Thanh Hóa: Đi qua cổng làng (Bài 1): Đồng thuận

Cổng làng là linh hồn của làng. Nó đánh mốc trong và ngoài của không gian làng, là một phần của văn hóa làng. Cổng làng xưa tuy có khác cổng làng nay nhưng dù thế nào thì ở đó vẫn là tình yêu, là tâm nguyện của những người con được sinh ra từ làng...

Cổng làng hôm nay dù to hay nhỏ thì đó cũng là công sức đóng góp của nhân dân, của con em xa quê... Không làm công tác xã hội hóa thì cũng thật khó để xây những cổng làng. Bởi có được sự ủng hộ, đồng tình của người dân nên những chiếc cổng làng thời hiện đại đã ra đời từ đây...

Tâm nguyện và tự nguyện

Chưa thống kê được ở tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm này có bao nhiêu cổng làng nhưng chỉ biết rằng, việc xây dựng cổng làng ngày càng phát triển về số lượng. Có khoảng thời gian, xây dựng cổng làng đã trở thành phong trào mà ở đó như một cuộc chạy đua để lấy thành tích.

Chúng tôi có dịp về một số làng quê xứ Thanh mà có nơi, xã bao nhiêu làng thì có bấy nhiêu cổng làng. Có những chiếc cổng làng được đầu tư lên đến tiền tỷ như cổng làng Yên Minh, cổng làng Vân Đô ở xã Trường Sơn hoặc có cổng làng cũng được xây ngót nửa tỷ như làng Đông Cao, xã Trung Chính (Nông Cống)... Tuy vậy, cũng có những chiếc cổng làng khiêm tốn hơn chỉ vài chục triệu đồng.

Vậy nên, khi có kinh phí lớn thì cổng làng sẽ được đầu tư quy mô hơn và ngược lại, kinh phí hạn hẹp thì chiếc cổng làng cũng giản dị hơn. Nhưng, cổng làng dù to hay nhỏ thì đằng sau đó vẫn là sự đồng thuận, là niềm mơ ước của biết bao người.

Cổng làng Phú Khê, huyện Hoằng Hóa được xây dựng từ nguồn đóng góp của nhân dân địa phương và con em xa quê.

Khi chúng tôi về huyện miền núi Như Thanh, dù ở đây mới chỉ có 20 cái cổng làng/165 thôn, bản, cổng làng nhiều tiền nhất dừng ở con số 100 triệu, ít nhất là 50 triệu. Nhưng những con số này cho thấy đó là một sự cố gắng rất lớn của người dân. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Cương - Trưởng phòng VH-TT huyện Như Thanh: "Nói đến cổng làng thì ai cũng có nguyện vọng. Nó vừa là vật chất vừa là văn hóa. Muốn thì ai cũng muốn. Trước đây do điều kiện kinh tế khó khăn, nghĩ đến xây cổng làng thì có nghĩ nhưng chưa thực hiện được. Giờ bắt tay vào quá trình CNH, HĐH nhất là giai đoạn xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương mới gắn với việc xây dựng các công trình phúc lợi thì cổng làng ở một số thôn, bản ở Như Thanh đã ra đời từ đây".

Cũng theo ông Cương, trong quá trình xây dựng cổng làng, sự đồng thuận của người dân rất cao và được đóng góp bằng nguồn kinh phí của người dân, doanh nghiệp, con em xa quê. Cổng làng được xây dựng trên tinh thần tự nguyện, xã hội hóa và khi đã xây dựng thì nằm trong ý thức của người dân, được dân bàn bạc, thống nhất gắn với quy ước, hương ước của làng. Nếu ai phá vỡ cảnh quan ấy thì phải chịu trách nhiệm hoặc cảnh cáo trước hội nghị. Ông Cương cho biết: Ở trong hương ước, quy ước nêu rất rõ đó là không ai khuyến khích xây dựng cổng làng, chỉ trừ khi có điều kiện thì làm. Nếu tự nhiên khuyến khích cũng đồng nghĩa với sự ràng buộc, sẽ mất hay và trở thành khuôn mẫu.

Về nơi chưa có cổng làng

Khẳng định, xây dựng cổng làng là xây dựng nét văn hóa truyền thống, xây dựng không phải để “ngăn sông cấm chợ”. Bước qua cổng làng là biết đã về đến nhà mình, làng mình, gần gũi, thân thuộc... Cổng làng cũng như một quy ước không gian hơn là một giới hạn địa lý...

Như đã đề cập ở trên, việc xây cổng làng to hay nhỏ phụ thuộc vào nguồn lực, điều kiện kinh tế nhưng có những địa phương lại xem “cổng chào” như cổng làng vì thực tế, các thôn, bản không có điều kiện để xây cổng làng. Huyện Như Xuân là ví dụ, khi tại đây 100% khu phố, thôn, làng đều có cổng chào nhưng để tìm một cái cổng làng thì không nơi nào có.

Sở dĩ ở Như Xuân chưa xây dựng được cổng làng vì điều kiện của người dân chưa cho phép. Chính vì vậy bà con chỉ có thể đóng góp để xây những chiếc cổng chào chỉ từ 20-25 triệu với khung thép, sắt, nơi nào có điều kiện hơn một chút thì lắp đặt biển điện tử Led. Trong sự đóng góp ấy, ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít. Ông Cao Tiến Dũng - Trưởng phòng VH-TT huyện Như Xuân cho biết: Bắt đầu từ năm 2016 huyện đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, xây dựng chỉnh trang khuôn viên các nhà văn hóa và từ đấy có hệ thống cổng chào từ huyện đến xã. Làm những cái cổng làng bài bản, quy mô như miền xuôi thì không thể làm được mà ở đây bà con chỉ có thể làm được cổng chào thay cho cổng làng. Và bà con lúc nào cũng xem đấy như là cổng làng của làng mình rồi...

Vậy nên, cổng làng dù to, dù nhỏ, dù không có điều kiện để xây cổng làng mà chỉ có cổng chào thì đó cũng là tâm nguyện của người, của làng như nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh đã nói: Cổng làng dù to, dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà có thể xộc xệch, sơ sài, con người có thể lam lũ nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Đơn giản chỉ là chiếc cổng xây bằng gạch mộc hoặc đá xẻ cuốn vòm, cổng làng là bộ mặt của làng.

Hoàng Việt Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-di-qua-cong-lang-bai-1--dong-thuan-81339