Thanh Hóa khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất

Thanh Hóa đang chỉ đạo người dân thu gom rác thải, vật nuôi đã chết, phun thuốc khử trùng... khắc phục hậu quả do mua lũ vừa gây ra để tái sản xuất.

Chính quyền địa phương cùng người dân Thanh Hóa khẩn trương khắc phục hậu quả do mua lũ để tái sản xuất. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp thấp nhiệt đới và bão số 3, từ ngày 13 đến 22/7, địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to làm nhiều xã ven đê sông Bưởi, sông Mã bị cô lập, hàng trăm ha lúa, hoa màu bị chết, nhiều hộ dân phải sơ tán, nhà bị sập, đường giao thông bị hỏng.

Hiện nước đã rút, chính quyền địa phương đang chỉ đạo người dân thu gom rác thải, vật nuôi đã chết, phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.

Tại huyện Vĩnh Lộc, mưa lũ đã làm đường giao thông Trại Lợn bị hỏng, bờ kênh phía hạ lưu sát cầu Bông sạt lở. Mưa lớn làm sạt lở đỉnh kè xã Vĩnh Thành, nước sông dâng cao làm 169 hộ phải sơ tán, hơn 813 ha lúa, hoa màu, ngô bị chết úng. Hiện UBND huyện Vĩnh Lộc đang chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Cánh đồng lúa xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc vẫn còn ngập nước, phần lớn diện tích lúa đã bị ngập úng hoặc chết. Huyện Vĩnh Lộc cử cán bộ nông nghiệp xuống kiểm tra, hướng dẫn người dân cứu lúa, tiêu nước khỏi ruộng. Các kênh tiêu, trạm tưới tiêu hoạt động hết công suất để bơm nước ra khỏi ruộng.

Ông Tào Quang Thiệu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc cho biết, huyện đã thông báo đến các xã, hợp tác xã tiến hành giải tỏa ách tắc trên hệ thống kênh tiêu và huy động trạm bơm tiêu của huyện tiêu thoát nước để lúa có điều kiện phục hồi.

Huyện cử cán bộ hướng dấn người dân thực hiện các biện pháp cứu lúa nhằm giúp cây lúa phục hồi nhanh và phòng trừ sâu bệnh.

Xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc giáp tuyến đê sông Mã. Mưa lũ đã làm nước sông ngập nhà dân và nhiều tuyến đường. Chính quyền địa phương đã sơ tán 131 hộ dân thuộc 2 thôn Thọ Đồn và thôn Thượng, tổng thiệt hại toàn xã là 384 triệu.

Tại thôn Đồn, nước lũ dâng cao khiến nhiều diện tích cây ngô đã bị chết. Người dân đang phá bỏ, dọn ruộng để trồng cây mới.

Ông Phạm Ngọc Oanh, thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên cho biết, gia đình ông trồng 8 sào ngô nhưng đã bị lũ cuốn trôi, thiệt hại gần 9 triệu đồng Gia đình ông đang phối hợp với chính quyền khắc phục hậu quả thiên tai.

Cũng bị thiệt hại trong trận lũ vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên cho biết, 2.000 m2 ngô, hoa màu của nhà ông mất hết, tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Gia đình đang dọn dẹp các cây bị chết ra khỏi ruộng, chờ vài ngày nữa sẽ trồng các loại cây mới. Ông mong các cấp chính quyền hỗ trợ các gia đình thêm kinh phí mua giống, phân bón để khôi phục lại sản xuất nông nghiệp cho kịp thời vụ.

Không chỉ xã Vĩnh Minh, Vĩnh Yên, các xã khác như Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hưng, Vĩnh An, Vĩnh Quang của huyện Vĩnh Lộc cũng chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ. Tổng thiệt hại tạm tính khoảng 11 tỷ. UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp về xã bị thiệt hại hướng dẫn người dân khắc phục sự cố.

Ông Lê Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho hay, huyện có 15/16 xã có tuyến đê sông đi qua là sông Mã và sông Bưởi, trận lũ vừa qua xã thiệt hại nặng nề.

Nguyễn Nam/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thanh-ho-a-kha-c-phu-c-ha-u-qua-mua-lu-khoi-phuc-san-xuat/91679.html