Thanh Hóa: Hai ngư dân mất tích trên biển

Hai ngư dân Thanh Hóa và một ngư dân Hải Phòng trong lúc đánh cá trên vùng biển Cô Tô (Quảng Ninh) đã bất ngờ gặp nạn và mất tích.

Xác nhận vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thanh hóa cho biết: Hai ngư dân địa phương bị mất tích là Tô Văn Trương (SN 1994) và Tô Văn Hiến (SN 1987) cùng trú tại thôn Hưng Phú, xã Hưng Lộc và cùng là anh em ruột. Ngoài hai ngư dân địa phương còn có một ngư dân của tỉnh Hải Phòng cũng đang mất tích. “Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND xã Hưng Lộc đã xuống động viên gia đình, bình tĩnh, tiếp tục chờ đợi tin tức của các nạn nhân”- ông Biển cho biết.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tàu chìm trên biển (ảnh minh họa)

Sự việc xảy ra vào rạng sáng 15/7, tàu cá mang biển kiểm soát HP-90561 TS trên đường chạy vào âu tàu Cô Tô để tránh gió thì bất ngờ gặp cơn giông nên tàu phải thả neo cách đảo Cô Tô 8 hải lý. Sau khi thả neo, tàu cá bất ngờ bị một tàu khác đâm phải khiến tàu cá bị chìm tại chỗ.

Do vụ việc xảy ra vào ban đêm, sóng to, gió lớn giật cấp 7 cấp 8 nên cả 7 ngư dân trên tàu (trong đó có 4 ngư dân ở huyện Hậu Lộc) bị rơi xuống biển, phải bám vào bình gas, tấm gỗ lênh đênh trên biển nhiều giờ. Ngay sau đó, lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của địa phương đã cứu vớt được các ngư dân Hoàng Văn Quế, trú tại xã Minh Lộc và Phạm Văn Mạnh, trú tại xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) cùng 2 ngư dân khác. Các ngư dân được tìm thấy đã được các y bác sỹ trên huyện đảo Cô Tô chăm sóc, sức khỏe đã dần hồi phục.

Hiện tại, lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các ngư dân còn đang bị mất tích trên biển.

Trước đó, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với vùng áp thấp ngay trên vùng biển Thanh Hóa - Nghệ An, từ ngày 13/7 đến 16/7, ở hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa to và rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100 đến 150 mm, một số nơi có lượng mưa lớn như Xuân Khánh 189 mm, Lèn 191 mm, Triệu Sơn 183 mm, Tĩnh Gia 180 mm…

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ sáng 16/7, vùng áp thấp trên vùng biển Vịnh Bắc bộ đã mạnh lên thành ATNĐ, trên khu vực phía Nam Vịnh Bắc bộ, cách vùng biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh 120 đến 150 km. Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển chậm theo hướng Tây - Tây Nam, đến 7 giờ ngày 17/7, tâm ATNĐ ngay trên bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8, phạm vi khoảng 50 km tính từ tâm ATNĐ.

Từ ngày 16 đến 19/7, khu vực Thanh Hóa dự báo tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to, nhất là khu vực miền núi, tổng lượng mưa từ 100 đến 200 mm, có nơi trên 250 mm.

Để đối phó với tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra các thiệt hại do chủ quan.

Kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa lũ gây chia cắt dài ngày.

Các huyện miền núi rà soát và chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại những khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công dở dang; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê khi xảy ra sự cố trong mưa bão; thực hiện tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo quy định.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Thường trực BCH PCTT & TKCN tỉnh…

MỘC MIÊN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thanh-hoa-hai-ngu-dan-mat-tich-tren-bien-d76726.html