Thanh Hóa: Độc đáo vũ điệu Sanh Ngô

Theo tương truyền, có một đôi chim phượng màu sắc sặc sỡ về đậu trên cây ngô đông (cây Vông) cạnh đình làng rỉa lông và cất lên những tiếng hót lạ tai đã báo hiệu điềm lành đem may mắn cho dân làng. Từ ngày vắng bóng đôi chim phượng, đã có những điều không tốt đến với nhân dân trong làng.

Ly kỳ câu chuyện đôi chim phượng và đặc sắc vũ điệu Sanh ngô!

Những độc đáo, đặc sắc của trò diễn dân gian “Vũ điệu Sanh Ngô” được ông Lê Văn Chinh - Cán bộ văn hóa xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, người có công lớn trong công tác khôi phục, giữ gìn và phát huy giá trị trò diễn cho biết: Điệu múa Sanh Ngô bắt đầu từ một truyền thuyết đã được người dân làng Hồng Nhuệ lưu truyền bao đời nay. Theo truyền thuyết, từ xa xưa khi làng mạc được hình thành, nhân dân trong làng đã cùng nhau chung sức xây dựng quê hương mỗi ngày thêm trù mật.

Để tưởng nhớ hình ảnh đôi chim phượng cùng sự ngưỡng mộ tôn kính thiêng liêng vị Thần Hoàng Làng, cầu mong chim phượng và vị Thần Hoàng phù hộ cho dân làng được bình an, hạnh phúc, nhân dân làng Hồng Nhuệ đã múa vũ điệu Sanh Ngô trong lễ hội Kỳ Phúc vào rằm tháng giêng hằng năm, và cũng từ đó, vũ điệu Sanh Ngô trở thành trò diễn dân gian ở tất cả các đình làng trên toàn xã.

Trải qua thời gian và biến cố của lịch sử, vũ điệu Sanh Ngô của người dân làng Hồng dần bị thất truyền. Là một người yêu văn hóa truyền thống quê hương, ông Chinh cũng đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa nơi mình sinh sống. Năm 1992, ông có ý định tìm hiểu về văn hóa của làng nên đã đi gặp các bậc cao niên trong làng để hỏi về những lễ hội, những trò diễn. Thế là ông được các bậc cao niên trong làng bật mí về vũ điệu Sanh Ngô. Ông được các cụ cho xem về đôi chim phượng bằng gỗ được truyền giữ trong đình làng Hồng Nhuệ. Trên cánh của đôi chim phượng có ghi dòng chữ Hán do một cựu binh sỹ người Lê Phú Tộc cung tiến.

Theo ông Chinh, vũ điệu Sanh Ngô có nhiều tên gọi khác nhau như điệu làng Hồng (gọi theo tên làng Hồng Nhuệ - trong đình làng có lưu giữ đôi chim phượng bằng gỗ) hay điệu múa chim Phượng,... Sanh theo tiếng Hán có nghĩa là sinh sống, sinh sôi, phát triển. Ngô là cây ngô đồng. Múa Sanh Ngô là điệu múa theo kiểu con chim phượng đậu trên cây ngô đồng (thể hiện sự phồn thực của cư dân lúa nước). Sở dĩ người dân làng Hồng hay gọi là điệu múa Chim Phượng là bởi, đạo cụ chính là 2 con chim Phượng có màu sắc sặc sỡ (1 con đực và 1 con cái tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở) được trang trí rất bắt mắt. Trên mỗi đôi cánh của đôi Chim Phượng có đeo 12 quả chuông để khi múa chuông đổ ra tiếng kêu. Khi tiếng chuông ở đôi cánh đôi chim phượng vang lên, người dân trong xã tin vào một điềm lành, một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà an bình, no đủ.

Giá trị cần được phát huy!

Hơn 20 năm sau khôi phục, hiện ở làng Hồng có một CLB múa vũ điệu Sanh Ngô khoảng 20 người. Với mong muốn vũ điệu Sanh Ngô luôn được giữ gìn và phát triển, vào thời gian rảnh rỗi, CLB lại cử người dạy dỗ, truyền lại điệu múa cho các cháu học sinh, những người trẻ tuổi. Các thành viên trong CLB nhiệt tình truyền dạy cho thế hệ sau nhưng lớp cận kề là những người trẻ, theo cơ chế thị trường họ phải đi làm, việc tập hợp lại để học là rất khó. Bên cạnh đó, kinh phí do huyện cấp vẫn còn nhỏ, chưa đủ để CLB đi diễn ở nhiều nơi. Nhiều năm đi biểu diễn ở xa còn thiếu kinh phí. Mặc dù vũ điệu này đã được khôi phục hơn 20 năm nay nhưng đến nay các đạo cụ bổ trợ như sáo, nhị,.. vẫn còn thiếu. Đội bát âm hiện giờ không có nên mỗi dịp diễn phải huy động nhân lực rất khó khăn...

Ông Hoàng Minh Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng cho biết, mỗi năm huyện đều cấp kinh phí cho CLB hoạt động. Hiện xã chưa có ngân sách để cấp cho các thành viên trong CLB nên mỗi lúc đi diễn chúng tôi đều rất trăn trở vì nguồn kinh phí hạn hẹp.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong đó có điệu múa Sanh Ngô, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn 11484 giao cho sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghiên cứu đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa lập hồ sơ đề nghị xem xét về trò diễn “Múa Sanh Ngô”. Nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lập thủ tục, hồ sơ theo quy định trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VH,TT&DL xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đình Giang |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-doc-dao-vu-dieu-sanh-ngo-63484