Thanh Hóa: Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp

Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông thứ 3 cả nước với trên 3,6 triệu người; tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm là 0,65%. Dân số trong độ tuổi lao động trên 2,4 triệu người, chiếm 66,7% tổng dân số. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là hơn 2.28 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,3%; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 6,3%. Chính vì vậy, thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được tỉnh đặc biệt chú trọng và là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của tỉnh.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chính sách BHTN mới đây, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau 10 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 298.154 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 20,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; tất cả người thất nghiệp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; có 111.022 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề cho 366 người;

“Có thể nói đây là chính sách sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng tham gia và đánh giá cao, góp phần ổn định đời sống, có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, tập huấn, đào tạo cán bộ; hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh”, ông Tùng cho biết.

Trong 10 năm qua, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; tổ chức các cuộc tham vấn tại cộng đồng cho cán bộ cấp xã, cấp thôn và người lao động; tổ chức các cuộc đối thoại để tuyên truyền rộng rãi tới người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền về chính sách BHXH, BHTN trên các phương tiện truyền thông và phối hợp với BHXH tỉnh và các cơ quan truyền thông tổ chức các hội thi như: “Tìm hiểu pháp luật về BHXH, BHTN trong công nhân, viên chức, người lao động tỉnh Thanh Hóa”; hội thi “Tuyên truyền viên về BHXH” của BHXH tỉnh và BHXH 27 huyện, thị xã, thành phố.

Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại Sàn giao dịch việc làm.

Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại Sàn giao dịch việc làm.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn trực tiếp cho người lao động đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc qua các phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ và các phiên lưu động. Thực hiện cấp phát 54.000 tờ rơi, phướn, pano, 5.400 tờ apphich đến người lao động, chủ sử dụng lao động; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp đầy đủ thông tin về việc làm, chế độ quyền lợi, trách nhiệm của người lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm và định kỳ vào ngày 1, 10 và 20 hàng tháng. Đồng thời, đăng tải các thông tin về bảo hiểm thất nghiệp trên Website của Sở, của Trung tâm Dịch vụ việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh cũng phối hợp với một số địa phương trong tỉnh đặt 6 văn phòng đại diện tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký, hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động.

Sở LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cho người lao động thất nghiệp, cụ thể:

Trung tâm đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm thu thập thông tin về tuyển dụng, việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động;

Tổ chức nhiều hình thức tư vấn phù hợp với người lao động như tư vấn trực tiếp chuyên sâu, tư vấn trực tuyếnq qua internet, thư điện tử, điện thoại... Nguồn dữ liêụv việc làm được Trung tâm dịch vụ việc làm lấy từ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đến đăng ký tuyển dụng tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm, đăng ký trực tuyến trên website, sau đó thống kê và lập bảng danh sách việc làm trống để giới thiệu đến người lao động.

Hàng tuần, vào thứ 3 và 5, Trung tâm phối hợp mời các cơ sở đào tạo nghề, cácodoanh nghiệp tổ chức tư vấn tập thể, cung cấp thông tin về đào tạo nghề, thông tin về thị trường lao động, vị trí việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của các trường nghề và doanh nghiệp để người lao động nắm bắt và lựa chọn.

Ngoài ra, Trung tâm còn tích cực tư vấn cho người lao động thất nghiệp có đủ điều kiện về sức khỏe, học vấn, chuyên môn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đây cũng là một kênh tư vấn khá thiết thực cho người thất nghiệp nhằm tăng thu nhập cho bản thân và gia đình họ.

Trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp, hằng tháng, trung tâm dịch vụ việc làm theo dõi về việc thông báo tìm kiếm việc làm của người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp để tiếp tục tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian qua, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2010, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.943 người, đến năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng lên 19.673 người (tăng 10,1 lần so với năm 2010).

DIỆU NGỌC

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thanh-hoa-day-manh-tu-van-gioi-thieu-viec-lam-cho-nguoi-that-nghiep-d101942.html