Thanh Hóa: Hồ máy đèn 'nơi chim hạc cất cánh'

Quyển sách ảnh 'Nơi chim hạc cất cánh' của nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trần Đàm là tập ảnh tổng hợp của nhiều thể loại vừa mang tính thông tấn báo chí vừa có tính nghệ thuật tạo hình mà ở đó có cả ảnh phong cảnh, chân dung, sinh hoạt và tĩnh vật.

Ở đây mỗi ảnh có nội dung và cách biểu đạt khác nhau cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, tôi chỉ phân tích một ảnh mà có thể nhiều người cảm nhận cho rằng có gì ở tấm ảnh này mà phải bàn: “Hồ máy đèn”.

Đó là một phong cảnh ở trung tâm TP Thanh Hóa, hồ không rộng, khuôn viên cũng không lớn, cây xanh cũng không nhiều, tán cây cũng rất khiêm tốn vậy mà trong tư duy và đôi mắt tinh nhanh, nhạy cảm của Trần Đàm, ông đã biến cảnh vật đó thành ảo ảnh rất sinh động, lãng mạn làm sao!

Hồ máy đèn. (Ảnh: Trần Đàm)

Nhìn tổng thể tấm ảnh “Hồ máy đèn” người ta cảm thấy một bố cục chặt chẽ, cấu trúc hài hòa giữa nước, cây và tháp đèn. Cũng có nhiều người làm nghề nhiếp ảnh hay người ngoại đạo không chuyên nghiệp về ảnh có thể họ cho rằng cảnh vật nơi đây có gì khó chụp đâu! Ấy thế mà tác giả biến cái dễ đơn giản của cảnh vật “Hồ máy đèn” thành có thần có hồn mới là lạ. Bức ảnh phong cảnh “hồ máy đèn” được tác giả mở ống kính đúng thời điểm để có được làn nắng hè sang thu vừa rực rỡ, vừa tươi sáng, vừa mềm mại như thiếu nữ nở nụ cười đầy sắc xuân. Những cánh phượng yếu ớt còn giữ lại mấy cành hoa đỏ từ cuối hè để rồi vươn tay xuống làn nước hồ đung đưa gợi sóng. Dưới làn cây, thỉnh thoảng có luồng gió nhẹ thoáng qua rồi tĩnh lặng nhường lại cho mấy con chim ríu rít thánh thót trên cành. Còn nữa đâu đây có tiếng nói thầm thì, tiếng cười khúc khích nhỏ to của những cô gái ven hồ. Sự thật trong ảnh “Hồ máy đèn” không có người qua lại, không có thiếu nữ nào nhưng người xem vẫn cảm thấy thấp thoáng đâu đó có bóng dáng thiếu nữ Hạc thành đang dạo bước trên đường nhỏ quanh hồ. Những ảo sắc màu vàng, xanh, cảnh cây lá, trời trong xanh in xuống mặt nước hồ, những làn gió nhẹ nhàng thoảng qua rúng động làn tóc thiếu nữ môi hồng, mắt sáng long lanh cứ thế mà ẩn hiện trong bức ảnh “Hồ máy đèn” của Trần Đàm. Cảm xúc ấy, tôi liên tưởng đến mấy câu thơ của Tế Hanh trong bài thơ tình ở Hoàng Châu:

“Mùa thu đã đi qua còn gửi lại

Một ít vàng trong nắng trong cây

Một ít buồn trong gió trong mây

Một ít vui trên môi người thiếu nữ...”.

(Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr.62)

Một triết lý khó tả “cảnh là người”, tùy theo cảm xúc nội tâm của ai đó “nhập vai, hóa thân, hòa nhập vào cảnh trầm tĩnh ấy để biến cảnh vật “hồ máy đèn” vô tri vô giác thành tâm hồn. Thế đó, với cái nhìn hóm hỉnh đầy lãng mạn của tác giả đã biến các vật thể đất trời, cây, nước, hồ thành trở nên sống động mà người và cảnh là chủ thể mặc dầu trong tấm ảnh không có ai. “Hồ máy đèn”, người xem cảm thấy cảnh vật ở đây đang chuyển mùa, mùa hè tàn mùa thu đang đến cũng có nghĩa mùa thu đang tàn chỉ còn trong ký ức người xem ảnh một niềm vui, một ít buồn man mác.

Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa, Trần Đàm đã để lại cho đời hàng chục quyển sách ảnh có giá trị cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật tạo hình, trong đó có bức ảnh “Hồ máy đèn”.

Hoàng Hoa Mai

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-ho-may-den-%E2%80%9Cnoi-chim-hac-cat-canh%E2%80%9D-75384