Thanh Hóa: Kêu gọi rồi 'ép chết' doanh nghiệp

Là doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa 'trải thảm' mời gọi đầu tư, nhưng đang trong quá trình triển khai, 2 dự án của nữ doanh nhân Lê Hồng Đặng bị UBND tỉnh Thanh Hóa 'khước từ' không chấp thuận chủ trương đầu tư. Việc UBND tỉnh Thanh Hóa đột ngột ban hành văn bản không chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 2 dự án đang được doanh nghiệp tích cực triển khai, không khác gì việc 'ép chết' doanh nghiệp.

Đất đã được giao cho dự án, nhưng UBND xã Hải Bình vẫn cấp Giấy phép xây dựng cho cá nhân để “nhảy” vào dự án xây dựng nhà làm khách sạn với quy mô lớn.

Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch công viên Biển Xanh tại xã Hải Bình

Tìm hiểu dự án mới thấy sự “tiền hậu bất nhất” thiếu tính nhân văn của chính quyền đối với doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đối với dự án Khu du lịch công viên Biển Xanh tại xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia), Bộ Quốc phòng đã có văn bản đồng ý giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa để thực hiện Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái cao cấp tại cụm Đảo Mê. Trên cơ sở văn bản của 7 cơ quan, đơn vị, ngày 3/12/2014 Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 3363/SKHĐT-KTĐN gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chủ trương, địa điểm thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch công viên Biển Xanh của Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu.

Ngày 5/12/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 11922/UBND-THKH về việc chấp thuận chủ trương, địa điểm cho Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch công viên Biển Xanh tại xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia). Theo đó văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nêu rõ: “Quy mô dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu đô thị số 3 Khu kinh tế Nghi Sơn – Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1599/QĐ-UBND ngày 14/5/2010, diện tích thực hiện dự án khoảng 8,5ha, vị trí tại tờ bản đồ số 46, 47, 50, 51, 54, 55 bản đồ địa chính xã Hải Bình tỷ lệ 1/500…Đồng ý chủ trương cho Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu nghiên cứu lập dự án đầu tư nuôi trồng thủy hải sản kết hợp dịch vụ thăm quan các đảo thuộc cụm Đảo Mê. Sau khi quy hoạch Khu du lịch sinh thái cao cấp tại cụm Đảo Mê được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ xem xét đề nghị của Cty theo quy định của pháp luật”.

Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu đã bắt tay vào thực hiện dự án như: thuê Cty CP kiến trúc Hồng Đức đo đạc, khảo sát, lập dự án, hỗ trợ cho các hộ dân có đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng phòng hộ, trả tiền cho các hộ dân có đất, nhà cửa, hoa màu nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng và nhà ở tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia.

Theo văn bản số 1580/SKHĐT-KTĐN của Sở Kế hoạch và đầu tư Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục dự án Khu du lịch công viên Biển Xanh nêu rõ: “Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu đã thực hiện thỏa thuận bồi thường xong với 11 hộ dân, để lập dự án đầu tư, lập quy hoạch chi tiết, chậm hoàn thành thủ tục của dự án do Chủ tịch HĐQT/Giám đốc Cty là bà Lê Hồng Đặng gặp phải một số vấn đề bất khả kháng. Mặt khác việc lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án phải tạm dừng vì chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường, ngoài ra dự án có diện tích sử dụng đất lớn và một phần là đảo nên thời gian GPMB kéo dài, trong khi một số hộ dân có đất thuộc phạm vi dự án chưa thống nhất với phương án bồi thường của nhà đầu tư”. Ngày 16/2/2017 UBND huyện Tĩnh Gia đã có quyết định số 616/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Khu du lịch công viên Biển Xanh.

Mọi việc đang được thực hiện theo kế hoạch, bỗng dưng ngày 16/11/2017 UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 14045/UBND-THKH về việc chưa xem xét đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại khu vực Đảo Mê và các cụm đảo nhỏ thuộc vị trí khu vực 2 dự án Khu du lịch công viên Biển Xanh tại xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia) của Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu.

Ngoài ra trước đó, ngày 4/1/2016 UBND xã Hải Bình đã cấp Giấy phép xây dựng số 01/GPXD cho ông Lê Văn Thường để xây dựng nhà ở với quy mô lớn tại phạm vi đất của dự án đã được Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa giao đất, được UBND tỉnh, HĐND tỉnh Thanh Hóa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Mặc dù nhiều lần Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu gửi văn bản tới các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý, nhưng hiện nay khu nhà đã biến thành khách sạn Thanh Bình Hotel và đưa vào sử dụng.

Hành vi cấp Giấy phép xây dựng trái pháp luật của UBND xã Hải Bình trên đất đượcgiao làm dự án cần phải chấm dứt và xử lý theo quy định của pháp luật. Mặc dù Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu đã có nhiều văn bản gửi UBND xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia và UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng tất cả đã rơi vào im lặng. Liệu đây có phải một sự thao túng cho hành vi vi phạm pháp luật và phải chăng nó là sự bật “đèn xanh” để văn bản số 14045/UBND-THKHngày 16/11/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra đời?

Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch tâm linh thành Lê Chích

Đối với dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch tâm linh thành Lê Chích tại huyện Nông Cống, Sở Xây dựng đã có văn bản số 2807/SXD-QH gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc lập quy hoạch chi tiết Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch tâm linh thành Lê Chích tại huyện Nông Cống của Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu.

Bị UBND tỉnh Thanh Hóa “khước từ” chủ trương đầu tư, khu vực di tích lịch sử Thành Hoàng Nghiêu – căn cứ Nguyễn Chích đang ngày đêm bị doanh nghiệp khai thác đá tàn phá.

Ngày 22/11/2016 Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về việc lập quy hoạch đối với dự án này, dựa trên ý kiến tham gia của các đơn vị là Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư, UBND huyện Đông Sơn, UBND huyện Nông Cống, Sở Tài nguyên và môi trường; Sở Xây dựng đã đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu lập quy hoạch xây dựng Khunông nghiệp công nghệ cao và du lịch tâm linh Thành Lê Chích tại 3 huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và Nông Cống.

Ngoài ra Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở cho công nhân và sản xuất nông nghiệp tại xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống. Tuy nhiên ngày 28/4/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 4578/UBND-UBND về việc không chấp nhận chủ trương đầu tư dự án trồng hoa, rau, củ quả nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống.

Tìm hiểu được biết, hiện nay khu vực núi đá thuộc ranh giới di tích lịch sử Thành Hoàng Nghiêu – căn cứ Nguyễn Chích phạm vi mà Cty CP Phúc Hoàng Nghiêu xin lập quy hoạch và bị UBND tỉnh Thanh Hóa “khước từ” chủ trương đầu tư hiện đang do doanh nghiệp tư nhân Toàn Thắng tổ chức đánh mìn khai thác đá rầm rộ. Theo phản ánh của người dân thì việc khai thác đá của doanh nghiệp tư nhân Toàn Thắng đã ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường nhiều hộ dân bị nứt nhà, cửa do dư chấn, mảnh đá của việc đánh mìn khai thác đá.

Từ chối phỏng vấn, nhưng theo “bút tích” của lãnh đạo xã Hoàng Sơn gửi phóng viên cho biết: Căn cứ Nguyễn Chích trước đây đóng quân và xây đắp thành lũy ở 3 huyện Nông Cống, Triệu Sơn và Đông Sơn. Khu xây đắp thành lũy của Tướng quân Nguyễn Chích được bao bọc xung quanh của dãy núi Phúc Hoàng Nghiêu, giữa lòng Thành là con sông nhà Lê tạo nên khu căn cứ địa vững chắc…UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt sơ đồ, dự toán kinh phí cắm mốc bảo vệ khu di tích lịch sử Phúc Hoàng Nghiêu gắn với khu căn cứ Nguyễn Chích với diện tích là 1.500ha, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào về cắm mốc.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Khu di tích Nguyễn Chích đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2005, cho đến nay cũng đã tồn tại vài chục năm. Căn cứ Nguyễn Chích được phân bố trên phạm vi rất rộng có cả núi, hang động, sông và có cả hệ thống thành lũy mà Nguyễn Chích đã đắp trước đây để chống lại sự xâm nhập của giặc vào Thành. Năm 2016 đã có chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cắm mốc, khoanh vùng khu di tích này và giao cho Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh thực hiện. Nhưng năm 2016, 2017 chưa có kinh phí để triển khai cắm mốc để bảo vệ khu di tích này và có thể nguồn kinh phí được cấp vào năm 2018 để bảo vệ toàn bộ khu di tích 16km2.

Về việc doanh nghiệp tư nhân Toàn Thắng đang khai thác đá tại khu vực di tích, đang có nguy cơ tàn phá khu di tích này. Cơ quan nào đã cấp giấy phép cho việc khai thác đá và phạm vi khai thác đến đâu cần được UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra và làm rõ trách nhiệm. Để tránh tình trạng dự luận đang cho rằng doanh nghiệp này là doanh nghiệp “sân sau” của Chủ tịch tỉnh?

Có thể thấy, việc ban hành văn bản từ chối chủ trương đầu tư đối với dự án đang được triển khai của vị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện sự “bất nhất” của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và dẫn đến “bóp chết” doanh nghiệp. Việc làm này đã gây phản ứng trong giới doanh nhân và đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc động viên, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển kinh tế.

Ngọc Hân – Việt Khoa

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/thanh-hoa-keu-goi-roi-ep-chet-doanh-nghiep.html