Thanh Hóa gia tăng bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang

Những ngày qua, số người đến khám tại các bệnh viện do bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang tại Thanh Hóa tăng đột biến. Nguyên nhân do đang là thời điểm giao mùa, kiến ba khoang sinh sôi, phát triển nhiều.

Bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa.

Tại Bệnh viện Da Liễu Thanh Hóa, chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay đã khám và điều trị cho hơn 200 lượt bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang. Tính từ đầu tháng 9-2020 đến ngày 9-10 con số này là hơn 500 lượt bệnh nhân. Trong khi đó, 8 tháng năm 2020, chỉ có vài chục lượt bệnh nhân đến khám do tiếp xúc kiến ba khoang.

Đa số các bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám khi các tổn thương lan rộng, chảy nước, đau nhức… sau khi đã tự điều trị mà không đỡ. Nhiều trường hợp còn nhầm lẫn với zona thần kinh, sử dụng các loại lá cây, hạt đậu xanh… để đắp lên vết thương, dẫn đến tổn thương tăng nặng hơn và lan ra các vị trí khác.

Là một trong những bệnh nhân nặng bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn 2, Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) chia sẻ: Ban đầu không biết mình đã tiếp xúc với kiến ba khoang, trên tay có 1 vết đỏ như muỗi đốt và có những dấu hiệu ngứa, nổi vết mẩn đỏ, tổn thương da, tôi ra hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc về bôi và uống. Từ vài nốt nhỏ trên bắp tay, sau 3 ngày tổn thương đã lan rộng ra khắp 2 cánh tay, cổ, vai, 2 bên bắp chân. Sau khi uống thuốc và bôi không đỡ, vết thương nổi rộp ngày càng lan rộng, bỏng rát, tôi đến khám tại Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa và được các bác sĩ chẩn đoán là bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, các vết thương đã đóng vẩy, không còn đau rát như mấy hôm trước.

Bác sĩ CK1 Phan Thị Loan, Trưởng khoa điều trị I, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa cho biết: Những bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang phải nằm điều trị tại khoa đều là những bệnh nhân nặng, thường đến viện sau 3 đến 4 ngày tự điều trị tại nhà không khỏi do nhầm lẫn với bệnh zona thần kinh; nhiều trường hợp nhập viện bị viêm da nặng, tổn thương lan nhanh, nóng rát, xuất hiện mụn mủ màu vàng, trên nền da sưng tấy, mẩn đỏ, gây khó chịu cho người bệnh. Việc điều trị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang không khó nhưng nếu điều trị không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát, lở loét, để lại vết thâm và sẹo xấu gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cho người bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm, có độc tố mạnh. Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin. Khi bị kiến đốt sẽ gây ra các tổn thương thành đường hay vệt đỏ, có thể phù nề nhẹ, có mụn nước, mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng, có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.

Để đề phòng kiến ba khoang bay vào nhà, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên dọn dẹp phòng ở gọn gàng, ngăn nắp. Hạn chế mở cửa sổ ban công vào buổi tối. Trước khi đi ngủ phải mắc màn, làm sạch giường chiếu, chăn màn. Kiểm tra khăn mặt và đồ dùng trước khi tắm, mặc. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng.

Nếu trường hợp phát hiện kiến ba khoang bò trên người không được dùng tay đập, giết hoặc chà xát kiến mà chỉ nên thổi nhẹ. Nếu có tiếp xúc kiến ba khoang thì nên rửa sạch ngay chỗ tiếp xúc, tránh lấy tay chạm vào những vùng da khác có thể gây dị ứng. Khi thấy có tổn thương ở da như đám da màu đỏ, hình dài như vết cào, vết xước… nên đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý thích hợp.

Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/thanh-hoa-gia-tang-benh-nhan-bi-viem-da-do-tiep-xuc-voi-kien-ba-khoang/125494.htm