Thanh Hóa kiểm tra việc tận thu làm đường nông thôn mới

Chủ tịch xã lý giải việc huy động trẻ em cũng phải đóng tiền làm đường nông thôn mới vì 'còn đi tới 70-80 năm nữa'!

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM phản ánh việc nhiều thôn ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa tận thu tiền làm đường nông thôn mới (NTM) theo cách bổ đồng nhân khẩu. Vì chủ trương này mà người già, trẻ em, trẻ bị thiểu năng cũng phải đóng tiền.

Vì sao có chuyện tận thu này? Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng, lý giải và cho là “Thu 700.000 đồng/khẩu là bình thường”, trong khi tỉnh và huyện khẳng định nếu thu như thế là sai.

Chị Lê Thị Nhung ở thôn Vèn, xã Ái Thượng cho hay là trẻ em, người già đau ốm trong gia đình cũng phải đóng tiền làm đường nông thôn mới. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Chị Lê Thị Nhung ở thôn Vèn, xã Ái Thượng cho hay là trẻ em, người già đau ốm trong gia đình cũng phải đóng tiền làm đường nông thôn mới. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Chủ tịch xã: Đã bàn bạc, ai cũng đồng tình

Theo ông Nguyễn Đức Lục, xã Ái Thượng đã có 4/11 thôn đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến năm 2022 đạt xã NTM. Bốn thôn đạt NTM có 242 hộ, gồm các thôn Đan, Vèn, Trênh và Cân đã xây dựng đường NTM với khoảng 3,5 km. Hiện còn thôn Thung Tâm (có 146 hộ với hơn 600 nhân khẩu) đang triển khai thu để xây dựng NTM với khoảng 1 km đường.

“Việc xây dựng đường NTM là dân tự bàn và giao cho ban phát triển thôn tự thu, tự mua xi măng và tự làm. Còn lại những công trình khác mà sử dụng ngân sách nhà nước thì xã tự làm. Vì làm dân chủ nên người dân họ thích! Họ tự thu, tự làm, không qua thầu nào hết. Làm như thế cho nó minh bạch, người dân khỏi nghi ngờ” - ông Lục nói.

Ông Lục cũng xác nhận thôn Vèn, thôn Thung Tâm có việc đóng tiền theo nhân khẩu để xây đường NTM. Tại thôn Thung Tâm đang triển khai thì chia thành hai đợt đóng, trong đó đợt 1 là 400.000 đồng/nhân khẩu và đợt 2 là 300.000 đồng/nhân khẩu. “Bước đầu, nhân dân đóng góp đợt 1 là 240 triệu đồng/600 nhân khẩu, còn ngân sách xã bỏ ra 300 triệu đồng là đạt thôn NTM. Trường hợp muốn đạt lên kiểu mẫu thì năm 2021 mới thu tiếp” - ông Lục cho hay.

Ông Lục cho là xã không có chủ trương ép dân phải đóng góp để về đích NTM mà Nhà nước đầu tư, còn lại một ít dân tự bàn, có khả năng thì đóng góp chứ không bắt ép của dân... “Thôn Vèn cao nhất xã về thu nhập bình quân đầu người nên việc thu 700.000 đồng/nhân khẩu là bình thường” - ông Lục nói.

Về việc thu tiền đóng góp NTM với cả trẻ em, ông Lục cho biết có việc thu cả trẻ em từ sáu tháng tuổi trở lên nhưng miễn cho người tàn tật, người mất sức lao động. “Còn người ta tính thu trẻ em là đúng vì còn đi 70-80 năm nữa. Bàn làm sao mà cứ 100% người dân giơ tay biểu quyết là làm” - ông Lục nói.

Khi chúng tôi nêu các trường hợp người già, trẻ thiểu năng cũng phải đóng tiền xây đường, ông Lục cho hay: “Sẽ xem lại nhưng lâu nay dân vẫn thu như thế và dân tự bàn, tự làm”.

Ông Lục cũng khẳng định số tiền đã thu nếu có sai chắc chắn không trả lại được vì có nơi đã quyết toán công trình. “Giờ chẳng lẽ lại đi thu cả làng để trả lại cho trẻ em thì không đúng, khó làm” - ông Lục nói.

Một trang trong sổ thu đợt 1 mỗi người 400.000 đồng của thôn Thung Tâm. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Tỉnh: Thu tiền như thế là sai

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng thường trực NTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Chính sách chung của tỉnh Thanh Hóa là không được huy động trẻ em, người già, người nghèo, người được bảo trợ xã hội đóng tiền làm đường xây dựng NTM. Nếu có việc thu tiền các đối tượng trên là sai.

Ông Năng cho hay tỉnh có cơ chế mở để huy động sức dân nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, tự giác và phải công khai, sử dụng hiệu quả. “Việc huy động đó có thể bằng ngày công hoặc là tiền nhưng phải trên tinh thần tự nguyện” - ông Năng nói.

“Trước mắt, chúng tôi cho kiểm tra thực tế. Nếu đúng như báo phản ánh thì đây là việc gây bất bình. Tỉnh đã tuyên truyền cách làm và hướng dẫn rồi mà còn làm sai là không được, phải quy trách nhiệm đến nơi đến chốn” - ông Năng nói.

“Tôi khẳng định nếu xác định thu sai, địa phương phải làm rõ để có căn cứ kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan. Khi đã thu sai thì phải hoàn lại cho các đối tượng đã thu sai trước đó. Tỉnh luôn quán triệt đến các địa phương là không được bắt ép, thu quá sức dân, thu của người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người tàn tật không nơi nương tựa...” - ông Năng khẳng định.

Huyện yêu cầu xác minh, làm rõ

Chiều 8-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Văn Lưỡng, Bí thư Huyện ủy Bá Thước (Thanh Hóa), cho biết: “Ngay sau khi báo thông tin về việc làm đường nông thôn mới ở xã Ái Thượng, tôi đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng xác minh, làm rõ.

Chúng tôi cho kiểm tra lại, cái gì chưa đúng, sai sót thì phải khắc phục. Trường hợp có thu sai thì phải trả lại cho dân, không thể để như thế được”.

Cũng theo ông Lưỡng, có thể thôn không hiểu mà xã chỉ đạo không sát, trong khi lãnh đạo phải nắm. “Chiều 8-9, huyện tổ chức cuộc họp về vấn đề báo nêu để chỉ đạo khắc phục các thiếu sót nếu xã chỉ đạo không sát” - ông nói.

Ông cũng cho hay là sau khi có kết quả kiểm tra sẽ thông báo sau.

ĐẶNG TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/thanh-hoa-kiem-tra-viec-tan-thu-lam-duong-nong-thon-moi-937231.html