Thanh Hóa: Khai hội Lễ hội Bà Triệu năm 2019

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ vị Anh hùng Triệu Thị Trinh – người lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô năm 248.

Một trong những tiết mục văn nghệ tái hiện cảnh Triệu Thị Trinh cưỡi voi đánh giặc

Một trong những tiết mục văn nghệ tái hiện cảnh Triệu Thị Trinh cưỡi voi đánh giặc

Sáng 27/3, tại Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc đã long trọng tổ chức Lễ hội đền Bà Triệu năm 2019 và kỷ niệm 1771 năm ngày mất anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ vị Anh hùng Triệu Thị Trinh – người lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô năm 248. Từ căn cứ núi Nưa, nay thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, dưới sự chỉ huy của Bà Triệu, nghĩa quân đã tiến xuống vùng đồng bằng, đánh chiếm thành Tư Phố - trung tâm chính trị của quận Cửu Chân, tiêu diệt chính quyền đô hộ, khiến quân thù vô cùng khiếp sợ.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, triều đình Đông Ngô đã cử viên tướng Lục Dận chỉ huy 8.000 quân tinh nhuệ sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân Bà Triệu đã chiến đấu anh dũng, với hơn 30 trận đánh lớn nhỏ diễn ra tại vùng rừng núi Bồ Điền và cửa Thần Phù. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân chịu tổn thất nặng nề, Bà Triệu đã hi sinh ngay trên mảnh đất Bồ Điền vào ngày 22/2 năm Mậu Thìn 248.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh trống khai hội tại buổi lễ

Để tỏ lòng biết ơn, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ Bà Triệu ở trên triền núi Gai, lăng Bà Triệu ở núi Tùng và đình Bà Triệu ở làng Phú Điền, xã Triệu Lộc tạo thành một quần thể tam giác di tích văn hóa lịch sử ghi dấu cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô một thời gian khổ, hào hùng.

Lễ hội đền Bà Triệu chính thức diễn ra trong hai ngày 22 và 23/2 âm lịch. Đây là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu và tiềm năng du lịch của Thanh Hóa với bạn bè trong nước, quốc tế.

Lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương trong và ngoài tỉnh

Phần lễ diễn ra với các nghi thức truyền thống như lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại đền thờ, khu lăng mộ Bà Triệu, đình làng Phú Điền, rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà...

Phần hội là chương trình sân khấu hóa do các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa trình diễn, tái hiện hình tượng Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Ngô.

Đây cũng là một trong số ít những lễ hội truyền thống ở Thanh Hóa có kịch bản tổ chức khá chặt chẽ, được duy trì từ trước đến nay, thể hiện sự thành kính và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về lòng yêu nước, đối nhân xử thế và biết ơn đối với các bậc tiền nhân, Anh hùng dân tộc…

MỘC MIÊN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thanh-hoa--khai-hoi-le-hoi-ba-trieu-nam-2019-d93762.html