Thanh Hóa: Giải pháp bảo tồn, khai thác lễ hội - loại hình văn hóa dân gian đặc biệt

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII xác định du lịch là một trong năm chương trình phát triển KT-XH trọng tâm của tỉnh. Xứ Thanh là vùng đất cổ, có bề dày về lịch sử, văn hóa, vùng quê 'địa linh nhân kiệt', nơi sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các triều đại phong kiến Việt Nam: Tiền Lê, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn. Vùng đất này cũng lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng trong đó có lễ hội truyền thống và loại hình văn hóa dân gian đặc sắc. Song, việc kết hợp trong công tác bảo tồn, khai thác giá trị của lễ hội tiêu biểu và loại hình văn hóa dân gian đặc sắc thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế.

Xứ Thanh, một vùng lễ hội và văn hóa dân gian phong phú và đa dạng

Xứ Thanh là vùng nối giữa Bắc Bộ và Trung Bộ trên dải đất hình chữ S, từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất rộng, người đông. Suốt chiều dài văn hiến mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc, xứ Thanh luôn được xem là đất “căn bản”, “phên dậu”, “thang mộc” của đất nước. Vùng đất này cũng được tạo hóa ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên đa dạng, kỳ thú với đầy đủ các vùng miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển. Đây cũng là vùng đất sinh sống, làm ăn của 7 tộc người chủ yếu là Kinh, Mường, Thái, Dao, Thổ, Mông, Khơ Mú. Sống trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng nực về mùa hè, lạnh giá về mùa đông, hứng chịu thiên tai như bão, dông, lũ lụt... nên con người nơi đây phải vật lộn, đấu tranh với thiên nhiên để gây dựng cuộc sống. Bởi vậy nét tính cách đặc trưng của người xứ Thanh là sự mạnh mẽ, khảng khái, trung thực, coi thường hiểm nguy, song người tỉnh Thanh cũng rất mộc mạc, cởi mở, chân thành, sống nhân hậu, tình nghĩa, thủy chung.

Với thế núi, hình sông kỳ vĩ, hội tụ linh khí của trời đất đã chung đúc nên những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như hang Từ Thức (Nga Sơn), động Hồ Công, Kim Sơn, Tiên Sơn (Vĩnh Lộc), động Long Quang, Tiên Sơn (TP.Thanh Hóa), động Trường Lâm (Tĩnh Gia), hòn Trống Mái, núi Trường Lệ (Sầm Sơn), động Bo Cúng (Quan Sơn), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)... với nhiều huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích, giai thoại làm đắm say lòng người qua nhiều thế kỷ.

Cư trú, làm ăn trên vùng đất này ngay từ buổi bình minh của lịch sử nhận thức, hiểu biết của con người về tự nhiên còn rất hạn chế. Gánh chịu những thảm họa của mưa lũ, bão dông thành quả lao động làm ra bị mất sạch, cuộc sống trở nên cùng cực, khốn quẫn. Với tư duy thuần phác những nghi lễ của người dân cầu mong cho mưa thuận gió hòa, việc cấy hái, gieo trồng, săn bắt muông thú, đánh bắt cá, tôm được thuận lợi đã diễn ra ở các tộc người ở cả vùng núi, trung du, đồng bằng, ven biển. Qua tiến trình lịch sử những nghi lễ đã dần thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm, lối sống của mỗi tộc người. Quá trình tổ chức nghi lễ đó con người dần gắn kết, sẻ chia tương trợ, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, làm ăn đời thường cũng như lúc hoạn nạn, thiên tai. Sự ứng xử, giao lưu đó dần hình thành nên nếp sinh hoạt văn hóa trong nghi lễ cúng thần: Thiên, địa, rừng núi, sông biển... Qua thời gian lễ hội dân gian, tín ngưỡng tôn giáo được định hình và lưu truyền trong cộng đồng. Do đặc điểm địa hình cư trú, phương thức canh tác, kỹ thuật lao động sản xuất khác nhau nên lễ hội ở từng vùng miền, tộc người có những sắc thái riêng biệt song cũng có những nét tương đồng. Các lễ hội ở Thanh Hóa thường được tổ chức vào dịp xuân, thu nhị kỳ là những thời gian nghề nông, nghề biển thường rảnh rỗi. Người Mường tổ chức lễ hội pôồn pôông vào mùa hoa bông trăng nở. Người Thái có lễ hội kin chiêng boóc mạy, lễ hội cầu mưa ở Mường Ký (Bá Thước). Người Thổ có lễ hội đâm trâu tế trời. Người Kinh có lễ hội cầu ngư ở vùng biển Hậu Lộc, Sầm Sơn. Ngoài các lễ hội cầu mùa nêu trên còn có các lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc, tri ân, tôn vinh tiên tổ như lễ hội đền thờ Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, đền Đồng Cổ, đền thờ Mai An Tiêm, đền thờ Quang Trung, lễ hội Lam Kinh, lễ hội mường Ca Da, Mường Khô, Mường Xia, Mường Đòn... Lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo cũng được tổ chức ở nhiều vùng, miền như lễ hội đền Sòng Sơn, đền Hàn Sơn, đền Độc Cước, Phủ Na, chùa Vồm, Cửa Đặt... Các lễ hội mang đậm hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội làng Xuân Phả (Thọ Xuân), lễ hội bánh chưng, bánh giầy, lễ hội đền Bà Triều (Sầm Sơn), lễ hội nghè Sâm, làng Cổ Bôn ( Đông Sơn) thể hiện sắc thái văn hóa vùng miền khá rõ. Các hoạt động lễ hội truyền thống tiêu biểu trên đã huy động được sức mạnh, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng trong hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, bảo tồn các giá trị đặc sắc của dân tộc, vùng miền. Với một số lễ hội đã nêu trong tổng số 2.776 lễ hội trên địa bàn tỉnh đã được thống kê cho thấy xứ Thanh là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống phong phú, đa dạng.

Lễ hội khai hạ tại khu vực suối cá thần Cẩm Lương.

Văn minh của xứ Thanh xuất hiện khá sớm từ buổi bình minh của lịch sử từ đá cũ sang đá mới, đồ đồng, đồ sắt. Những di chỉ khảo cổ học được phát hiện ở núi Đọ (Thiệu Hóa), hang Con Moong (Thạch Thành), mái Đá Điều (Bá Thước), Đông Sơn (TP. Thanh Hóa), Hoa Lộc (Hậu Lộc)... qua các đợt khai quật khảo cổ học thế kỷ XX là minh chứng hùng hồn cho bàn tay khéo léo, tài hoa của người lao động xứ Thanh suốt dặm dài lịch sử. Trong đó nổi bật là trống đồng Đông Sơn biểu tượng của văn minh Đông Sơn thuở các vua Hùng dựng nước đã được nhân loại khẳng định, ghi nhận được phát hiện đầu tiên ở Thanh Hóa. Ngoài kỹ thuật đúc đồng nổi tiếng Thanh Hóa còn có nghề chế tác đá ở Đông Sơn, Vĩnh Lộc... Nghề mộc ở Đạt Tài (Hoằng Hóa), nghề gốm, sành, sứ ở Đông Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, nghề rèn ở Hậu Lộc và các huyện miền núi, nghề dệt nhiễu ở Hồng Đô (Thiệu Hóa), chiếu cói ở Nga Sơn, Quảng Xương, đan lát ở Quảng Xương, Hoằng Hóa... thêu thùa trên khăn, váy áo, chăn, gối... của đồng bào thiểu số là minh chứng sáng tạo, khéo léo, tinh tế, tài hoa của người lao động.

Đi khắp các thôn, làng, bản, chòm... ở mọi vùng, miền tỉnh Thanh chúng ta đều nghe nhiều truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích, chiến công lịch sử của những con người đã khai phá dựng xây nên bản, nên làng. Những câu chuyện, nhân vật luôn đấu tranh vượt mọi gian lao, vất vả, hiểm nguy để bảo vệ cuộc sống. Ở đó luôn toát lên niềm tin khát vọng lạc quan của con người trong công cuộc lao động sản xuất cũng như đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Những hình tượng kỳ vĩ về sức mạnh phi thường của những ông khổng lồ cõng đá, quảy núi, đào sông hay thần Độc Cước tự xẻ thân mình làm đôi nửa để bảo vệ người dân ven bờ sản xuất nông nghiệp, nửa để bảo vệ người dân đánh bắt trên biển là niềm tin, khát vọng của người dân trong chinh phục, cải tạo tự nhiên. Qua câu chuyện này cũng góp phần khẳng định người xứ Thanh sớm biết trồng lúa nước và phát triển ngư nghiệp.

Do thời tiết nắng lắm mưa nhiều, địa hình dốc, sông suối chảy xiết nên người dân phải dồn sức đắp đê bảo vệ mùa màng... Những câu tục ngữ phương ngôn, bài ca dao, dân ca đúc rút kinh nghiệm thời tiết, làm ăn, sản xuất được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Câu hò trên sông, trên biển của người lao động phản ánh nỗi vất vả, nhọc nhằn nhưng vẫn tràn đầy khí thế lạc quan, thấm đẫm men say của mối tình sông nước.. Sinh hoạt văn hóa dân gian ở từng tộc người có nét riêng biệt nhưng cũng có nhiều nét tương đồng. Tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong những lúc chèo thuyền vượt cạn, vượt qua thác ghềnh, vượt sóng dữ đánh bắt ngoài khơi, trong lộng hoặc cày bừa, gieo cấy, gặt hái trong ngày mùa thể hiện đậm nét qua các bài ca dao, dân ca ở nhiều vùng miền. Dân ca Đông Anh bên loạt bài mô tả sự lao động cần cù, vất vả của người dân trong thời vụ qua các bài “Vãi mạ”, “Đi cấy”, lại xen lẫn nét tươi tắn, trẻ trung, ý nhị của tình yêu đôi lứa không cam chịu lễ giáo trật tự phong kiến qua “Cửa đóng mà then không cài”.

Hệ thống trò chơi, trò diễn của xứ Thanh ra đời từ rất sớm và hoàn thiện đạt tới trình độ cao của người Kinh như trò Xuân Phả (Thọ Xuân), Ngũ trò Bôn, Viên Khê (Đông Sơn), trò Chiềng, trò Chụt (Yên Định), múa đèn, chạy chữ ở Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa. Chèo chải, tế nữ quan, chơi bài điếm, nấu cơm thi, bắt chạch trong chum... được tổ chức ở nhiều vùng miền trong dịp hội làng và lễ hội đầu xuân. Các dân tộc thiểu số cũng có nhiều trò diễn, trò chơi, dân ca, dân vũ phong phú như người Mường có pôồn pôông, xường, rang, sắc bùa, hát ru. Người Thái có cá sa, khua luống, khắp, kin chiêng boóc mạy. Người Dao có múa chuông, múa bắt rùa...

Hệ thống kho tàng văn học dân gian xứ Thanh khá đồ sộ được lưu giữ ở tất cả vùng miền, tộc người từ những thuở hồng hoang. Sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” hơn 2 vạn câu của người Mường phản ánh chân thật quan niệm về nguồn gốc phát triển loài người, quá trình đấu tranh chinh phục, cải tạo thiên nhiên, gây dựng cuộc sống chống kẻ thù xâm lược. Các truyện thơ Út Lót, đạo Hồi Liêu Nàng Nga - Hai Mối của người Mường, Ú Thêm, Khăm Panh của người Thái, truyện Phương Hoa của người Kinh... là những bản tình ca phản ánh tình yêu lứa đôi, khát vọng của người lao động chống những lễ giáo ràng buộc của chế độ cũ.

Tiếng cười dân gian hóm hỉnh, thông minh, lúc thì khôi hài, trào phúng, lúc chế giễu, đả kích sâu cay trong Trạng Quỳnh, Xiển Bột phê phán thói hư, tật xấu trong sinh hoạt, ứng xử hoặc sự tham lam, tàn ác của lũ quan tham. Có chuyện người lương thiện có thể bị hại, nhưng niềm tin, ý chí đấu tranh chống cái ác, vươn tới cái thiện không bao giờ bị dập tắt.

Những loại hình văn hóa dân gian đặc sắc nêu trên đã góp phần bồi dưỡng vun đắp tình yêu, khát vọng lạc quan của người lao động tạo sự gắn kết bền chặt trong cố kết cộng đồng xứ Thanh suốt tiến trình lịch sử hàng mấy ngàn năm trên quê hương, xứ sở.

(còn nữa)

Phạm Minh Trị |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-giai-phap-bao-ton-khai-thac-le-hoi--loai-hinh-van-hoa-dan-gian-dac-biet-60423