Thanh Hóa: Gìn giữ 'hồn thiêng' bản mường (Bài 2): Những người 'giữ lửa'

Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh (DTTS) là những giá trị hết sức to lớn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy KT-XH miền núi phát triển. Và các nghệ nhân là những hạt nhân bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa đó tới thế hệ tiếp theo. Bằng sự đam mê, lòng nhiệt huyết, họ mong muốn hồn cốt, tinh hoa văn hóa dân tộc được gìn giữ vẹn nguyên.

Dành cả cuộc đời bảo tồn văn hóa truyền thống

Ông Hà Nam Ninh, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Mường Khoòng - một mường lớn trên địa bàn huyện Bá Thước, có bề dày văn hóa truyền thống. Ngay từ nhỏ ông đã được truyền dạy tiếng Thái và hấp thụ văn hóa bản địa. Ngày ấy, người dân trong bản chỉ có thể nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng Thái nhưng không thể đọc, viết được chữ Thái. Được cha mẹ tạo điều kiện học hành và sự nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập, ông Ninh đã trở thành thầy giáo, rồi thành một cán bộ quản lý giáo dục và Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội. Chính quãng thời gian ấy đã cho ông có cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn về văn hóa và chữ viết của dân tộc Thái. Ông luôn tâm nguyện là làm sao để chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình được bảo tồn, phát huy. Để làm được điều này, ông đã thu thập những tư liệu về các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, bản chữ cổ, phong tục, tập quán của người Thái. Bên cạnh đó, ông còn miệt mài nghiên cứu, biên soạn tài liệu về chữ Thái như: “Bộ chữ thái cổ Thanh Hóa”, “Bộ dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa”, “Tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái”... Sau khi biên soạn thành giáo án, ông Ninh quyết định mở lớp dạy chữ Thái miễn phí tại địa phương cho những người yêu và muốn học chữ Thái.

Nhận thấy những việc làm ý nghĩa của thầy giáo Hà Nam Ninh, năm 2006, Sở Nội Vụ Thanh Hóa, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã cấp chứng chỉ dạy chữ Thái cho ông Hà Nam Ninh. Năm 2007, để tạo tiền đề cho việc thực hiện đề án dạy tiếng Thái trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa mời ông Hà Nam Ninh dạy tiếng Thái cho 13 giáo viên của Trường Đại học Hồng Đức. Hiện, dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn đang tham gia giảng dạy chữ Thái cho sinh viên Khoa Ngôn ngữ - Trường Đại học Hồng Đức. Đồng thời, phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tổ chức dạy chữ Thái cho cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang công tác ở các huyện, các xã vùng cao biên giới. Những học viên tham gia lớp học chữ Thái của ông chỉ sau 20 ngày đã có thể giao tiếp, viết và đọc được chữ của người dân tộc Thái.

Với những thành tích trong công tác và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2015, ông Hà Nam Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú - loại hình tiếng nói, chữ viết tỉnh Thanh Hóa.

Khi nói về Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh, ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: "Dù ở cương vị nào, thầy Hà Nam Ninh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Giờ đây, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng thầy vẫn miệt mài truyền dạy cho thế hệ sau những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nói chung và văn hóa truyền thống dân tộc Thái nói riêng".

Từ nhỏ, tiếng cồng chiêng trong những dịp lễ, hội ngân lên đã khiến Nghệ nhân Quách Văn Thư (sinh năm 1939) ở thôn Đồng Lão, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy xốn xang, bỏ lại công việc rủ chúng bạn đi xem hội. Âm hưởng của tiếng cồng chiêng cùng với nội dung giàu tính nhân văn, cao đẹp của tiếng hát Séc Bùa đã ngấm vào “da thịt” và đến nay trở thành duyên nợ trong suốt cuộc đời ông.

Nghệ nhân Ưu tú Quách Văn Thư, thôn Đồng Lão, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy bên “báu vật” của mình.

Với Nghệ nhân Ưu tú Quách Văn Thư, được sống và biểu diễn cồng chiêng trong các ngày lễ, tết là hạnh phúc lớn nhất. Vì vậy, ông luôn ý thức rất rõ việc nâng tầm giá trị văn hóa cồng chiêng được “sống” thực trong đời sống hiện đại. Vì thế, những năm gần đây mặc dù sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn hăng say truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu biết cách sử dụng thành thạo loại nhạc cụ của dân tộc mình. Tính đến nay, ông đã tham gia truyền bá văn hóa cồng chiêng cho hơn 400 lượt người (bao gồm cả học sinh các trường học và nhân dân trong và ngoài địa bàn), trong đó có 30 người sử dụng thành thạo cồng chiêng.

Giờ đây, ở Cẩm Thủy, tên ông Thư “cồng chiêng” không xa lạ với bất kỳ ai yêu văn hóa truyền thống. Ông đã từng tham gia tập luyện cho nhiều chương trình trình tấu cồng chiêng có tầm quy mô lớn cả ở huyện và biểu diễn tại các ngày lễ trọng đại của huyện, của tỉnh. Đặc biệt, trong Hội diễn Văn hóa văn nghệ các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tại Sầm Sơn năm 2006 ông đã đạt giải A. Với ông, tham gia hội diễn không vì danh hiệu hay tiền bạc mà ông muốn tiếng cồng chiêng của xứ Mường Cẩm Thủy được “vang” xa hơn nữa.

Với những thành tích trong công tác và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2015, ông Quách Văn Thư cũng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú - bộ môn cồng chiêng.

Trên mảnh đất xứ Mường, từ thời “Đẻ đất đẻ nước”, Pôồn Pôông là loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của một số đồng bào DTTS. “Pôồn” có nghĩa là múa, là hát; “Pôông” có nghĩa là bông hoa. Hai chữ ấy ghép lại thành tên của một loại hình vừa hát, vừa múa bên cây bông để cầu cho bản mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, người người hạnh phúc. Với những giá trị văn hóa ấy, năm 2017 trò diễn Pôồn Pôông, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là niềm vinh dự lớn, là niềm tự hào, niềm vui và hạnh phúc của nhân dân xã Cao Ngọc nói riêng, của huyện Ngọc Lặc nói chung. Đạt được những thành tích này là có sự góp công, góp sức của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng ở xã Cao Ngọc.

Nhờ sự chỉ dạy của các nghệ nhân lớn tuổi và niềm đam mê học hỏi, tìm tòi, sáng tạo của bản thân, từ ngày còn nhỏ, bà Tắng đã thuần thục những điệu múa, điệu hát. Dần dà bà trở thành người “giữ lửa” văn hóa, văn nghệ của xã Cao Ngọc nói riêng và huyện Ngọc Lặc nói chung. Trong nhiều năm qua bà Tắng đã truyền dạy lại cho nhiều thế hệ những điệu múa, làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Mường. Cũng nhờ đó, mà những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường được bảo tồn và phát huy.

Năm 2016, bà Phạm Thị Tắng vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Chia sẻ niềm vui này, bà cho biết: “Vinh dự và phấn khởi lắm, danh hiệu là nguồn động viên to lớn đối với những nghệ nhân như chúng tôi. Cả đời đã gắn bó với trò diễn Pôồn Pôông, tôi mong có thật nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho thế hệ con cháu”.

Ông Phạm Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: "Tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Phạm Thị Tắng rất tích cực lặn lội khắp huyện Ngọc Lặc để truyền dạy những điệu múa, điệu hát của dân tộc Mường cho thế hệ trẻ. Không có những người như nghệ nhân Tắng thì những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại sẽ có nguy cơ bị thất truyền".

Và những tâm nguyện

Những người như ông Ninh, ông Thư hay bà Tắng và hàng trăm nghệ nhân khác vùng đồng bào DTTS xứ Thanh đã và đang dành cả cuộc đời mình cho việc gìn giữ và phát huy những “báu vật” truyền thống của ông cha để lại. Nhưng giờ đây tuổi của họ đã cao, sức đã yếu nên các cụ mong rằng thế hệ trẻ sẽ là người thay họ, tiếp tục gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa cho muôn đời sau.

Ông Hà Nam Ninh tâm sự: "Tuổi của tôi cũng sắp về với ông bà tổ tiên, còn sống được ngày nào cũng phải cố đóng góp một phần bé nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, chữ viết của người Thái nói riêng. Nhưng bản thân tôi cũng lo lắng khi hiện nay giới trẻ không còn mặn mà với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì việc gìn giữ và phát huy các giá trị này khó bề mà thực hiện được. Mong rằng cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng, có những giải pháp hữu hiệu để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nói chung và những bản sắc văn hóa của dân tộc Thái nói riêng. Để thất truyền những di sản của ông cha để lại, là mất bản sắc, mất cội nguồn của dân tộc".

Còn Nghệ nhân Ưu tú Quách Văn Thư đang lâm bệnh nặng. Ông chia sẻ: "Được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, bên cạnh niềm vui, tự hào tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình. Nhưng giờ sức đã tàn, lực đã kiệt rồi chỉ biết mong các thế hệ trẻ có ý thức học hỏi, bảo tồn và phát huy những “báu vật” của dân tộc mình".

Cùng tâm nguyện, bà Tắng cho rằng: "Phần nhiều giới trẻ bây giờ đam mê các loại hình giải trí hiện đại, không thích thú với những điệu múa, làn điệu dân ca, hát ru hay các nhạc cụ của dân tộc mình nữa. Đây chính là căn nguyên sâu xa, khiến những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha bị mai một và có nguy cơ bị thất truyền. Mong rằng một ngày gần nhất cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các DTTS tỉnh Thanh cùng chung sức hơn nữa làm cho những văn hóa truyền thống trở lại thời kỳ hưng thịnh như xưa".

Có thể thấy rằng, nghệ nhân ưu tú có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Họ là “linh hồn”, “báu vật sống” trực tiếp lưu giữ, truyền dạy và phát huy sáng tạo giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS xứ Thanh. Để từ đó, các giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một và tiếp tục được cộng đồng trân trọng, giữ gìn. Tuy nhiên, những nghệ nhân, những người am hiểu văn hóa truyền thống không thể “đơn phương, độc mã”, trong khi tuổi của các cụ đã cao, sức đã yếu. Vì vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và ý thức tự giác của người đồng bào các DTTS miền núi Thanh Hóa trong việc bảo tồn và phát huy những “báu vật” của văn hóa nghìn năm.

Xuân Cường

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-gin-giu-%E2%80%9Chon-thieng%E2%80%9D-ban-muong-bai-2--nhung-nguoi-%E2%80%9Cgiu-lua%E2%80%9D-79548