Thanh Hóa: Dân ''kêu cứu'' vì loạt cơ sở giặt và tái chế bao bì gây ô nhiễm tại xã Thái Hòa

Nhiều người dân tại xã Thái Hòa (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh về tình trạng hàng chục cơ sở giặt và tái chế bao bì hoạt động tại địa phương gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân...

Theo tìm hiểu của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn là xã thuần nông, đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ.

Hiện trên toàn xã hiện có 11 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, 02 trang trại chăn nuôi lợn, 28 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu. Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã phát triển tương đối tốt, góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân nông thôn và ổn định tình hình trật tự của địa phương.

Nhiều hộ dân tại xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn hoạt động giặt bao bì gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù vậy, các cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu đều hoạt động theo hình thức hộ gia đình nên không có các điều kiện đảm bảo môi trường, xử lý chất thải, nước thải theo quy định. Bao bì xi măng sau khi thu gom về sẽ được tiến hành giặt, tái chế, trong khi toàn bộ nước giặt chứa đầy xi măng lại chỉ được lắng qua các ao lắng tạm, sau đó đổ ra sông Nhơm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô vào những ngày đầu tháng 9/2018, tại xã Thái Hòa, rất nhiều các cơ sở giặt, tái chế bao bì xi măng đang hoạt động tấp nập, đa phần là các hộ gia đình, người gom bao bì, tách và phân loại rồi giặt thủ công.

Hoạt động giặt, tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều người dân bức xúc.

Qua ghi nhận, hầu hết các cơ sở trang thiết bị đều rất đơn sơ, công nhân làm việc không có bảo hộ lao động. Đặc biệt nước trong quá trình sản xuất đang hàng ngày xả trực tiếp ra môi trường mà không qua một hệ thống xử lý nước thải nào.

"Ở đây họ hoạt động như vậy được lâu rồi. Nhiều gia đình cứ đi gom bao bì xi măng, bao bì bẩn về rồi giặt thủ công, nước thải rất bẩn, mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều lần người dân đã phản ánh đến chính quyền xã nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm", một người dân chia sẻ.

Đáng chú ý, theo phản ánh của người dân, xưởng tái chế bao bì của Công ty TNHH Sản xuất bao bì Thái Yên hoạt động được nhiều năm nay. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường không được đảm bảo khi chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải phát ra từ Công ty có mùi cháy khét nồng nặc...

Hoạt động tái chế bao bì tại Công ty TNHH Sản xuất bao bì Thái Yên cũng chưa đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.

Theo tìm hiểu của PV, hiện có khoảng 28 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu (hoạt động từ những năm 2011 đến nay) trên địa bàn xã Thái Hòa là những cơ sở hoạt động theo mô hình hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, vị trí xưởng sản xuất được bố trí ven bờ sông Nhơm; thiết bị phục vụ sản xuất đơn giản, thường có 1-2 máy giặt, công suất giặt khoảng 5.000 bao bì/máy giặt/ngày và 01 máy xeo giấy (thu hồi khoảng 3-4 tạ bột giấy/máy giặt/ngày).

Trong đó, có 05 cơ sở ngoài giặt bao bì thu hồi bột giấy còn sản xuất thêm hạt nhựa (khoảng 1-1,2 tấn nhựa hạt/ngày), có 01 cơ sở dệt bao bì (công suất 1.000 bao bì/tháng); các cơ sở sử dụng nước khoảng 100-200m 3 /ngày, cá biệt có cơ sở dùng đến 1.200 m 3 nước/ngày (cơ sở hộ gia đình ông Lê Bá Hạnh), nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước mặt lấy từ Sông Nhơm; nguyên liệu đầu vào là các vỏ bao bì xi măng, lưới nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa thải...được các gia đình thu mua từ các đại lý trong và ngoài tỉnh về sơ chế và sản xuất.

Liên quan đến việc này, trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô ngày 06/09/2018, ông Lê Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Thái Hòa thừa nhận có tình trạng các cơ sở giặt, tái chế bao bì hoạt động gây ô nhiễm như người dân phản ánh.

Theo ông Thành, hiện nay, trên địa bàn xã Thái Hòa có gần 30 cơ sở hoạt động giặt, tái chế bao bì; trong đó đa số là các hộ gia đình làm tự phát, chỉ có một công ty tái chế bao bì là Công ty TNHH Sản xuất bao bì Thái Yên.

Cũng theo vị này, các cơ sở hoạt động tự phát, gây ô nhiễm nên chính quyền đã kiểm tra, nhắc nhở nhưng vẫn hoạt động, còn Công ty TNHH Sản xuất bao bì Thái Yên dù được các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động nhưng hiện nay công tác bảo vệ môi trường cũng không được đảm bảo.

"Vào tháng 05/2018, Đoàn kiểm tra do Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã đến kiểm tra thực tế và phát hiện nhiều vi phạm, cũng đã lập biên bản xử lý vi phạm. Hiện Sở cũng đã ban hành kết luận thanh tra về sự việc này", ông Thành nói.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Hậu Lộc - Duy Tân

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/thanh-hoa-dan-keu-cuu-vi-loat-co-so-giat-va-tai-che-bao-bi-gay-o-nhiem-tai-xa-thai-hoa-d2054921.html