Thanh Hóa: Khẩn cấp xử lý sự cố nứt thân đập thủy lợi Sông Mực

Trước sự cố nứt thân đập thủy lợi Sông Mực, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định chi 12 tỷ đồng, để xử lý khẩn cấp đối với công trình thủy lợi này.

Vết nứt trên mặt thân đập hồ thủy lợi Sông Mực (Thanh Hóa).

Vết nứt trên mặt thân đập hồ thủy lợi Sông Mực (Thanh Hóa).

Ngày 16/10, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Trước sự cố nứt thân đập của hồ thủy lợi Sông Mực, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư 12 tỷ đồng để xử lý.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu có trách nhiệm bóc bỏ đất đập tại phạm vi bị nứt, xử lý đắp lại, hoàn thiện mặt đập, xử lý hiện tượng thấm rò nước trong cống lấy nước.

Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu sẽ thực hiện dự án “Xử lý khẩn cấp khắc phục sự cố, sửa chữa hư hỏng, bảo đảm an toàn hồ đập đối với hồ Sông Mực, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa”. Tổng kinh phí của dự án này là 12 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm 2020-2021.

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện thân đập hồ Sông Mực tại huyện Như Thanh xuất hiện vết nứt chạy dài 173m, chiều rộng vết nứt từ 2-3cm, chiều sâu tới 1m và ăn sâu vào thân đập.

Ông Lê Văn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Chu - đơn vị quản lý hồ thủy lợi Sông Mực, cho biết: Những ngày qua, công ty đã dùng bạt che toàn bộ thân đập để chống thấm nước mưa tràn vào sâu lòng thân đập.

Việc xử lý sự cố này đang được công ty khẩn trương thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn cho hồ, người và tài sản vùng hạ lưu của hồ thủy lợi.

Ngoài ra, công ty cũng đã lập chốt khống chế tải trọng, cấm xe ô tô, xe tải lưu thông qua thân đập. Đồng thời, đơn vị này đã cử cán bộ trực theo dõi 24/24 giờ để phát hiện, báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra tại hồ đập thủy lợi Sông Mực.

Đoàn công tác của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương kiểm tra sự cố trên thân đập hồ thủy lợi Sông Mực.

Cũng theo ông Thủy, hiện nay, mực nước của hồ Sông Mực đang ở cao trình 27m. Trong khi đó, mực nước tích đủ của hồ này theo thiết kế là cao trình 34m, nên lượng mưa dự báo trong những ngày tới sau hoàn lưu cơn bão số 7 sẽ bổ sung vào nguồn nước tích trữ cho hồ. Do đó, dù thân đập của hồ Sông Mực đang có vết nứt, nhưng vẫn đang an toàn.

Hồ Sông Mực được xây dựng từ năm 1977, hoàn thành năm 1981. Đây là hồ thủy lợi lớn thứ 2 của tỉnh Thanh Hóa, chỉ sau hồ cửa Đạt. Dung tích cuiar hồ chứa gần 200 triệu m3 nước, có nhiệm vụ cắt lũ cho sông Yên, cấp nước tưới cho hơn 11.000 ha sản xuất nông nghiệp.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thanh-hoa-khan-cap-xu-ly-su-co-nut-than-dap-thuy-loi-song-muc-PIXyVu5MR.html