho rằng “nưa” có thể hiểu là “nứa” đã được biến âm. Xuất phát từ đặc thù địa lý, vùng đất này xưa kia vốn được xem là “cửa rừng” với dãy núi Ngàn Nưa kéo dài khắp một dải, điểm trung chuyển lâm sản (tre luồng, gỗ...) từ miền núi về miền xuôi. Ngày nay, nhắc đến Kẻ Nưa và dãy Ngàn Nưa, hậu thế lại nhớ đến địa danh mà nữ tướng Bà Triệu đã dấy binh, khởi nghĩa chống lại giặc Ngô xâm lược vào đầu thế kỷ thứ 3.

Không xa lạ như “kẻ”, các đơn vị làng với yếu tố “trang, xá, hương...” dường như gần gũi, quen thuộc với hậu thế hôm nay hơn. Có thể kể đến: Gia Miêu ngoại trang ( Hà Trung); Phú Trừng trang; Bột Đà trang (Hoằng Hóa); Đông Môn trang (Vĩnh Lộc)... Và để nghiên cứu về làng ở xứ Thanh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân nhiều năm trước đã kì công tìm tòi, sưu tầm khá đầy đủ các tên gọi làng ở xứ Thanh (Văn hóa làng và Làng văn hóa xứ Thanh). Đó được xem là tài liệu xác tín để bạn đọc tìm hiểu. Song, thẳng thắn nhìn nhận, tên gọi làng (kẻ; xá; trang...) đang dần biến mất và trở nên xa lạ với nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong khi đó, nếu tìm hiểu, ta sẽ hiểu, tên làng xưa kia, không đơn thuần chỉ là một tên gọi.

Mỗi tên làng là sự biểu đạt về văn hóa.

Tên làng - một biểu đạt văn hóa

Nếu ai đã từng biết đến bài thơ “Nước non ngàn dặm” của tác giả Tố Hữu, hẳn vẫn nhớ: “Phù Lai ba bến con đò/ Thanh Lương quê ngoại câu hò còn chăng”. Chỉ hai câu mượt mà, sâu lặng với 14 chữ vậy mà có thể nhắc đến cả về quê ngoại, quê nội của nhà thơ cùng những đặc trưng làng quê chẳng lẫn lộn. Không bàn đến tài năng của nhà thơ. Nhưng rõ ràng, những tên làng, tên quê hương không chỉ là mỗi người sinh ra, dung dưỡng ta thành người và khi trưởng thành, đó chẳng phải còn là kí ức theo mỗi người đến hết cuộc đời.

Xứ Thanh, được biết đến như cái nôi của người Việt cổ. Vùng đất địa linh nhân kiệt sản sinh ra những bậc đế vương, văn quan võ tướng mà tên tuổi vẫn lưu danh cùng lịch sử. Trong con mắt của người xưa, vùng đất xứ Thanh luôn giữ vị trí quan trọng: “Thanh Hóa mạch núi cao chót vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông, Ai Lao giáp phía tây, bắc giáp Sơn Nam, nam giáp Nghệ An. Núi Sông rất đẹp... vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa hội tụ họp lại nẩy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi...” (Phan Huy Chú). Và dường như, ở vùng “đất thiêng” Thanh Hóa, có nơi nào lại không nảy nở “tinh hoa”.

Nhắc đến Hoằng Lộc là gắn liền danh tiếng của quê hương hiếu học với 12 vị đại khoa ghi danh bảng vàng trong lịch sử khoa cử phong kiến. Nhưng Hoằng Lộc trong lịch sử đâu phải chỉ có vậy. Vùng đất này đã từng đi vào ca dao: “Ai về Hoằng Nghĩa mà xem/ Chợ Quăng một tháng bốn mươi hai phiên đều/ Trai mĩ miều gắng công đèn sách/ Gái thanh tân chăm mạch cửi canh”. Đó là cách dân gian ngợi ca nghề học và nghề dệt vải ở vùng quê này. Ngược thời gian, Hoằng Lộc xưa kia vốn có nhiều tên gọi khác nhau như Kẻ Vụt, Bột Đà trang (thế kỷ thứ X), Đà Bột (thời Lê), Bột Thượng, Bột Hạ, Bột Thái... Trong đó, tên Bột Đà trang còn gắn liền với câu chuyện về vị tướng Nguyễn Tuyên đã có công giúp vua Lý dẹp giặc Ai Lao, sau khi mất, ông được nhân dân suy tôn là Thành hoàng làng, được thờ phụng tại di tích lịch sử Bảng Môn đình suốt gần nghìn năm qua. Đến năm 1953, tên gọi Hoằng Lộc mới chính thức xuất hiện. Vậy nhưng, đến nay, ngoài một số tài liệu tại địa phương còn lưu lại, hay sự nhớ trong tâm trí của các bậc cao niên ở tuổi gần đất xa trời thì những tên gọi cổ xưa của làng quê này, thực sự không còn nhiều người biết đến.

Cùng sự “biến mất” của các tên làng xưa kia thì đơn vị hành chính nhỏ nhất hiện nay ở các địa phương là “thôn”. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn những tên gọi mang tính định danh, ý nghĩa thì ở không ít nơi, người ta đã giản tiện hóa đến mức đặt tên (thôn 1, 2, 3, 4...). Những tên gọi hoàn toàn không biểu đạt bất cứ một sắc thái, ý nghĩa nào.

Nếu truy tìm về những tên gọi làng xưa kia, không khó để ta nhận ra, mỗi tên gọi làng đều mang ý nghĩa về một sự biểu đạt: Làng văn (làng Bồng Báo - Vĩnh Lộc, làng Hội Triều - Hoằng Hóa); làng võ (làng Dương Xá - lò võ Dương xá); làng chợ; làng tục; làng chạ; làng công giáo... chỉ cần nhắc đến tên thôi đã phần nào khái quát được đặc tính của làng quê ấy.

Ở những vùng đất phát vương, người dân trong làng thường vô cùng tự hào. Và, các làng cũng được ân sủng vô cùng, trong đó, dễ nhận ra nhất chính là những tên gọi đất quý hương. Đương nhiên, mỗi thời vua, sẽ có những vùng đất quý hương riêng. Như thời vua Lê Đại Hành, Kẻ Sộp (Xuân Lập) được xem như quý hương; làng Trịnh Điện (chúa Trịnh); làng Gia Miêu (thời Nguyễn).

Lại có tên gọi làng gắn liền nghề truyền thống của người dân địa phương: Đúc đồng làng Chè; dệt săm súc làng Triều Dương; đục đá làng Nhồi; nghề cót làng Giàng; nghề biển làng Hới, làng Cá Lập... Cũng có những tên làng được đặt tên gắn liền với ước vọng, gửi gắm của người dân. Có thể kể đến: Phú Khê, Phù Lưu là mong muốn về sự no đủ, giàu có.

Các làng quê xưa kia dù không tồn tại độc lập hay tách biệt song mỗi làng quê đều mang đặc điểm riêng, khác biệt với làng khác, tạo nên sự đa dạng mà thống nhất cho bức tranh đời sống văn hóa của vùng đất xứ Thanh nói riêng. Vì những lí do khác nhau, tên gọi làng đã được thay đổi theo thời gian và không ít trong số đó, có những sự đánh mất tên làng vô cùng đáng tiếc.

Bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, có thể nào không chú trọng đến việc giữ gìn những tên gọi cổ xưa? Ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa chia sẻ: Truy tìm về ý nghĩa của những tên làng mới thấy người xưa vô cùng cẩn trọng và cầu kì. Ở đó, tên làng chính là sự biểu đạt văn hóa với những gợi cảm kỷ niệm thiêng liêng, chất chứa trong đó cả tầng, lớp ý nghĩa, được đúc rút trong cả trăm năm, ngàn năm của mà cha ông xưa đã gửi gắm. Văn hóa là sự tiếp nối, nhưng thực tế, hậu thế hôm nay rõ ràng đã có sự “đứt đoạn” với người xưa. Cụ thể, có không ít từ Việt cổ là tên gọi làng (kẻ Vụt; kẻ Đừng...) đến nay chúng ta vẫn chưa thể khẳng định chính xác ý nghĩa. Bởi vậy, với những gì chưa bị mất đi hoàn toàn thì việc bảo tồn, khôi phục là điều vô cùng cần thiết. Đặc biệt, hiện nay Thanh Hóa đã và đang thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính các cấp (thôn, xã) nên chăng cần chú ý đến yếu tố bảo tồn, khôi phục lại các tên gọi của làng, vùng đất xưa kia...

Thu Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-lang-o-dau-trong-cau-chuyen-sap-nhap-73739