Thanh Hóa: Khi văn hóa dân gian là sản phẩm du lịch

Những trò diễn Xuân Phả (Thọ Xuân); trò Chiềng (Yên Định); trò diễn Đông Anh (Đông Sơn); Chèo Chải (Hoằng Hóa)... rất có thể sẽ tạo nên một lễ hội đường phố đa sắc, riêng có của xứ Thanh khi Đề án Nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch đi vào thực tế.

Một miền di sản văn hóa

Sở hữu 1.535 di tích lịch sử- văn hóa, xứ Thanh nổi bật với một khối lượng di sản vật thể khổng lồ. Các di sản có niên đại hàng trăm năm gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc nói chung và mảnh đất, con người quê Thanh nói riêng. Đó là đền Bà Triệu, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh cổ kính linh thiêng... góp phần làm nên bản sắc văn hóa, truyền thống lâu đời của mỗi miền quê, con người xứ Thanh.

Xứ Thanh còn có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, tạo nên những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc. Mỗi năm, hơn 300 lễ hội dân gian gắn với các di tích, danh thắng, liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, là linh hồn trong đời sống người dân, tạo nên nét đặc trưng văn hóa riêng. Với truyền thống lịch sử, đặc điểm vùng miền cư trú và đặc trưng văn hóa, phương thức canh tác đã tạo nên sự khác biệt trong văn hóa của người dân xứ Thanh. Các loại hình văn hóa dân gian xứ Thanh không chỉ phong phú về thể loại, độc đáo về giá trị văn hóa và đậm đà sắc thái văn hóa. Trong đó có thể kể đến: Lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc); trò diễn Xuân Phả (Thọ Xuân); Pôồn Pôông của người Mường; Kin chiêng boọc mạy của người Thái; những làn điệu dân ca tha thiết trữ tình: hò sông Mã, hát sẩm xoan, múa đèn Đông Anh; lễ hội Sòng Sơn (Bỉm Sơn)...

Về Thanh Hóa, ngoài chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, du khách còn đắm mình trong các lễ hội lớn nhỏ: Phủ Na; Am Tiên; Sòng Sơn; Ba Bông; Bà Triệu...và điều rất dễ nhận thấy là các lễ hội của Thanh Hóa đều gắn liền với các tín ngưỡng tâm linh, trong đó nổi bật là tín ngưỡng thờ mẫu. Bên cạnh đó là các lễ hội truyền thống mang bản sắc của một vùng đất. Có thể kể đến lễ hội Bánh chưng bánh giầy, lễ hội Đền Độc Cước (TP Sầm Sơn).

Các lễ hội, trò diễn dân gian không chỉ tạo nên nét đẹp trong đời sống tinh thần mà còn là niềm tự hào, kiêu hãnh của dân xứ Thanh trong đời sống hiện đại. Bởi vậy, ngoài việc bảo tồn thì các di sản văn hóa dân gian còn được xem là tiềm năng để phát triển trở thành sản phẩm du lịch.

Trò diễn Xuân Phả độc đáo riêng có của xứ Thanh.

Loại hình văn hóa - sản phẩm du lịch: hiệu quả nhân đôi

Thực tế dễ nhận thấy, đến nay, không ít các địa phương trong cả nước đã đưa du lịch trở thành ngành kinh tế thế mạnh khi biết kết hợp giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian gắn với phát triển du lịch. Và các giá trị văn hóa đó còn được xem như là điểm nhấn hấp dẫn, lưu dấu du khách. Đến Huế, du khách sao có thể chối từ thưởng thức nhã nhạc cung đình; về Bắc Ninh ai nỡ bỏ qua lời mời giao duyên của các liền anh, liền chị trong làn điệu dân ca quan họ; và nếu xuôi chiều về đất phương nam, một vài câu hát đờn ca tài tử chẳng phải cũng đủ níu lòng nhiều du khách...

Còn với xứ Thanh, sở hữu khối lượng di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc sắc với không ít loại hình văn hóa dân gian, lễ hội độc đáo thì có lẽ nào lại không thể trở thành sản phẩm du lịch? Song thực tế là những loại hình văn hóa, lễ hội dân gian của chúng ta hiện nay dù được đánh giá cao nhưng vẫn mới chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng, thế mạnh để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Với mục tiêu phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, vừa qua Sở VH,TT&DL tỉnh đã lập và triển khai đề án “Nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch”. Đây có thể xem là một trong những bước đi quan trọng góp phần thực hiện quyết tâm phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh Thanh.

Khi đề án được lập và triển khai thực tế thì đồng nghĩa chúng ta sẽ bước đầu giải quyết được hai bài toán khó: bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian và tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thực tế, hiện nay không ít các loại hình văn hóa dân gian, giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống của chúng ta đang đứng trước nguy cơ mai một vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguồn kinh phí để bảo tồn, duy trì đã và đang là gánh nặng của không ít địa phương.

Tuy vậy, giữa rất nhiều các loại hình văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, việc lựa chọn loại hình nào để phục vụ cho phát triển du lịch cũng không phải đơn giản. Vì dù sao thì hiệu quả cũng phải là sự hài hòa giữa hai yếu tố: văn hóa và kinh tế. Trong tham luận gửi đến Hội thảo “Xác định giá trị các lễ hội tiêu biểu, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc và giải pháp phát huy nhằm phát triển du lịch” do Sở VH,TT&DL tổ chức vừa qua, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Nghiên cứu hình thành một sự kiện lễ hội riêng của Thanh Hóa với hình thức lễ hội đường phố, trong đó lựa chọn các hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu nhưng phải phù hợp với tiêu chí chung của lễ hội chính, phải có “không gian” cho khách du lịch được tham gia để tăng độ tương tác của khách với các hoạt động của lễ hội, tạo sự hấp dẫn của lễ hội đối với khách. Thanh Hóa có nhiều trò diễn dân gian đặc sắc có thể kết nối thành lễ hội đường phố mà không lẫn vào bất cứ tỉnh, thành nào như: trò diễn Xuân Phả; trò Chiềng; trò Xanh Ngô; chèo Chải; hò sông Mã... thời gian tổ chức lễ hội nên cân nhắc vào đầu hoặc cuối mùa du lịch chính của Thanh Hóa là mùa du lịch biển và phải định hướng tổ chức định kỳ hàng năm”.

Nếu ý kiến của vị lãnh đạo ngành du lịch được hiện thực hóa, thiết nghĩ còn niềm vui nào lớn hơn với những con người đang từng ngày âm thầm gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian.

Còn ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa khẳng định việc khai thác những lễ hội, loại hình văn hóa để trở thành sản phẩm du lịch cần dựa trên cơ sở những chức năng và giá trị của lễ hội. Một loại hình văn hóa dân gian (lễ hội, trò diễn dân gian...) chỉ có thể trở thành sản phẩm du lịch khi nó phản ánh và bảo lưu truyền thống, trong đó yếu tố tín ngưỡng được coi là nhu cầu quan trọng. Cùng với đó, khi việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa gắn với phát triển du lịch thì cũng cần tính đến việc tạo ra giá trị kinh tế.

Rõ ràng, với lợi thế, tiềm năng và mục tiêu phát triển văn hóa, du lịch của Thanh Hóa thì việc lựa chọn loại hình văn hóa để phát triển trở thành sản phẩm du lịch là yêu cầu tất yếu. Hi vọng, một sản phẩm du lịch đặc trưng được xây dựng từ những loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của xứ Thanh sẽ sớm trở thành hiện thực, có sức lan tỏa, tạo ấn tượng và hấp dẫn với du khách gần, xa.

Thu Trang |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-khi-van-hoa-dan-gian-la-san-pham-du-lich-58710