Thanh Hóa: Đặc sắc di sản Hán - Nôm tại xã Hoằng Phượng

Trong tổng số 52 đạo sắc phong từ các triều đại phong kiến Việt Nam đang được lưu giữ tại xã Hoằng Phượng, ngoài 23 đạo sắc phong cho hai vị tôn thần ở đình làng Phượng Mao, 29 đạo sắc phong còn lại thuộc về các vị thần đang được thờ phụng tại đền thờ Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân (thôn Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng). Người dân trong làng thường gọi là nghè Vĩnh Gia.

Đền thờ Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân – nơi lưu giữ 29 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam.

Xã Hoằng Phượng (huyện Hoằng Hóa) nổi tiếng gần xa với những làn điệu chèo sâu lắng, mượt mà đã làm nên diện mạo văn hóa tinh thần ít nơi nào có được. Nhưng mấy ai biết được rằng, mảnh đất này cũng là nơi lưu giữ di sản Hán - Nôm đáng ngưỡng mộ, thể hiện trong sự hiện hữu của 52 đạo sắc phong vua ban qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Những đạo sắc phong này không chỉ có giá trị về mặt văn hóa ngôn ngữ mà trên hết, sự tồn tại của nó đóng vai trò như một chứng nhân lịch sử về sự hình thành và phát triển của làng xã gắn liền với thân thế, sự nghiệp của những con người đã sống và chiến đấu cho sự bình yên, no ấm của xóm làng. Trong tổng số 52 đạo sắc phong mà xã Hoằng Phượng đang lưu giữ có 23 đạo sắc phong thuộc về đình làng Phượng Mao (thôn Phượng Mao, xã Hoằng Phượng). Các đạo sắc còn lại thuộc về nghè Vĩnh Gia (thôn Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng).

Đình làng Phượng Mao thờ hai vị thành hoàng của làng là Linh thông tôn thần Lê Công Trinh và Linh Quang tôn thần Lê Công Phụ nhằm tưởng nhớ những đóng góp to lớn của hai vị Thành hoàng làng trong công cuộc phò vua giúp nước, chống giặc ngoại xâm, được triều đình ban thưởng và cho phép lập đồn điền, khai khẩn đất hoang, tập hợp dân cư về đồn điền sinh sống. Tương truyền, sau khi thác hóa, hai vị thần vẫn thường hiển linh che chở, giúp đỡ cho dân làng xây dựng cuộc sống. Những công lao to lớn của hai vị tôn thần đối với quê hương, đất nước đều vang danh qua các triều đại mà minh chứng rõ nét nhất chính là 23 đạo sắc phong đang được lưu giữ tại đình. Các cụ cao niên trong làng cho biết: Trước đây, đình làng Phượng Mao có tới 36 đạo sắc phong nhưng đến thời điểm hiện tại, làng chỉ còn lưu giữ được 23 đạo sắc. Năm 2016, nhằm mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể - văn hóa ngôn ngữ Hán - Nôm; giáo dục các thế hệ con cháu của làng về lịch sử hình thành và phát triển làng; thân thế, sự nghiệp cũng như những công trạng, đóng góp của hai vị Thành hoàng làng, Ban Văn hóa – Ban Quản lý di tích làng Phượng Mao đã gửi dịch 23 đạo sắc phong này. Đến nay, 23 đạo sắc phong tại đình làng Phượng Mao đã được Vũ Ngọc Định dịch hoàn chỉnh, có xác nhận của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Hồng Đức.

23 đạo sắc phong cho hai vị tôn thần được thờ tại đình làng Phượng Mao trải dài qua các triều đại phong kiến Việt Nam, từ: Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Bản sắc phong sớm nhất thuộc về thời vua Cảnh Hưng thứ 32, ban ngày 24-3-1771. Bản sắc phong muộn nhất thuộc về thời vua Khải Định thứ 9, ban ngày 25-7-1924. Trong đó có: 3 bản đạo sắc phong chung cho hai vị tôn thần, 10 bản sắc phong thần Linh Quang, 10 bản sắc phong thần Linh Thông. Đạo sắc phong chung cho hai vị tôn thần đời vua Đồng Khánh thứ 2 (1886), ban ngày 1-7-1886 nêu rõ:

“Sắc phong cho 2 vị thần là: Quang diệu Đoan phương Diệu đạt Đôn ngưng Linh Thông chi thần và Phù cảm Đoan vinh Mậu âm Đoan túc Linh Quang chi thần. Từ trước tới nay đã có công giúp nước che chở cho nhân dân, chứa chất nhiều linh ứng, đã nhiều lần đội ơn được ban tặng sắc phong và cho phép phụng thờ”.

Đạo sắc phong cho thần Linh Thông lần thứ nhất, đời vua Cảnh Hưng thứ 32 (1771), ban ngày 24- 3-1771 viết:

“Sắc ban cho: Thần Linh Thông (đã được ban mỹ tự là) Hiển ứng, Thánh vị, Hoằng hựu, Ngọc cảm, Chiêu nhân, Khuông quốc, Tá trị, Dũng liệt, Anh uy, Chiêu huệ, Tuy hưu, Phù hóa, Phi hiển, Diễn phúc đại vương. Ngài là bậc anh tài kiệt xuất trong trăm ngàn người, giữ gìn vận nước, âm phù cơ nghiệp, phò giúp trời Nam, tạo phúc lành được dự vào hàng huyền hóa. Ngầm giúp thế mạnh chốn Tây Kì, giữ sự huyền hóa mà tỏ rõ hiển linh, công cao ban tặng, hưởng nhiều ân điển. Vì vua ngự giá tuần du bản ấp, đặc biệt chuẩn gia phong mỹ tự, xứng đáng được gia phong thêm là: Linh thông Hiển ứng, Thánh vị, Hoằng Hựu, Phong cảm, Chiêu nhân, Khuông quốc, Tá trị, Dũng diệt, Anh uy, Chiêu huệ, Tuy hưu, Phù hóa, Phi hiển, Diễn phúc, Phiêu huống đại vương. Cho nên ban sắc”.

Đạo sắc phong cho thần Linh Thông lần thứ 10, đời vua Khải Định thứ 9 (1924), ban ngày 25-7-1924 viết:

“Sắc cho: Thôn Phượng Mao, xã Cẩm La, huyện Mỹ Hóa, phủ Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa theo lệ cũ phụng thờ vị thần trước đây đã được ban tặng là Quang diệu Đoan phương Diệu đạt Đôn ngưng, Dực bảo trung hưng, Đương cảnh Thành hoàng, Tây quân Tả đô đốc Lộ Bình hầu ban tặng tước Lộ Quận công thiếu truyền Lê Công Trinh, Linh Thông hiển ứng tôn thần đã có công giúp nước che chở cho nhân dân, chứa chất nhiều linh ứng, đã nhiều lần đội ơn được ban tặng sắc và cho phép phụng thờ. Nay đúng dịp trẫm mừng sinh nhật 40 tuổi, ban cho bảo chiếu cùng ơn sâu, lại có lễ long trọng để tăng phẩm trật, ban tặng thần hiệu là Trác vĩ được dự vào hàng Thượng đẳng thần, cho phép được phụng thờ, dùng như một niềm vui của đất nước mà ghi vào điển thờ”.

Các đạo sắc phong cho thần Linh Quang qua các triều đại về cơ bản đều giống với các đạo sắc phong cho thần Linh Thông, chủ yếu khác nhau ở thần tước, thần hiệu.

Trong tổng số 52 đạo sắc phong từ các triều đại phong kiến Việt Nam đang được lưu giữ tại xã Hoằng Phượng, ngoài 23 đạo sắc phong cho hai vị tôn thần ở đình làng Phượng Mao, 29 đạo sắc phong còn lại thuộc về các vị thần đang được thờ phụng tại đền thờ Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân (thôn Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng). Người dân trong làng thường gọi là nghè Vĩnh Gia. Nghè được xây dựng từ thế kỷ XVI, trên gò đất hình đầu rồng, thường gọi là cồn Tai Long. Trong đền thờ Tam vị đại vương: Đức thánh cả Tiên Hiền Thiên Tôn; Thái sư Tô Hiến Thành và Lưỡng vệ tướng quân Trần Khát Chân. Cho đến thời điểm hiện tại, 29 đạo sắc phong cho các vị thần ở nghè Vĩnh Gia vẫn chưa được dịch nghĩa mà vẫn lưu giữ, quản lý dưới dạng nguyên bản Hán – Nôm tại UBND xã Hoằng Phượng. Theo lý lịch di tích có tại nghè, 29 đạo sắc phong này có từ thời Hồng Đức nguyên niên (1557) đến thời Duy Tân (1009) với nội dung chủ yếu là ca ngợi công lao giúp dân, giúp nước trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm thời Lý – Trần của các vị thần được thờ phụng tại nghè.

Di sản Hán – Nôm là một thành tố quan trọng cấu thành nên hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung. 52 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam mà xã Hoằng Phượng đang lưu giữ thực sự là cả một “gia tài” văn hóa – lịch sử quý giá. Ông Lê Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng tự hào chia sẻ: “52 đạo sắc phong này là căn cứ, cứ liệu lịch sử quan trọng để đình Phượng Mao và nghè Vĩnh Gia được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, tuy rằng đã có những thời điểm đình và nghè gần như không còn dấu tích”. Bên cạnh niềm tự hào ấy, ông Hà cũng không khỏi những băn khoăn, trăn trở: “Mang nặng chiều sâu về mặt văn hóa – lịch sử nhưng cho đến thời điểm hiện tại, 52 đạo sắc này chưa được quan tâm xứng tầm để có thể phát huy hết giá trị của nó. Cùng với sự biến thiên của thời gian, nếu chúng ta không có sự quan tâm thích đáng đối với di sản Hán – Nôm này thì sợ rằng, trong tương lai không xa chúng ta sẽ mất chúng hoàn toàn”. Trước khi điều đáng tiếc đó xảy ra, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên môn và các cơ quan chức năng có thẩm quyền hãy chung tay hành động để giữ lấy loại hình di sản có chữ viết mà “không có tiếng nói” này.

Hương Thảo

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-dac-sac-di-san-han--nom-tai-xa-hoang-phuong-64799