Thanh Hóa: Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn

Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được thống kê, phân loại xếp hạng. Hiện toàn tỉnh có 4 di tích quốc gia đặc biệt (trong đó Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới) và 145 di tích cấp quốc gia, 673 được đăng ký bảo vệ cấp tỉnh.

Những năm qua ngoài đầu tư kinh phí của Trung ương, của tỉnh và huy động xã hội hóa làm diện mạo nhiều di tích khang trang, thu hút khách hành hương thăm viếng. Song, việc tu bổ, tôn tạo và quản lý nguồn vốn đầu tư vẫn còn bất cập, hạn chế cần được ngành chủ quản, chính quyền các địa phương quan tâm trong thời gian tới.

Cầu Hàm Rồng - cây cầu huyền thoại của xứ Thanh.

Cầu Hàm Rồng - cây cầu huyền thoại của xứ Thanh.

Xứ Thanh là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước suốt mấy ngàn năm, đây luôn được xem là vùng đất “căn bản”, “phên dậu” của đất nước. Vùng quê “địa linh nhân kiệt” này là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam như Tiền Lê, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn. Vùng đất thiêng này đã sinh ra nhiều vị vua, chúa, anh hùng dân tộc nổi tiếng như Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm... các danh nhân văn hóa như Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ, Tống Duy Tân... tôn vinh công lao, sự nghiệp lừng lẫy của các bậc tiền nhân, các triều đại phong kiến đã ban nhiều sắc phong cho người dân địa phương lập các đền, miếu, phủ... thờ phụng. Trải qua chiến tranh binh lửa, những biến cố, thăng trầm của lịch sử trong hàng ngàn năm chống giặc phương Bắc, trong chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước cộng với thời tiết khắc nghiệt ở vùng nắng lắm, mưa nhiều, do nhận thức chưa toàn diện nên nhiều di tích bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng...

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh Bảo tồn cổ tích (di tích). Khi đất nước hòa bình thống nhất, năm 1984 Chủ tịch Hội đồng nhà nước ban hành Pháp lệnh số 14 về “Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh”. Năm 2001 Chủ tịch nước công bố Luật Di sản văn hóa. Năm 2002 Chính phủ ban hành Nghị định 92/CP qui định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa. Bộ VHTT (nay là Bộ VH,TT&DL) ban hành nhiều chỉ thị, quyết định về bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh giúp các địa phương trong toàn quốc nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về di tích.

Xác định rõ tầm quan trọng của di tích trong phát triển văn hóa nói riêng và phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, nhiều năm qua lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Sở VHTT (nay là Sở VH,TT&DL) về bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn.

Những năm qua, Sở VH,TT&DL luôn chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước về di tích. Căn cứ điều kiện thực tiễn bộ máy quản lý nhà nước, chỉ đạo nghiệp vụ ở cơ quan sở, các đơn vị sự nghiệp từng bước được kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ. Đến nay ở cơ quan sở có phòng Quản lý di sản văn hóa, các đơn vị sự nghiệp có Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh. Ở các huyện có cán bộ theo dõi mảng bảo tồn di sản văn hóa. Các di tích công nhận cấp quốc gia trên địa bàn huyện, thị, thành phố đều thành lập ban quản lý di tích do Phó Chủ tịch UBND phụ trách khối văn xã làm trưởng ban, thành viên là các ngành chức năng, đại diện chính quyền nơi có di tích. Vì vậy công tác quản lý, bảo tồn và phát huy tác dụng di tích từ tỉnh đến huyện, thị, xã phường từng bước thực hiện qui củ, nền nếp theo qui định của pháp luật.

So với các tỉnh, thành trong toàn quốc, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng di tích lớn, đầy đủ các loại hình lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nhưng phần lớn di tích tập trung ở các huyện đồng bằng và ven biển. Mật độ di tích dày đặc chỉ khoảng 2 km2/1 di tích, nhất là ở TP.Thanh Hóa, Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Đông Sơn, Quảng Xương... là một tỉnh nghèo, với số lượng di tích đồ sộ mà đa phần đã xuống cấp nghiêm trọng nên ngoài kinh phí Trung ương, số lượng tỉnh dành tu bổ, tôn tạo mỗi năm khoảng vài tỷ đồng là quá khiêm tốn, những năm qua trung bình mỗi năm tỉnh chỉ xếp hạng khoảng 20 di tích và tu bổ, tôn tạo những di tích cách mạng hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhằm thống nhất công tác quản lý di tích trên địa bàn, năm 1996 Sở VHTT đã tham mưu trình tỉnh ban hành Quyết định 1692 “Về quản lý, bảo vệ, sử dụng, khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng và lễ hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ VHTT về thực hiện Luật Di sản văn hóa, xã hội hóa hoạt động văn hóa Sở VHTT (Sở VH,TT&DL) tiếp tục trình tỉnh ban hành các quyết định về quản lý, bảo tồn, phát huy tác dụng di tích, danh thắng. Sở đã công khai qui trình, thủ tục lập hồ sơ xếp hạng, tu bổ, tôn tạo di tích để các ngành, các cấp, nhân dân biết, giám sát, kiểm tra trong chỉ đạo thực hiện. Phần lớn các hồ sơ xếp hạng cũng như tu bổ, tôn tạo di tích thời gian qua đều đảm bảo tính chính xác về tư liệu lịch sử, độ tin cậy khoa học qua các khâu thẩm định. Bởi vậy phần lớn những di tích được xếp hạng tu bổ, tôn tạo trong thời gian qua không bị méo mó, biến dạng. Hàng năm Sở VH,TT&DL tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ở các phòng VHTT huyện, thị, cán bộ văn hóa, thủ từ các di tích ở xã, phường về công tác bảo tồn, phát huy tác dụng di tích. Nhờ đó việc xâm hại, lấn chiếm di tích hoạt động mê tín dị đoan trong di tích được ngăn chặn kịp thời. Sở VH,TT&DL cũng tổ chức các đoàn trao đổi nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn, các huyện, thị trong tỉnh để các địa phương có di tích tìm ra cách làm phù hợp với địa phương mình. Nhờ sự chủ động, năng động, sáng tạo của ngành VH,TT&DL, cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo tồn, khai thác và kêu gọi xã hội hóa của doanh nghiệp, nhà hảo tâm nên nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo khang trang thu hút khách hành hương thăm viếng tấp nập nhất là dịp lễ hội. Điển hình là di tích Lam Kinh, đền thờ Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, đền thờ Mai An Tiêm, Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, đền Độc Cước, đền Sòng Sơn, đền Hàn Sơn... Ngoài đầu tư kinh phí của Trung ương cho các di tích quốc gia, tỉnh đã huy động nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích mỗi năm hàng dăm tỷ đồng. Điển hình là Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cung tiến công trình Nghi môn ở Lam Kinh, đường vào di tích Lê Lai ở Ngọc Lặc. Các di tích đền Sòng Sơn, Chín Giếng ( Bỉm Sơn), Hàn Sơn, Cô Bơ (Hà Trung), Tường Vân, Du Anh (Vĩnh Lộc), Cửa Đặt (Thường Xuân), Phủ Na (Như Thanh), đền thờ Trần Nhật Duật, Hoàng Bùi Hoàn (Quảng Xương) trị giá mỗi công trình vài tỷ đồng đầu tư nguồn xã hội hóa.

Việc tổ chức các lễ hội tại di tích dần đi vào qui củ nền nếp. Các địa phương tổ chức lễ hội đều thành lập ban tổ chức có đầy đủ các cơ quan chức năng. Ban tổ chức lễ hội luôn quan tâm khôi phục những thuần phong mỹ tục, loại bỏ những tập tục lạc hậu, ngăn chặn hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh. Những hoạt động đa dạng phong phú trên đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân góp phần tạo dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh. Thông qua lễ hội góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự tôn, tự hào với quê hương, xứ sở.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, công tác bảo tồn và phát huy tác dụng di tích vẫn còn những bất cập, hạn chế. Một số phòng VHTT huyện, thị chưa có cán bộ theo dõi mảng di tích hoặc không được đào tạo chuyên ngành. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, thị chưa sâu sát, thường xuyên nên xảy ra vi phạm như có nơi tự tháo dỡ, tu bổ, tôn tạo di tích nhưng chưa được phép cơ quan có thẩm quyền. Chất liệu, vật liệu tu bổ, tôn tạo di tích hoàn toàn mới, xa lạ với kiến trúc nguyên gốc, làm méo mó biến dạng di tích tạo bức xúc trong dư luận. Một số nơi còn khoán trắng đi tích cho tư nhân, nên hiện tượng chặn xe thu tiền, hành xử thiếu văn hóa, đồng bóng, bói toán, chèo kéo khách gây bức xúc cho khách hành hương. Một số công trình phụ trợ xây dựng bề thế hơn cả di tích gốc, hoặc các quầy dịch vụ chắn hết di tích tạo phản cảm. Vệ sinh môi trường, trật tự trị an ở một số di tích chưa bảo đảm làm khách hành hương không an tâm.

Bảo tồn và phát huy tác dụng di tích theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm là một hướng đi đúng cần được duy trì và phát huy trong thời gian tới. Song, ngành chủ quản, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh quản lý nhà nước trong tu bổ, tôn tạo, tổ chức lễ hội trên địa bàn. Để hoạt động di tích của tỉnh đi vào qui củ, nền nếp trước hết cần tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên Luật Di sản văn hóa, các văn bản pháp luật, qui phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, của tỉnh để mọi cấp, mọi ngành, người dân hiểu thực hiện nghiêm các quy định về bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích. Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động chuyên môn của cán bộ làm công tác di tích... Tổ chức tập huấn hàng năm cho cán bộ làm di tích ở các huyện, các thủ từ, thủ đền. Tiếp tục xây dựng, bổ sung hoàn thiện các chính sách, qui chế, qui định cụ thể qui trình xếp hạng di tích, tu bổ, tôn tạo, bảo quản hiện vật, hoạt động tín ngưỡng lễ hội, dịch vụ tại di tích. Đảm bảo điều kiện khách hành hương thuận lợi khi thăm viếng di tích, được hòa đồng trong môi trường ứng xử văn minh cảnh quan đẹp. Phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các ngành VH,TT&DL, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng... và chính quyền các địa phương trong qui hoạch, tu bổ, tôn tạo di tích. Với các di tích trong điểm chọn lựa các đơn vị đủ năng lực tài chính, chuyên môn để tránh tình trạng kéo dài trong tu bổ, tôn tạo. Những di tích nhỏ lẻ ở địa phương cần đẩy mạnh kêu gọi hảo tâm, công đức của tập thể, cá nhân thực hiện xã hội hóa nhưng có sự quản lý, giám sát chặt chẽ qui trình hồ sơ, thủ tục tu bổ, tôn tạo cũng như phát huy tác dụng di tích. Làm tốt được những điều nêu trên sẽ làm diện mạo các di tích trên địa bàn tỉnh ta ngày càng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong xu thế hội nhập và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ thời kỳ CNH, HĐH.

Phạm Minh Trị

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-giai-phap-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-danh-thang-tren-dia-ban-61139