Thanh Hóa: Chung tay bảo vệ di sản

Trong công cuộc phát huy truyền thống, hướng tới sự thịnh vượng không thể thiếu văn hóa. Bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản chính là nhiệm vụ thiêng liêng, tự hào và cũng không ít khó khăn với thế hệ đi sau.

"Thanh Hóa níu giữ và quyến rũ như một vùng có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại. Thanh Hóa không phải là một đơn vị hành chính bình thường, đây là cả một xứ. Cũng muôn hình muôn vẻ như xứ Bắc Kỳ, mà còn như là một hình ảnh của Bắc Kỳ thu nhỏ, nó có châu thổ trù phú và phì nhiêu, có vùng trung du cây cỏ bạt ngàn lượn sóng, vùng cao lầm lỳ mà đại ngàn um tùm bao phủ", Pierre Paspuer - một quan chức cao cấp của chính quyền thực dân Pháp với danh nghĩa là Khâm sứ Trung Kỳ đã giành sự khâm phục và ngợi ca hết lời đối với vùng đất Thanh Hóa.

Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Trò diễn Xuân Phả. (Ảnh: Mạnh Phúc)

Sức hấp dẫn của văn hóa xứ Thanh có một phần không nhỏ từ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo thống kê, Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 852 di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, 707 di tích cấp tỉnh với nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh tiêu biểu. Ngoài ra, Thanh Hóa đang bảo quản và trưng bày hơn 32.855 hiện vật qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có khoảng 120 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng ngàn hiện vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa...

Vùng đất này còn lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, mang sắc thái riêng của các dân tộc. Năm 2016, sau khi trò diễn Xuân Phả ở xã Xuân Trường (Thọ Xuân) trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đầu tiên ở Thanh Hóa, tiếp sau đó thêm nhiều si sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Cầu Ngư; Lễ hội đền Độc Cước, Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường (Ngọc Lặc), Lễ tục Kin chiêng Boọc Mạy của người Thái (Như Thanh) gắn liền với tập tục sinh hoạt, đời sống vật chất, là nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng dân cư.

Tuy vậy, việc bảo tồn các giá trị di sản là điều vô cùng cần thiết. Đông Sơn là một trong số ít huyện có số lượng di sản lớn. Chỉ tính riêng di tích, vùng đất này đang có 33 di tích, trong đó có 7 di tích quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh. Ông Nguyễn Đăng Trường - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Sơn cho biết: Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng trên địa bàn huyện đã được các ngành, các cấp nhận thức đầy đủ và xem đây là nhiệm vụ quan trọng cấp thiết, là yếu tố tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau khi BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 09 ngày 23/1/2017 về phát huy giá trị truyền thống lịch sử con người Đông Sơn năng động, sáng tạo, thân thiện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập; Đông Sơn tiếp tục ban hành Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích huyện Đông Sơn giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tính từ năm 2019 đến nay, huyện Đông Sơn đã tu bổ, tôn tạo 5 di tích với tổng kinh phí gần 56 tỷ đồng, đang triển khai thi công trùng tu, tôn tạo 3 di tích, 4 di tích đang trong quá trình lập hồ sơ dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trùng tu, tôn tạo. Điều đáng nói là từ ban hành đề án, huyện Đông Sơn cũng có cơ chế hỗ trợ 200 triệu đồng cho 1 di tích tiến hành tu bổ, tôn tạo.

Nhờ có sự quan tâm của ngành văn hóa, của địa phương và dòng họ mà đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa nay đã được tu bổ, tôn tạo đẹp và trang trọng hơn.

Về thôn Yên Bằng, xã Đông Yên, chúng tôi tới thăm đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa - người có công tham gia khởi nghĩa Lam Sơn cùng Lê Lợi chống giặc Minh và là người có công khai hoang lập ấp lập ra làng Trung Bình Đông. Sau khi ông mất, người dân làng đã tôn thờ, nhà vua ban sắc phong là thần và được thờ ở đình làng, được tôn là Thành hoàng làng. Di tích có cách đây khoảng gần 600 năm, qua rất nhiều lần sửa chữa, trong đó rõ nhất là lần sửa chữa cuối được ghi ở thượng lương vào năm 1908, cách đây 112 năm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Ngọc - Chủ tịch Hội đồng gia tộc cho biết: "Đền thờ cụ tổ chúng tôi được cấp Bằng di tích cấp tỉnh năm 2005. Được sự quan tâm của Nhà nước về các chính sách tôn tạo, sửa chữa các di tích, mà đền thờ cụ Tổ đã khang trang đẹp hơn rất nhiều. Hiện, chúng tôi có cử một người của họ trông coi, quét dọn hương khói cho cụ. Một người con trong dòng họ vừa mua thêm miếng đất bên ngoài rộng hơn 500m2 để làm nhà sắp lễ. Như thế, diện tích chung của đền thờ là hơn 1000m2, trong đó diện tích do Sở VH,TT&DL quản lý là 350m2".

Rõ ràng là hiện nay, di sản văn hóa đang phải đối mặt với không ít thách thức, đi liền với sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến di sản nói chung, công tác bảo tồn di sản nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề là giải pháp dù có hay đến mấy đi chăng nữa mà không được triển khai nghiêm túc; hoặc thiếu cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm... thì cũng khó mang lại kết quả mong đợi. Song cũng cần phải khẳng định, nhờ sự quan tâm của ngành văn hóa, của các cấp ủy chính quyền, cùng với người dân mà việc giữ gìn và bảo tồn di sản ngày càng được quan tâm hơn.

Trong công cuộc phát huy truyền thống, hướng tới sự thịnh vượng không thể thiếu văn hóa. Bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản chính là nhiệm vụ thiêng liêng, tự hào và cũng không ít khó khăn với thế hệ đi sau. Tuy nhiên, cùng với mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước... theo Nghị quyết 58 - NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong đó có việc nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào trân trọng về con đường di sản của cha ông. Đây cũng là thách thức để đưa văn hóa, di sản trở thành nguồn lực chiến lược, nguồn tài nguyên đặc biệt có giá trị để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục vụ trực tiếp phát triển du lịch sẽ góp phần sớm đưa tỉnh Thanh trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Kiều Huyền

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-chung-tay-bao-ve-di-san-80742