Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành chính quyền về tay nhân dân

Mang theo niềm hứng khởi, tự hào, tôi lại tìm về xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), nơi 'nhóm lên ngọn lửa cách mạng' trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, Tháng Tám năm 1945. Trong vóc dáng của công cuộc hiện đại hóa nông thôn, xã Hoằng Thắng hôm nay hiển hiện sự no ấm, với những con đường bê tông uốn mình qua các cánh đồng lúa, rau màu xanh bát ngát, nhà cao tầng kiên cố.

“Địa chỉ đỏ” - Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa).

Từ “ngày 24-7 kiên cường”...

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cụ Hoàng Ngọc Vang, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hoằng Thắng, vẫn say mê với việc tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hàng năm, vào những ngày lễ của quê hương, của tỉnh và đất nước, cụ Vang lại được cấp ủy, chính quyền xã mời kể chuyện cho các em học sinh, đoàn viên, thanh niên địa phương về những ngày sục sôi đấu tranh cách mạng của cha anh. Như đã hẹn, cụ Vang dành hẳn một buổi sáng để đưa tôi về thăm “địa chỉ đỏ” – Khu di tích cách mạng Cồn Ba Cây. Lật dở từng trang giấy cũ kỹ, nhuốm màu thời gian, với những dòng ghi chép về truyền thống cách mạng quê hương, cụ Vang tự hào kể: Cách đây 74 năm, vào ngày 24-7 tại Cồn Ba Cây này, quần chúng nhân dân, tự vệ ở Hoằng Thắng đã kiên cường đứng lên mít tinh, biểu tình giành chính quyền về tay cách mạng đầu tiên ở xứ Thanh. Thời khắc lịch sử ấy đã được quần chúng nhân dân địa phương gọi là “ngày 24-7 kiên cường”.

Những ngày tháng 7-1945, phong trào Việt Minh Hoằng Hóa phát triển mạnh mẽ khắp các vùng quê. Trong không khí sục sôi ngọn lửa đấu tranh - xã Hoằng Thắng đã trở thành trung tâm của phong trào cách mạnh của huyện nhà. Thấy rõ bộ máy chính quyền của Hoằng Hóa có nguy cơ bị sụp đổ, phát xít Nhật và bè lũ tay sai liền tập trung lực lượng đàn áp phong trào cách mạnh hòng dập tắt mũi nhọn của cuộc khởi nghĩa. Vào ngày 13-7-1945, phát xít Nhật cùng tỉnh trưởng bù nhìn phái một đơn vị bảo an gồm 34 tên được trang bị vũ khí do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ Hoằng Hóa để cùng với tri phủ khủng bố 2 khu vực Đằng Trung (Hoằng Đạo) và Liên Châu Hóa Lộc (Hoằng Châu). Những nơi này, được chúng cho là “chiếc nôi cách mạng”. Qua nắm bắt tình hình, Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa biết rõ kế hoạch của địch sẽ chia làm 2 tốp. Một tốp gồm 22 tên do Quản Hiến chỉ huy đánh Liên Châu Hóa Lộc. Một tốp khác chỉ có 12 tên do tri phủ Phạm Trung Bảo cầm đầu đích thân về Đằng Trung.

Sáng ngày 24-7, đồng chí Nguyễn Đức Minh, đang mở một lớp học Việt Minh tại Hoàng Trì, thì nhận được chỉ thị cấp tốc bố trí ngay lực lượng tự vệ để tham gia phục kích quân địch đang tiến về Đằng Trung. Nắm chắc đường đi và số quân của địch, liền ngay hôm ấy, lớp học tạm hoãn, đoàn quân tự vệ trở về tập trung tại Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng phối hợp quân tự vệ Đằng Trung chiến đấu với quân địch. Cùng thời điểm ấy, các đồng chí Nguyễn Đức Minh và Lê Khắc Duy phụ trách 1 tổ gồm 13 người khỏe mạnh, dũng cảm, mưu kế đóng giả nông dân đang làm đồng áng đảm nhiệm việc xông lên bắt sống tên tri phủ Phạm Trung Bảo, cùng quân lính. Trong số lực lượng tự vệ, xã Hoằng Thắng có 8 người. Khi toán quân 12 tên và tri phủ Phạm Trung Bảo lọt vào trận địa mai phục, 13 tự vệ mang đòn xóc, đòn càn như vừa làm đồng về đi ngược chiều với quân địch, với ý kế là người đi đầu của ta bắt tên đi cuối của địch, còn người đi cuối của ta bắt tên đi đầu của địch. Tên tri phủ Phạm Trung Bảo khả nghi sửng sốt quát tháo, một hồi còi lệnh nổi lên, lập tức quân ta đồng loạt quật ngã bắt sống 12 tên địch và tri phủ Phạm Trung Bảo ngay tại Cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo. Lực lượng tự vệ và nhân dân ta đã áp giải quân địch và tri phủ Phạm Trung Bảo về tạm giữ tại đình Đằng Trung chờ xét xử. Buổi trưa hôm đó, Chi bộ Đảng và ban Việt Minh huyện khẩn trương tổ chức một cuộc mít tinh mừng chiến thắng tại Cồn Ba Cây. Lực lượng tự vệ, quần chúng nhân dân khắp nơi, với cờ, khẩu hiệu, giáo gươm uy nghi kéo về như ngày hội. Cuộc mít tinh tại Cồn Ba Cây hôm đó có hơn 5.000 người tham gia. Đúng 13 giờ, trước rừng người với khí thế cách mạng sục sôi, đồng chí Đinh Trương Lân, Tỉnh ủy viên thay mặt Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa đọc bản cáo trạng về tội ác khủng bố cách mạng của tri phủ Phạm Trung Bảo, lên án kẻ thù xâm lược và chính quyền tay sai. Đồng thời, nêu rõ chính sách khoan hồng của cách mạng và biểu dương quân dân trong huyện đã đập tan được cuộc đàn áp của kẻ thù. Viên tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên lính đã cúi đầu nhận tội và được nhân dân tha tội chết. Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, quần chúng cách mạng và lực lượng vũ trang nòng cốt được tổ chức thành đoàn biểu tình lớn tiến về phủ lỵ. Trước khí thế cách mạng dâng trào của quần chúng nhân dân, lính tuần sai, nha lại trong phủ không dám chống cự, toàn bộ tài sản công, con dấu, hồ sơ, sổ sách, máy đánh chữ, vũ khí đều được giao lại cho cách mạng. Ban Việt Minh huyện tạm thời quản lý, điều hành dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng huyện Hoằng Hóa. Sự kiện mít tinh giành chính quyền đó đã được quần chúng nhân dân gọi là “ngày 24-7 kiên cường”, địa danh Cồn Ba Cây đã trở thành mốc son lịch sử và địa chỉ đỏ cách mạng của huyện Hoằng Hóa nói riêng, tỉnh ta nói chung.

Sau cuộc mít tinh ở Cồn Ba Cây, chỉ không đầy một tuần, vào cuối tháng 7-1945 với lực lượng sẵn có và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Chi bộ Đảng, quân, nhân dân Hoằng Hóa đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên phạm vi toàn huyện. Như lời Tổng Bí thư Trường Chinh đã đánh giá: “Đây là cuộc khởi nghĩa đầy sáng tạo, trọn vẹn và rất táo bạo, xứng đáng là lá cờ đầu của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa”.

... đến phong trào cách mạng sục sôi ở xứ Thanh.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở huyện Hoằng Hóa đã cổ vũ phong trào cách mạng huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc..., với nhiều hình thức đấu tranh mít tinh, tuần hành hoặc tấn công các đồn bốt của địch. Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã triệu tập hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng, làng Mao Xá, xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa). Mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng song căn cứ vào tình hình cách mạng ở Thanh Hóa lúc bấy giờ, hội nghị đánh giá thời cơ cách mạng đã chín muồi và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Lê Tất Đắc làm chủ tịch. Đồng thời, phân công cán bộ lãnh đạo khởi nghĩa ở các phủ, huyện và chỉ định chủ tịch UBND lâm thời các phủ huyện. Hội nghị chủ trương tiến hành khởi nghĩa ở những nơi có phong trào cách mạng mạnh, sau đó sẽ tập trung lực lượng hỗ trợ cho những nơi phong trào còn yếu, giành chính quyền ở miền xuôi rồi tiến đến giành chính quyền ở miền núi. Sau 2 ngày chuẩn bị, đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19-8-1945, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được phát ra. Tại Thiệu Hóa, ngay trong đêm 18-8, quần chúng cách mạng và tự vệ đã tiến hành bao vây đội lính bảo an gồm 40 tên tại trường tiểu học và bao vây phủ lỵ Thiệu Hóa. Ở cả hai địa điểm trên, quân địch đều điên cuồng chống cự buộc lực lượng cách mạng phải nổ súng tấn công. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt nhưng đến sáng ngày 19-8 quân cách mạng đã làm chủ hoàn toàn phủ lỵ, chính quyền cách mạng được giành về tay nhân dân Thiệu Hóa. Như được tiếp thêm sức mạnh, các phủ, huyện miền xuôi trong tỉnh, như: Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa huyện quần chúng cách mạng và tự vệ không phân biệt già, trẻ, nam, nữ đều nhất tề vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Một số huyện như Tĩnh Gia, Nông Cống công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền chậm hơn nhưng cũng đạt được kết quả thắng lợi. Sau khi giành chính quyền, thực hiện kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, các huyện miền xuôi đã lên hỗ trợ các châu miền núi giành chính quyền. Được sự tiếp sức của lực lượng cách mạng của các phủ, huyện miền xuôi, nhân dân các dân tộc miền núi như: Thường Xuân, Ngọc Lặc, Như Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước đã thiết lập nên chính quyền nhân dân. Riêng tại thị xã Thanh Hóa từ sáng sớm ngày 19-8 đông đảo các tầng lớp nhân dân thị xã cùng với băng, cờ khẩu hiệu, biểu ngữ cách mạng tiến hành biểu tình xuất phát từ lò Chum tiến về Trường Thi, rồi đoàn biểu tình đi qua Cửa Tả, tiến vào nội thành bao vây dinh Tỉnh trưởng buộc Tổng đốc Nguyễn Trác phải giao nộp ấn tín, tài liệu và đầu hàng cách mạng vô điều kiện. Trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhân dân, ngày 23-8-1945 tại phố Vườn Hoa, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa ra mắt trước nhân dân tỉnh nhà. Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Lê Tất Đắc đọc lời tuyên ngôn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến thực dân và thành lập chính quyền cách mạng, công bố bản chương trình của Việt Minh về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa.

Trần Thanh

(Bài viết có sử dụng tư liệu Lịch sử Đảng bộ tỉnh và Lịch sử Đảng bộ huyện Thiệu Hóa và Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Thắng).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tim-hieu-990-nam-danh-xung-thanh-hoa/thanh-hoa-duoi-su-lanh-dao-cua-dang-gianh-chinh-quyen-ve-tay-nhan-dan/99382.htm