Thanh Hóa: Đình Phúc làng Bình Lâm thờ 5 vị thần

Đình Phúc, còn gọi là đình làng Bình Lâm, thuộc xã Yến Sơn (Hà Lâm cũ), huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Đình Phúc thuộc “Cụm di tích thắng cảnh Bình Lâm” đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2018.

Đình Phúc được xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2018.

Những độc đáo về lịch sử, văn hóa

Đình Phúc là ngôi đình lớn, tọa lạc ngay chính giữa mặt trước làng Bình Lâm. Làng nằm ngoại đê, hình cánh cung uốn theo bờ một đoạn sông Lèn nhìn về hướng Tây Nam. Trước làng là con đường liên huyện chạy men theo sông. Sau làng tựa vào các dải núi nhỏ, thấp: Chiếu Bạch (Bái Nghè), Bàn Cù, Dong Sơn. Mé sau núi là một hệ thống đầm nước, trước đây từng là vụng của sông Lèn. Theo các cụ trong làng, tuy ngăn cách bởi con đê nhưng mạch nước vẫn chảy ngầm từ Đầm Mỗn vào làng. Những thập niên giữa thế kỷ 20, cuối tháng Chạp hàng ngàn người làng và vùng lân cận được làng cho đánh cá đầm để có đặc sản cá đồng Bình Lâm cúng tết. Mỗi lần đánh cá đầm như vậy, bùn sục đục mù, một số giếng nước ở làng cũng đục theo. Khi nước Đầm Mỗn trong, thì nước giếng mới trong trở lại. Vậy mới tỏ rằng đình Phúc nằm chính giữa các mạch nước bao quanh. Đó là huyệt kết long mạch của làng.

Đình Phúc gắn với số 5, đây là con số đầy đủ của Ngũ hành, là sinh sôi: Xây dựng năm Thiệu Trị thứ 5 (1845); đình thờ 5 vị Thần; đình có 5 gian; Ngũ Phúc lâm môn.

Cụ thể, đình thờ 5 vị Thần gồm: Lê Phụng Hiểu, Nguyễn Thất Lý, Cao Sơn, Cô Ba Thoải, Bà Chúa. 5 vị Thần này cũng được thờ tại 5 đền, miếu riêng trong làng. Trong đó, có đền thờ tướng quân Lê Phụng Hiểu. Bình Lâm là quê hương của bà Lê Tố Nương, mẹ của Lê Phụng Hiểu. Đến triều Thành Thái năm thứ 2 (1890) phong là bậc Thượng Đẳng thần. Tượng Thờ Lê Phụng Hiểu hiện được thờ tại đình Phúc. Nguyễn Thất Lý, sinh ra tại Bình Lâm vào khoảng năm Nguyên Hòa (1547). Vốn có lòng yêu nước, tài giỏi, ông đã được Triều đình cử làm bộ tướng đi dẹp giặc. Khi Mạc Kính Chi chiếm huyện Thanh Lâm, Nguyễn Thất Lý đem binh tiến đánh. Tại dòng sông Liễu Kinh, tháng 12/1593 thủy chiến ác liệt diễn ra. Nguyễn Thất Lý đã tử trận. Sau khi ông mất, Triều đình cho xây miếu thờ tại quê hương. Cao Sơn Tôn Thần: Bình Lâm là một trong số 411 đền thờ thần Cao Sơn ở Thanh Hóa. Tư liệu về thần tích Cao Sơn thờ tại đình Phúc hiện nay đã thất lạc. Nhưng dù cho là thần hiệu Cao Sơn nào thì vị thần ấy cũng đã ở trong đức tin của hàng trăm dòng họ. Vị thần ấy đã là hơi thở, là giọt nước, là ngọn lửa ấm, là sự chắp tay, ngước mắt tôn nghiêm của bách tính khắp vùng. Cô Ba Thoải Cung có công giúp Vua Lê trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống quân Minh. Ngay gần đình Phúc (cách khoảng 50m) là một bến đò qua lại giữa hai vùng Hà Trung và Hậu Lộc. Vì vậy, đình thờ Cô Ba Thoải Cung, còn mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt quan trọng đối với một vùng dân cư phải thường xuyên giao thương đông đúc qua đôi bờ sông nước. Và Bà Chúa - nhân vật trong cuốn: “Sự tích thần xã Bình Lâm” không ghi rõ sự tích về bà song có bài: “Tạ lễ văn Công Chúa”.

Đình Phúc còn gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng. Năm 1930, nơi đây đã thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Hà Trung; là nơi Tri phủ Hà Trung Tạ Quang Đệ bàn giao lại ấn tín cho chính quyền cách mạng năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi đóng quân của bộ đội Sư đoàn 320. Trong chiến tranh chống Mỹ, đình luôn là nơi tập trung khẩn cấp của bộ đội và TNXP bảo vệ trọng điểm Đò Lèn.

Đình Phúc không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa của làng mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của Phủ, lỵ (Phủ lỵ Hà Trung đóng tại làng Bình Lâm), song lại gắn liền với tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng. Bình Lâm ngoài việc trồng lúa nước, trồng ngô, khoai, còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo kén. Hàng năm vào các ngày, tế, lễ, dân trong vùng lại cùng nhau về tổ chức tế thần.

Giá trị lịch sử, văn hóa, lòng dân và khát vọng

Đình Phúc được xây dựng vào năm Ất Tỵ, đời vua Thiệu Trị thứ 5 (1845). Mặt hướng về Nam, phía sau có núi Yến Sơn, phía tả có núi Dong Sơn, phía hữu có sông Lèn chảy qua. Theo ghi chép của ông Cù Lương Đạt, người làng Bình Lâm, đình có các câu đối như sau “Yến Sơn thụ cổ thiên thu tại/ Mã thủy trường lưu vạn thế tồn”, “Thiên tích thông minh văn tế thế/ Thánh phù công dụng võ an dân”, “Chiếu Bạch giáng Thần thiên cổ tại/ Hoa Lâm hiển Thánh vạn niên tồn”.

Và thật xúc động, chúng tôi có được một tư liệu hết sức quý giá là: Gia đình Cụ Nguyễn Xuân Tiến, cha đẻ nhà văn Nguyễn Thế Phương người làng Bình Lâm, đã cung tiến cho đình đôi cột đá hậu cung, có bộ câu đối, vẫn đang còn nguyên vẹn. Nội dung: “Thần miếu thiên thu phiêu địa vọng/ Thánh cung vạn tuế hiệp sơn hô”.

Những câu chữ đã vọng vang, linh thiêng mãi mãi trong lòng dân. Đó chính là lịch sử, là văn hóa, là hồn cốt, bản sắc dân tộc nơi đình làng.

Phúc là khát vọng, đạo lý sống của muôn dân, là ước mơ về một cuộc sống thanh bình, mong sao nền nếp, ấm êm, làm ăn sinh sống, lâu bền mãi mãi. Cũng chính vì thế mà thân mẫu của Chúa Sãi từ năm 1563 đã cho Nguyễn tộc và bách tính dùng chữ Phúc làm chữ lót hoặc đặt tên cho các đình, đền, làng, xóm.

Với giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa như vậy, đình Phúc đã được xây dựng lại bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đình Phúc sẽ được hoàn thành trong năm 2020, đây không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào của người dân xã Yến Sơn, huyện Hà Trung.

Vũ Quang Trạch

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-dinh-phuc-lang-binh-lam-tho-5-vi-than-76798