Thanh Hóa: Hỗ trợ thiết thực cơ sở công nghiệp nông thôn

Thời gian qua, sự hỗ trợ của khuyến công đã có tác động tích cực đến nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các cơ sở sản xuất đã chú trọng đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường…

Cơ sở chế biến lâm sản hoạt động hiệu quả từ hỗ trợ của khuyến công

Tác động tích cực

Thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa (Trung tâm), năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm đã triển khai thực hiện 39 đề án hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từ nguồn hỗ trợ của chương trình khuyến công quốc gia, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ 5 đề án, gồm: Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2018-2020. Nội dung hỗ trợ tập trung vào đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến lâm sản. Ngoài ra, còn hỗ trợ 4 đơn vị đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất cho các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ từ công tác khuyến công đã tác động tích cực đến nhiều cơ sở CNNT. Hiện, nhiều cơ sở đã chú trọng đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc triển khai nhiều chương trình khuyến công trên địa bàn đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa, đặc biệt giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động ngay trên địa bàn sinh sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Những tác động tích cực, hiệu quả nhất định trong thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, CNNT đã thấy rõ, tuy nhiên quá trình hoạt động thực tế của công tác khuyến công trên địa bàn cũng cho thấy còn những khó khăn, hạn chế. Còn nhiều nội dung hoạt động khuyến công chưa triển khai thực hiện, kinh phí cho công tác khuyến công địa phương còn hạn chế... Số lượng cơ sở ngành nghề nông thôn tăng nhanh nhưng phân bố không đồng đều ở các vùng. Thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công chưa huy động được các nguồn lực khác tham gia.

Từ thực tế triển khai công tác khuyến công tại địa phương, để nâng cao chất lượng hoạt động, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã đề ra các giải pháp như: Làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về hoạt động khuyến công; tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản về công tác khuyến công nhằm tạo đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức quản lý nhà nước, người dân và sự nhiệt tình của doanh nghiệp. Khi lựa chọn đơn vị phối hợp triển khai đề án khuyến công phải là đơn vị có tiềm lực và khả năng thúc đẩy đề án có hiệu quả đồng thời gắn công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Gắn kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các hoạt động của Trung tâm nhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời để phát triển sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa định kỳ kiểm tra tiến độ triển khai để có kế hoạch, phương án sử dụng nguồn kinh phí khuyến công. Trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình khuyến công, thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá rút kinh nghiệm cho các chương trình sau.

Minh Thư

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/thanh-hoa-ho-tro-thiet-thuc-co-so-cong-nghiep-nong-thon-109772.html