Thanh Hóa: Dòng người đổ về Am Tiên trước ngày mở cửa trời

Mặc dù thời tiết không được thuận lợi, trời nắng nóng nhưng không ngăn được dòng người hối hả kéo về Am Tiên cầu bình an, hạnh phúc... Nhiều người cố nán lại chờ đến ngày mở cửa trời.

Bất chấp thời tiết đầu năm 2019 khá oi ả so với mọi năm, nhưng ngay từ đêm giao thừa đến ngày mùng 4 Tết, hàng nghìn du khách thập phương đã hành hương về đền Nưa, và đỉnh Am Tiên thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) để chiêm bái, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và một năm sung túc đủ đầy. Nhiều người trong số đó đã khẳng định sẽ trú lại để đợi tham dự lễ mở cửa trời (vào ngày mùng 9 tháng Giêng) xong mới ra về.

Đường lên Am Tiên được đầu tư xây dựng, đội ngũ lái xe của Ban tổ chức đưa du khách lên đến tận đỉnh Am Tiên.

Đường lên Am Tiên được đầu tư xây dựng, đội ngũ lái xe của Ban tổ chức đưa du khách lên đến tận đỉnh Am Tiên.

Trao đổi với PV, ông Lê Đình Tâm – Chủ tịch xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Để lễ hội được trang trọng, ý nghĩa và văn hóa, ngay từ đầu tháng 12/2018, UBND huyện Triệu Sơn đã thành lập một Ban tổ chức lễ hội đền Nưa - Am Tiên . Tiếp đó, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội gắn với phân công nhiệm vụ cho các ngành, các thành viên một cách cụ thể; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.

Dù thời tiết nắng nóng nhưng không ngăn được dòng người kéo về Am Tiên

Cùng với Ban tổ chức của huyện, UBND xã Tân Ninh cũng đã thành lập ra một Ban quản lý riêng gồm 50 thành viên. Các thành viên được bố trí ở nhiều vị trí khác nhau để hướng dẫn khách hành hương thực hiện đúng các nội quy, quy định cũng như thay nhau giám sát 24/24h tại quần thể di tích nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp ăn xin, trộm cắp; trao trả lại du khách những vật dụng bị rơi hoặc để quên trong quá trình di chuyển.

Hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ tôn thêm vẻ tôn nghiêm của lễ hội

Nhờ vậy mà đã tạo được sự hài lòng cho du khách, nhất là đối với công tác đón tiếp khách, giữ gìn vệ sinh môi trường chung, cho đến việc trông giữ xe, bán vé...

Đặc biệt, trong mùa lễ hội năm 2019, xã đã ký kết với doanh nghiệp đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 2 bãi đỗ xe và hợp đồng với 20 xe khách 16 chỗ làm công tác trung chuyển khách lên núi với giá 50.000 đồng/ người/ 2 lượt lên xuống. Giải pháp này đã góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, đồng thời chấn chỉnh được hiện tượng xô bồ, mất an ninh trật tự, mang lại cho du khách tâm lý thảnh thơi khi về đây vãn cảnh cũng như dâng hương cầu nguyện

Dòng người đi quanh huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa

Gặp chúng tôi khi đang cùng gia đình dâng hương tại đỉnh Am Tiên, chị Lê Thị Thúy, một du khách đến từ Gia Lâm, Hà Nội vui vẻ cho biết: “Đã nhiều năm nay, tôi cùng chồng và 2 con luôn về đây đúng mùa lễ hội. Năm nay cả gia đình sẽ cố lưu trú lại để tham gia xong lễ mở cửa trời rồi mới quay về bắt tay vào công việc cho năm mới. Vì gia đình làm nghề kinh doanh tự do nên không bị sức ép thời gian như công chức nhà nước. Am Tiên ngày càng được đầu tư, xây dựng khang trang, đứng giữa huyệt đạo sẽ thấy 1 chiếc chuông to treo lơ lửng, khi những tiếng chuông ngân lên nhắm mắt lại sẽ cảm nhận từ sâu lắng trong không gian những hào khí ngàn năm từ trong lòng đất Na Sơn vọng về, một cảm giác lâng lâng thư thái, tâm hồn được gột rửa, tâm tỉnh, lòng thanh thản”, chị Thúy cho biết thêm

Cầu an bình, may mắn

Ông Tào Quang Sơn - thành viên của BQL lễ hội đền Nưa cho biết: “Để chuẩn bị lễ hội được an toàn cho du khách thập phương, toàn bộ hơn 20 đầu xe (loại 16 chỗ) được đăng kiểm đầy đủ, tập huấn cho lái xe đi đường đèo núi, đảm bảo an toàn cho du khách. Chỉ tính riêng từ sau giao thừa đến ngày mùng 4 tết, Am tiên đã đón và phục vụ cho hơn 5 nghìn lượt du khách về dâng hương, chiêm bái”.

Khu di tích lịch sử Am Tiên nổi tiếng này gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248 trước Công nguyên. Xung quanh vùng núi Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều địa điểm, địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của Bà Triệu như: Gò đống thóc (nơi để kho lúa của nghĩa quân), đồng kỵ (nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân)…

Đỉnh núi Nưa – nơi có động Am Tiên là một khu đất rộng và khá bằng phẳng. Tuy ở độ cao 585m nhưng ở đây vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt và không bao giờ cạn, đã tạo thành một cái giếng tự nhiên rất đặc biệt mà dân gian đặt tên là giếng Tiên.

Dòng người chen chân trên đỉnh Ngàn Nưa

Trên đỉnh Núi Nưa còn có bàn cờ Tiên, vườn thuốc Tiên và vườn đào Tiên mà sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một trung tâm của sự tu tiên đắc đạo. Từ cổng đền Am Tiên đi sâu vào 150m sẽ thấy huyệt thiêng. Đó là khoảng đất rộng hơn 100 mét vuông được rào chắn kỹ lưỡng. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ "Cầu cho quốc thái dân an".

Đất nước ta có 3 huyệt đạo thiêng. Một là ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba là ở Đền Am Tiên, Núi Nưa - Thanh Hóa). Theo sử sách để lại, đây chính là 1 trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi. Huyệt đạo trên đỉnh núi này là huyệt khí thiêng.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-hoa-dong-nguoi-do-ve-am-tien-truoc-ngay-mo-cua-troi-20190208222300459.htm