Thanh Hóa: Cụm công nghiệp 'gặp khó' khi hút vốn đầu tư

Để thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có mặt bằng để sản xuất, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều quy hoạch, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp.

Trong chiến lược thu hút nhà đầu tư kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... tỉnh Thanh Hóa đã lập quy hoạch các cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Như vậy, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có 70 cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật là hơn 16.500 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh mới đang xây dựng 47/70 Cụm công nghiệp, đạt 65,29%; thu hút 293 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy chỉ mới 28%, tạo việc làm cho khoảng 40.000 lao động.

Có nhiều cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả, như: cụm công nghiệp Vức, phía Tây Nam thành phố Thanh Hóa có 42 dự án thuê đất với diện tích 29,53 ha, tỷ lệ lấp đầy 55,93%, tạo việc làm cho 500 lao động. Cụm công nghiệp Hà Phong 1, xã Hà Phong (Hà Trung) có 8 dự án thuê đất với diện tích 9,43 ha, tỷ lệ lấp đầy 94%, tạo việc làm cho 530 lao động…

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn không ít các cụm công nghiệp hoạt động kém hiệu quả như: Cụm công nghiệp Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) hình thành từ lâu nhưng do không được quy hoạch từ đầu nên các xưởng sản xuất nằm xen kẽ với nhà dân và các công trình công cộng; cụm công nghiệp Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) mới chỉ có một doanh nghiệp hoạt động.

Hoạt động doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Điền Trung (Bá Thước) gặp nhiều khó khăn trong kết cấu hạ tầng không hoàn chỉnh

Đây là hiện trạng chung của nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí cho công tác quy hoạch, làm hạ tầng. Đa số các cụm công nghiệp đều chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, thậm chí có không ít cụm mới chỉ được quy hoạch về không gian, do đó, doanh nghiệp phải tự thực hiện việc đầu tư hạ tầng khi đăng ký thuê đất sản xuất.

Ngoài ra, việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp còn ít. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút dự án vào cụm công nghiệp còn hạn chế. Công tác quản lý Nhà nước trước, trong và sau quá trình đầu tư đối với cụm công nghiệp còn nhiều bất cập, chồng chéo, kém hiệu quả.

Để thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường thu hút đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ở các cụm công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp theo lợi thế của từng vùng, miền để phát triển bền vững.

Kiều Phiên

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thanh-hoa-cum-cong-nghiep-gap-kho-khi-hut-von-dau-tu-130004.html