Thanh Hóa: Giá dứa xuống thấp kỷ lục, người trồng lâm cảnh nợ nần

Thời gian gần đây, nhiều vụ liên tục giá dứa gai xuống thấp kỷ lục tại các địa phương của tỉnh Thanh Hóa khiến người trồng điêu đứng, lâm cảnh nợ nần.

Dứa chín vàng đồi… thương lái mua chậm

Dọc các quả đồi dứa gai đã chín vàng ươm như mật của xã Hà Long (huyện Hà Trung), thủ phủ trồng dứa gai của tỉnh Thanh Hóa, người dân đang tấp nập vào vụ thu hoạch. Theo phản ánh của người trồng dứa, đây là vụ thứ 3 liên tục giá dứa giảm xuống thấp kỷ lục như vậy, thậm chí thương lái thu mua cầm chừng khiến người dân lao đao.

Đây là vụ thứ 3 liên tiếp dứa gai có giá thấp kỷ lục khiến người trồng như ngồi trên đống lửa

Đây là vụ thứ 3 liên tiếp dứa gai có giá thấp kỷ lục khiến người trồng như ngồi trên đống lửa

Được biết, những năm trước giá dứa ổn định ở mức 5.000 đồng- 6.000 đồng/kg, nhưng 3 vụ liên tiếp gần đây, giá dứa chỉ ở mức 1.300 đồng/kg, quả nào to, đẹp thì giá nhỉnh hơn từ 2.300 đồng - 2.600 đồng/kg. Một số người dân vay tiền để đầu tư trồng dứa đang có nguy cơ vỡ nợ khi giá bán dứa không đủ tiền vốn.

Cả xã Hà Long có 650 ha diện tích trồng dứa gai, đây là loại cây từng được xem là cứu cánh của nông dân giúp họ đổi đời thì giờ cũng chính cây dứa gai lại đang khiến người nông dân điêu đứng. Giá dứa liên tục không ổn định, mới ngay từ đầu vụ 2019, giá đã xuống thấp kỷ lục, khiến cây dứa trở nên khó tiêu thụ hơn bao giờ hết.

Bà Trần Thị Mây, thôn Đồng Hậu, xã Hà Long cho biết, để trồng 1ha dứa thì chi phí đầu tư là 150 triệu đồng, nếu bán dứa với giá dao đồng từ 1.300 đồng/kg dứa loại 2 và 2.600 đồng/kg dứa đẹp thì tổng số tiền thu về chỉ được 80 triệu đồng, trừ chi phí giống, công chăm sóc thì cũng chỉ còn được 70 triệu đồng.

Đang vào mùa thu hoạch mà khuôn mặt người nông dân xã Hà Long ai cũng buồn rười rượi, “Đây là vụ thứ 3 liên tiếp gia đình tôi phải bù lỗ vào ruộng rứa, mỗi vụ lỗ ít gần 60 triệu. Đất ở đây, không trồng dứa thì cũng không biết chuyển sang trồng cây gì được, nếu cứ tình trạng giá thấp thế này gia đình tôi cắm sổ đỏ cũng không đủ trả nợ”, bà Mây buồn bã nói.

Giá dứa thấp, thương lái chê vì bán chậm, khó bán do lượng tiêu thụ dứa giảm mạnh

Đứng nhìn ruộng dứa chín rộ, bà Mai Thị Tuyết ứa nước mắt nói: “Với 1ha dứa cho thu khoạch khoảng 40 tấn dứa, đầu tư hơn 140 triệu đồng những từ đầu vụ đến nay thương lái thu mua rất ít, gia đình tôi mới chỉ bán được khoảng 20 triệu đồng, còn lại đang nằm hết ở ngoài ruộng. Dứa không bán được, chồi rứa cũng không ai mua, gia đình tôi vay lãi ngân hàng, không biết lấy gì để trả nợ”.

Theo anh Trần Thế Năng, một thương lái ở tỉnh Hà Nam, mỗi ngày anh bán ra thị trường 3 tấn dứa, năm nay thị trường dứa gai bán rất chậm nên anh chỉ nhập dứa đẹp với giá từ 2.500-2.600 đồng/kg, còn dứa nhỏ chỉ mua vào với giá 1.300 đồng/kg. Thêm vào đó, trong vòng 1 năm qua, số hộ dân trồng dứa ngày càng tăng nên các tiêu thương có thêm nhiều lựa chọn khi chọn mua các loại dứa.

Người trồng dứa chỉ mong giá dứa bình ổn để yên tâm sản xuất, không bị lỗ nặng như bây giờ

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, giá dứa gai đã xuống thấp dưới 3.000 đồng/kg, điều này đã làm hơn 500 hộ dân trồng dứa trên địa bàn bị giảm nguồn thu bởi người dân khi đầu tư 1 ha dứa phải mất ít nhất hơn 100 triệu. Nếu bán dứa 3.000 đồng/kg thì không có lãi, còn nếu bán thấp hơn thì sẽ lỗ vốn, hiện xã đang phối hợp với các cấp trên để tìm giải pháp giúp người dân tiêu thụ được dứa trong thời gian tới.

Loay hoay tìm giải pháp bình ổn giá dứa gai

Theo thống kê của UBND huyện Hà Trung, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, cây dứa được quy hoạch vùng phát triển trong diện tích 250-300 ha. Tuy nhiên, do dứa gai là cây trồng có năng suất cao nên những năm gần đây, người dân trồng gấp đôi diện tích vùng trồng dứa đã quy hoạch, dẫn đến cung vượt quá cầu, giá dứa bị đẩy xuống thấp. Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Hà Trung đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các xã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân trồng dứa.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Hà Trung cho biết, huyện đã đề nghị các doanh nghiệp, thương lái đang có mối quan hệ làm ăn với xã Hà Long lâu nay tập trung thu mua dứa giúp bà con. Đồng thời, vận động bà con phải phân kỳ và trồng rải vụ, xử lý chín theo từng đợt, mỗi đợt xuống giống cách nhau 2 tháng, không trồng ồ ạt làm giá dứa xuống thấp.

Nếu không có những biện pháp cụ thể được đưa ra thì người chịu thiệt thòi vẫn là nông dân

Ngoài ra, huyện Hà Trung cũng đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến dứa, nếu được các cấp trên chấp thuận địa điểm đầu tư, doanh nghiệp này có thể sẽ xây dựng nhà máy dứa tại xã Hà Long; qua đó giải quyết được vấn đề tiêu thụ dứa cho nhân dân, ổn định vùng nguyên liệu.

Đáng buồn, là không chỉ huyện Hà Trung mà nhiều địa phương khác như Thạch Thành, Yên Định và thị xã Bỉm Sơn người trồng dứa cũng đang gặp nhiều khó khăn do giá xuống thấp.

Đây là vụ thứ 3 liên tiếp nông dân phải chịu lỗ vì giá nông sản bấp bênh, đặc biệt, cuối năm 2018, giá dứa thấp kỷ lục khiến nhiều hộ dân phải vứt bỏ hơn nửa diện tích vì bán không đủ tiền công thu hoạch. Những nổ lực giúp người dân giamr bớt thiệt hại của huyện Hà Trung là đáng khen nhưng như vậy vẫn chưa đủ, bởi giá dứa gai vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và lái buôn, nếu dứa không bán được người dân vẫn là người thiệt hại đầu tiên.

Kim Oanh

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Giá dứa xuống thấp kỷ lục, người trồng lâm cảnh nợ nần tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thanh-hoa-gia-dua-xuong-thap-ky-luc-nguoi-trong-lam-canh-no-nan-147827.html