Thanh Hóa – Khơi dậy, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, tạo động lực cho phát triển

Là miền đất 'địa linh nhân kiệt' mang đầy đủ hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ. Thanh Hóa – xứ Thanh được xác định là một trong những cái nôi của người Việt cổ qua các di chỉ khảo cổ học Núi Đọ, hang Con Moong. Đặc biệt là nơi phát tích của nền văn minh Đông Sơn nổi tiếng từ thuở các Vua Hùng dựng nước.

Ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trình bày tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trình bày tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Đáng chú ý, xứ Thanh còn có một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc, mang giá trị đặc trưng và phong phú về thể loại, với 1.535 di tích lịch sử văn hóa; nhiều danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, đền đài, lăng tẩm, thành quách. Tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, Phủ Trịnh, Đình Gia Miêu - Triệu Tường… Cùng với đó, vùng đất xứ Thanh cũng sáng tạo, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, mang bản sắc riêng của 7 dân tộc anh em.

Đó là những bộ sử thi, truyền thuyết (Đẻ đất đẻ nước, Khăm Phanh, Mai An Tiêm), các trò chơi, trò diễn dân gian: Khua Luống, Xuân Phả, Trò Chiềng, Pồn Puông, Kin chiêng Boọc mạy; các làn điệu dân ca, dân vũ như dân ca Đông Anh, hò Sông Mã. Các lễ hội truyền thống như lễ hội Bà Triệu, lễ hội Lê Hoàn, Lam Kinh, lễ hội cầu Ngư, lễ hội Mai An Tiêm... Cùng với đó là hệ thống văn bia, sắc phong, thần tích, truyền thuyết, phong tục tập quán, chữ viết, ngôn ngữ vùng miền hết sức đa dạng, phong phú, mang sắc thái riêng.

Đặc biệt, Thanh Hóa là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến, nơi gắn với quá trình tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Có nhiều anh hùng kiệt xuất, quật cường như Triệu Thị Trinh, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi. Qua các vương triều trong lịch sử phong kiến như vương triều Lê (Tiền Lê, Hậu Lê), vương triều Hồ, vương triều Nguyễn. Bên cạnh đó là hai dòng Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn “độc nhất vô nhị” trong lịch sử. Trong đó, dòng Chúa Trịnh trải qua 249 năm tồn tại trong chính trường Đại Việt, song hành cùng vương triều nhà Hậu Lê gây dựng cơ đồ, giữ vững giang sơn; các đời Chúa Nguyễn, tiên chúa là Nguyễn Hoàng có công mở cõi phương Nam, đưa quân ra trấn giữ biển đảo, giữ vững chủ quyền dân tộc suốt các thế kỷ XVII, XIII, rồi thành lập vương triều Nguyễn, nối tiếp nhau trị vì đất nước.

Không những là miền đất “Tam Vương nhị Chúa”, xứ Thanh còn nức tiếng là vùng quê hiếu học, với 1.627 nhà khoa bảng. Trong đó có 240 tiến sỹ, ngoài ra còn có hàng loạt hào kiệt trong các lĩnh vực quân sự, ngoại giao, sử học, văn hóa được muôn thuở lưu danh như Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lương Đắc Bằng, Đào Duy Từ...

Tiếp nối dòng chảy của lịch sử hào hùng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thanh Hóa lại đi vào lịch sử với những tên đất, tên làng, những địa danh nổi tiếng, gắn liền với chiến công hiển hách như chiến khu du kích Ngọc Trạo, hang Co Phường, Nam Ngạn – Hàm Rồng, Phà Ghép, Đò Lèn, Đồi C4... tất cả đã làm nên bề dày văn hóa, lịch sử, cách mạng của đất và người xứ Thanh, tạo nên sức mạnh nội sinh, nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển.

Từ “bệ phóng” vững chắc này, trong những năm qua, Thanh Hóa đã có bước chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ, kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được củng cố và phát triển, niềm tin của dân với chính quyền ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạnh của xứ Thanh. Cụ thể như: Chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, sức mạnh tiềm ẩn của đất và người Thanh Hóa, biến thành động lực cho phát triển. Phát triển văn hóa chưa được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế như quan điểm chỉ đạo của Đảng. Cơ chế, chính sách về văn hóa, đào tạo, thu hút nhân tài chưa đồng bộ, chưa phát huy triệt để được nguồn lực xã hội hóa. Còn thiếu những cán bộ có chuyên môn sâu, tâm huyết, am hiểu về văn hóa, nhiều cán bộ văn hóa chưa giỏi về ngoại ngữ, tin học…

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa xây dựng được sản phẩm văn hóa đặc sắc; chưa gắn sản phẩm văn hóa với du lịch, tạo nên thương hiệu của ngành Du lịch. Đáng chú ý hơn, trang phục, tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian cùng mỹ tục của đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, nhưng chưa có biện pháp quyết liệt để bảo tồn.

Nhìn nhận thấu đáo thực trạng trên, với “cặp mắt xanh” của một người làm văn hóa, ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong bài phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, sau khi chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa đã nêu quan điểm: Để đạt mục tiêu đến năm 2030, đưa Thanh Hóa trở thành một tỉnh khá – cực tăng trưởng mới khu vực miền Bắc, là một trong những trung tâm lớn về văn hóa trong cả nước theo Nghị quyết số 58 của bộ Chính trị. Thanh Hóa cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ chính như sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận về văn hóa, văn nghệ của Trung ương và tỉnh. Chú trọng xây dựng văn hóa trên mọi lĩnh vực; đặt văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế; xác định văn hóa là nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh của sự phát triển.

Phát huy giá trị truyền thống, xây dựng con người Thanh Hóa kiểu mẫu với phẩm chất giàu lòng yêu nước, có lý tưởng, hoài bão, có trí thức, thể lực; có kỹ năng lao động và đạo đức nghề nghiệp. Cùng với xây dựng môi trường văn hóa, gia đình, làng bản, thôn xóm, xã, phường, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan văn hóa, kiểu mẫu.

Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi, khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, đất nước trong đội ngũ doanh nhân, trí thức người Thanh Hóa để có thêm những đóng góp, cống hiến, đầu tư nguồn lực phát triển tỉnh nhà; Phát huy nhân tố con người, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xem đây là một trong những khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Ban hành cơ chế, chính sách chuyên biệt về văn hóa. Nhất là công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, truyền thống lịch sử, cách mạng vẻ vang của quê hương. Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án bảo tồn hệ thống di tích lịch sử văn hóa trọng điểm, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử đang xuống cấp nghiêm trọng.

Lựa chọn các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, các làng nghề tiêu biểu; quy hoạch, xây dựng các khu, điểm du lịch với nhiều loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng... gắn với nghiên cứu, phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng thành thương hiệu sản phẩm du lịch Thanh Hóa, quy hoạch và xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm, trở thành biểu tượng văn hóa của tỉnh; khuyến khích văn nghệ sỹ sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật có giá trị, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, văn hóa dân tộc, làm giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh.

Tăng cường tuyên truyền về giá trị văn hóa, lịch sử,cách mạng của tỉnh nhà. Tuyên truyền, tôn vinh các nhân vật lịch sử, doanh nhân, trí thức có đóng góp lớn cho quê hương. Làm cho người Thanh Hóa hiểu, tự hào, trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống đó, biến thành động lực trong học tập, làm việc. Nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự tôn dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, để Thanh Hóa sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Tượng đài Nam Ngạn – Hàm Rồng chiến thắng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc tế về văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền và xúc tiến quảng bá sâu rộng về văn hóa Việt Nam và văn hóa Thanh Hóa. Đưa những sản phẩm, giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật của tỉnh nhà tham gia lễ hội, liên hoan khu vực và quốc tế.

Với bề dày văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng hào hùng; có sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành hữu quan, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn thể hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công cuộc chấn hưng, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của Thanh Hóa nhất định sẽ thu được hiệu quả tích cực, tạo động lực cho mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, vùng đất đáng sống trong tương lai không xa.

Đào Nguyên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-hoa-khoi-day-phat-huy-truyen-thong-van-hoa-lich-su-cach-mang-tao-dong-luc-cho-phat-trien-293386.html