Thanh Hóa hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vừa diễn ra, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đưa ra nhận định: 'Thanh Hóa hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về KTXH, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistic, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao…'

Theo Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng và là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Thanh Hóa là vùng đất "phên dậu", "một vùng đất căn bản", "đất bản triều", luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế; là căn cứ của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Thanh Hóa nằm ở Bắc Trung Bộ, là tỉnh lớn đứng thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên với hơn 11 nghìn km2, đứng thứ 3 về quy mô dân số với trên 3,64 triệu người.

Là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng lợi thế, đặc điểm riêng mà không phải địa phương nào cũng có, được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái: trung du - miền núi, đồng bằng và miền biển; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; hệ thống giao thông thuận tiện, với đầy đủ các loại hình, gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không, thuận tiện kết nối với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc, các tỉnh duyên hải miền Trung; có cửa khẩu quốc tế Na Mèo và cụm cảng nước sâu Nghi Sơn, có thể đón nhận tàu tải trọng 100.000 tấn.

Thanh Hóa cũng có nguồn lao động dồi dào, người lao động cần cù, chịu khó; nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị còn được lưu giữ như: Di chỉ văn hóa núi Đọ từ thời đồ đá cũ, Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, Lê Hoàn; có bờ biển dài 102 km với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa,... và nhiều danh lam, thắng cảnh, như: vườn Quốc gia Bến En, các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương, Thác Mây, Thác Ma Hao…

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; nổi bật là năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2 cả nước; quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,5% cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 54 triệu đồng, gấp 1,8 lần năm 2015; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Thanh Hóa vẫn ước đạt 3,7% - mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố khác, đóng góp vào mức tăng GDP chung của cả nước.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ ra 6 mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần làm trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần: “Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch và Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 trình Bộ Chính trị, có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, đảm bảo chất lượng, tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, như: đường bộ ven biển; đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan, tập trung triển khai thực hiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường sắt cao tốc Bắc Nam, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15, Quốc lộ 217, đảm bảo kết nối Cảng biển Quốc tế Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.”

Phó Thủ tướng trao chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận cho nhiều nhà đầu tư

Thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ kêu gọi nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư vào Thanh Hóa để làm giàu cho chính mình và góp phần vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và đất nước Việt Nam.

Huy Hoàng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thanh-hoa-hoi-tu-du-tiem-nang-loi-the-de-phat-trien-toan-dien-197610.html