Thanh Hóa: Dấu hiệu lợi ích nhóm trong câu chuyện quy hoạch tại TP. Sầm Sơn?

Quyết định phê duyệt quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký chưa ráo mực thì sau đó ít ngày cũng chính Chủ tịch Thanh Hóa ký văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho một đơn vị lập quy hoạch mới được người dân bức xúc phản ánh là đè lên một phần quy hoạch hợp pháp trước đó.

Mặc dù mới chỉ dừng lại ở mặt chủ trương, chưa được HĐND tỉnh thông qua, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước tại tỉnh Thanh Hóa đã từ chối cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng cho các công trình dự án đúng quy hoạch trước đó.

Vụ việc này đang gây bức xúc trong hàng nghìn người dân,trong các tổ chức doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Động thái gây mất niềm tin cho hàng nghìn người dân và cộng đồng doanh nghiệp

Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi UBND, Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan báo chí hàng trăm hộ dân và các tổ chức kinh doanh tại phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cùng ký tên bức xúc cho biết họ đang là nạn nhân vô tiền khoáng hậu trong câu chuyện quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, trong nhiều năm người dân phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa có đất hợp pháp không thể tiến hành xây dựng công trình nhà ở hay kinh doanh.

Khu vực nằm trong quy hoạch

Đến năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn (QĐ số4638/QĐ-UBND). Tháng 12/2015 có tiếp quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu Quảng trường biển, phố đi bộ thị xã Sầm Sơn (QĐ 5340/QĐ-UBND).

Những quyết định phê duyệt quy hoạch trên là căn cứ pháp lý vững chắc để người dân, các tổ chức kinh tế xã hội xây dựng nhà ở, kinh doanh hợp pháp.

Thực tế điều tra của phóng viên cho thấy từ đường Nguyễn Hồng Lễ (vị trí tượng đài Nguyễn Thị Lợi) dọc theo mặt đường Hồ Xuân Hương đến đầu đường Hai Bà Trưng đã có hàng chục khách sạn cao tầng, quy mô được người dân và các doanh nghiệp xây dựng.

Đó là các khách sạn Vũ Phong 1 (11 tầng), Rubi (12 tầng), Sơn Trang 1 (10 tầng), Cát Đại Lợi (10 tầng), Long Thành 1 (10 tầng), Thanh Bình Gold (15 tầng), Tiền Châu (7 tầng)…

Người dân tại phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn bức xúc trao đổi vụ việc liên quan đến câu chuyện quy hoạch của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, có đất mà không thể xây dựng vì vướng quy hoạch

Điều tra của phóng viên cũng cho thấy các công trình này được xây dựng phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, được cấp giấy phép xây dựng, hợp pháp bởi cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng tại Thanh Hóa. Những công trình này có giá trị hàng nghìn tỉ đồng.

Tiếp đó, mới đây nhất là ngày 17/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ký quyết định số 2525/QĐ-UBND quyết định Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Quyết định số 2525 này là quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Sầm Sơn do tỉnh Thanh Hóa dùng tiền ngân sách thuê một đơn vị uy tín, chuyên nghiệp của Hàn Quốc lập.

Quy hoạch chung này rõ ràng đến từng khu đất và có tầm nhìn đến năm 2040. Theo bản đồ quy hoạch này thì lô 01 mặt đường Hồ Xuân Hương là quảng trường biển, mật độ xây dựng 0- 5%, diện tích 3 ha, lô 20, 21, 22, 23, 28…. Được quy hoạch là khách sạn dịch vụ.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy các công trình, khách sạn kiên cố đã được xây dựng hợp pháp, công trình, dự án đang trong quá trình xin cấp phép cũng đều nằm trong quy hoạch, phù hợp với quy hoạch chung này. Những quy hoạch trên là căn cứ pháp lý vững chắc để người dân, tổ chức doanh nghiệp yên tâm đầu tư xây dựng những khách sạn nghìn tỉ theo đúng quy định của pháp luật, được cấp phép xây dựng phù hợp với những quy hoạch này của chính UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nhưng điều khiến cộng đồng hàng nghìn người dân, tổ chức doanh nghiệp ở đây bức xúc, hoang mang lo lắng là hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng của Thanh Hóa từ chối cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng cho các công trình đã nằm trong quy hoạch hợp pháp và còn nguyên giá trị pháp luật.

Nguyên nhân theo tố cáo đến phóng viên thì do UBND tỉnh Thanh Hóa đang có chủ trương cho một doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho một khu đô thị sinh thái. Theo người dân tố cáo và cung cấp bằng chứng cho phóng viên thì dự kiến quy hoạch của doanh nghiệp này sẽ làm “phình to” quảng trường biển, lấy hết khu đất mặt tiền đường Hồ Xuân Hương từ Nguyễn Hồng Lễ đến Hai Bà Trưng. Quy hoạch lấy đất này nằm dưới danh nghĩa xây dựng công viên biển.

Nếu thành hiện thực, được thông qua thì nó sẽ phủ nhận quy hoạch chung mà chính UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký vào ngày 17/7/2017. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ dân, doanh nghiệp tại phường Trung Sơn bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp, người dân đã đổ hàng nghìn tỉ đồng xây các khách sạn cao tầng, kiên cố, hợp pháp bị san phẳng. Điều này đang dấy lên lo ngại, bức xúc trong người dân nơi đây.

Lợi ích nhóm?

Dư luận hiện nay không thể không nghi ngại về tính khách quan, minh bạch của UBND tỉnh Thanh Hóa trong câu chuyện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tại TP. Sầm Sơn.

Bởi lẽ, theo tìm hiểu của phóng viên thì sau khi ký quyết định 2525 ngày 17/7/2017 về việc phê duyệt quy hoạch chung Sầm Sơn đến năm 2040 thì chỉ sau đó 4 ngày, ngày 21/7, UBND tỉnh Thanh Hóa lại có văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị nghiên cứu đề xuất của một doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án quần thể đô thị sinh thái nghỉ dưỡng.

Và đến ngày 18/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có tiếp văn bản gửi Sở Xây dựng thông báo về việc chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp được lập quy hoạch chi tiết khu đô thị sinh thái trên.

Các khách sạn quy mô đã được đầu tư đúng quy hoạch đã duyệt, được cấp giấy phép xây dựng trên mặt đường Hồ Xuân Hương, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mặc dù mới đồng ý về mặt chủ trương, nhưng Sở Xây dựng Thanh Hóa và các cơ quan hữu trách đã treo, từ chối cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng cho các dự án, công trình xây dựng trên khuôn viên đất đã có quy hoạch trước đó và các quy hoạch này là hợp pháp, đang có giá trị pháp luật.

Đơn cử như trong văn bản số 3699 ngày 10/11/2017 của UBND TP. Sầm Sơn (ông Lê Ngọc Chiến- Chủ tịch thành phố ký) gửi ông Bùi Xuân Thủy và bà Lê Thị Thủy trả lời về đề nghị cấp Giấy phép quy hoạch dự án thì: Sở Xây dựng Thanh Hóa đề nghị UBND TP. Sầm Sơn không cấp giấy phép quy hoạch; Giấy phép xây dựng cho các dự án, công trình thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực quảng trường biển, phố đi bộ TP. Sầm Sơn. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, nhiều công trình, dự án khác của người dân tại khu vực này cũng lâm tình cảnh tương tự là… đúng quy hoạch nhưng bị treo.

Trong văn bản số 6150 của Sở Xây dựng Thanh Hóa do ông Đào Vũ Việt giám đố ký gửi UBND TP. Sầm Sơn ghi rõ: “Căn cứ thông báo số 220 của UBND tỉnh về việ kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh…về quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị sinh thái… trong thời gian lập, thẩm định, phê duyệt đề án quy hoạch nêu trên đề nghị UBND TP. Sầm Sơn không cấp giấy phép quy hoạch; giấy phép xây dựng cho các dự án, công trình thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực Quảng trường biển, phố đi bộ”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện người dân bị ảnh hưởng ở đây bức xúc cho biết: “Động thái này của tỉnh Thanh Hóa đang dẫn đến việc phục vụ lợi ích cho một nhóm người, cho doanh nghiệp lớn mà bỏ qua quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Nói về việc mới chỉ là chủ trương, nhưng chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã từ chối cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng cho các công trình dự án hợp pháp, phù hợp với quy hoạch hiện hữu các chuyên gia pháp lý khẳng định đó là sự vị phạm pháp luật một cách trắng trợn.

“Quy hoạch chung do UBND tỉnh Thanh Hóa ký ngày 17/7/2017 có tầm nhìn đến năm 2040 đến nay đang có hiệu lực, chưa có văn bản nào thay thế thì nó phải được tôn trọng, tuân thủ. Mới dừng lại ở chủ trương nhưng cơ quan hữu trách tỉnh Thanh Hóa từ chối cấp giấy phép xây dựng, giấy phép quy hoạch là trái quy định của pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, hoạt động kinh doanh và kế hoạch đầu tư của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong vụ việc này rõ ràng có dấu hiệu của lợi ích nhóm, có đối tượng được hưởng lợi cần được các cơ quan liên quan kiểm tra làm rõ.”- luật sư phân tích.

Trương Tuấn.

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//thanh-hoa-dau-hieu-loi-ich-nhom-trong-cau-chuyen-quy-hoach-tai-tp-sam-son_n33157.html