Thanh Hóa: Giám đốc nhà máy thủy điện Trung Sơn lên tiếng về vết sạt trượt

Trước thông tin vì ảnh hưởng của mưa lũ gây sạt trượt đập tràn thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa. Ngày 14/9, ông Vũ Hữu Phúc, Giám đốc Nhà máy thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa đã có cuộc trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật. Tại cuộc trao đổi ông Phúc cho biết, việc sạt trượt lớp phủ đá phong hóa ở mái đào vai phải hồ xói đập tràn thủy điện Trung Sơn không gây ảnh hưởng gì đến đập và Nhà máy thủy điện, thủy điện vẫn hoạt động bình thường. Các đơn vị hữu quan đang liên tục quan trắc khắc phục vết sạt trượt này, nhà máy vẫn vận hành an toàn.

Vào ngày 13/9, thông tin từ UBND huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ gây sạt trượt lớp phủ đá phong hóa mái đào vai phải hồ xói đập tràn thủy điện Trung Sơn.

Vị trí xảy ra vết sạt trượt bên vai phải thủy điện Trung Sơn, Thanh Hóa.

Theo ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, thông tin đập bị sạt nghiêm trọng ảnh hưởng tới việc vận hành hồ chứa, gây mất an toàn là không chính xác. Phía công ty và các chuyên gia đã khảo sát đánh giá tình hình thực tế, đập vẫn an toàn và vận hành bình thường.

Đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang đang dốc sức cùng người dân khắc phục thiệt hại. Người dân cần tỉnh táo trước những thông tin xấu, độc gây hoang mang dư luận, mất an ninh trật tự”, ông Tự cho biết.

Cận cảnh vị trí vết sạt trượt tại thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo số 152/BC-TDTS của Công ty TNHH MTV thủy điện Trung Sơn, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và dải áp thấp hội tụ trên cao, khu vực dự án thủy điện Trung Sơn mưa liên tục từ ngày 15/8 đến ngày 1/9/2018, đặc biệt các ngày 28 đến 31/8 có mưa rất to, cường độ lớn và kéo dài liên tục, cộng với việc phải vận hành tràn xả lũ do lũ rất lớn từ thượng nguồn sông Mã đổ về đã gây sạt trượt lớp phủ đá phong hóa mãnh liệt mái đào vai phải hồ xói đập tràn.

Ông Vũ Hữu Phúc, Giám đốc Nhà máy thủy điện Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa đang trao đổi với PV báo chí.

Trước sự việc trên, trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật ngày 14/9, tại thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa ông Vũ Hữu Phúc, Giám đốc Nhà máy thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, do mưa kéo dài đã gây ra sạt trượt ở vai phải mái đào hồ xói đập tràn từ cao độ 95m lên trên bị sạt trượt vào thời điểm mưa to và lũ lớn ngày 31/8, vị trí vết sạt nằm trên phạm vi vai phải mái đào hồ xói của đập tràn và có xu hướng phát triển lên trên đỉnh mái đào.

Vào sáng ngày 14/9 các chuyên gia và nhiều công nhân của Nhà máy thủy điện Trung Sơn đang tập trung khoan cắt, giảm tải khắc phục vết sạt trượt.

Nguyên nhân gây sạt trượt được xác định là do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và dải áp thấp hội tụ trên cao từ 15/8 đến 1/9, đặc biệt là các ngày từ 28 đến 31/8 có mưa rất to, cường độ lớn và kéo dài liên tục, cộng với việc phải vận hành tràn xả lũ từ thượng nguồn sông Mã đổ về dẫn đến hiện tượng mực nước ngầm dâng cao làm bão hòa cưỡng bức nước trong đất và các chất nhét (đất,...) trong các khe nứt của đá phong hóa làm giảm các chỉ tiêu cơ lý của nền kết hợp với việc xả tràn do lũ lớn từ thượng lưu đổ về dẫn đến bị sạt trượt lớp đất đá phong hóa của vai phải mái đào hố xói đập tràn.

Theo ông Vũ Hữu Phúc, Giám đốc Nhà máy thủy điện Trung Sơn thì vết sạt trượt này không ảnh hưởng gì đến việc vận hành của nhà máy. Tại thời điểm sáng 14/9 vẫn có 4 tổ máy đang hoạt động bình thường.

Sau khi xảy ra sự cố, qua đánh giá của chuyên gia địa chất và tư vấn thiết kế (Công ty cổ phẩn tư vấn xây dựng điện 4), đập thủy điện Trung Sơn là đập bê tông trọng lực, được đặt trên nền đá gốc cứng chắc, nên hiện trạng đập thực tế hiện nay an toàn và vận hành bình thường. Về lâu dài, sẽ rà soát và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp cho toàn bộ khu vực hạ lưu vai phải, vai trái, ông Phúc cho biết.

Tại đập thủy điện Trung Sơn bên vai phải của thủy điện ngày 14/9 hàng chục chuyên gia, công nhân của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn đang tập chung quan trắc vết sạt trượt và quan trắc đập, tiến hành khoan cắt, đào dỡ tải ở phía trên thành đập thủy điện, đồng thời tiến hành khoan các mỏ neo, gia cố theo phương án xử lý của đơn vị tư vấn thiết kế, để vết sạt không phát triển thêm và đảm bảo giao thông bên vai phải đập, các giải pháp xử lý được đưa ra là: Bổ sung neo gia cố phạm vi từ vết sạt đến chân đập; đào, giảm tải một phần phần mái đào trên cao.

Giải pháp lâu dài sẽ thực hiện tư vấn thiết kế rà soát và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp cho toàn bộ khu vực hạ lưu vai phải, hạ lưu vai trái để đảm bảo an toàn vận hành lâu dài.

Cũng theo ông Phúc cho biết, việc xả lũ của Thủy điện Trung Sơn trong đợt mưa vừa qua là anh em của đơn vị đã tính toán rất kỹ việc cắt lũ sao cho không gây thiệt hại nhiều cho người và tài sản cho phía hạ du nhưng do mưa lớn, nước về nhiều, anh em cũng phải căng mình tính toán một cách khoa học nhất nhưng cũng không tránh khỏi thiệt hại vì mưa nhiều, ông Phúc chia sẻ.

Được biết, Nhà máy thủy điện Trung Sơn có công suất 260 MW, bao gồm 4 tổ máy sản xuất 1.018,61 triệu kWh. Dự án khởi công năm 2012 với tổng mức đầu tư 410,68 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) là 330 triệu USD, vốn đối ứng của EVN 80,68 triệu USD. Nhà máy có dung tích hơn 300 triệu m3, bắt đầu tích nước từ tháng 12/2016, vận hành tổ máy đầu tiên vào tháng 2/2017, đến nay cả 4 tổ máy đều đã vận hành.

Duy Duẩn

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/thanh-hoa-giam-doc-nha-may-thuy-dien-trung-son-len-tieng-ve-vet-sat-truot-106451