Thanh Hóa: Chủ tịch xã vận dụng sai Luật báo chí dù đã được tập huấn

Mặc dù được tập huấn về Luật báo chí 2016, nhưng việc vận dụng sai quy định trong luật khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi.

Theo phản ánh của người dân đến Thời báo Doanh nhân, trên địa bàn thôn 8 xã Nga Thắng, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) diễn ra việc xây dựng lấn chiếm trên đất nông nghiệp. Phóng viên được cử về xã Nga Thắng đặt lịch làm việc theo đúng quy định về tác nghiệp báo chí.

Khi phóng viên xuất trình thẻ nhà báo, vị Chủ tịch UBND xã là ông Nguyễn Văn Trì không chấp thuận và nói: ''Các anh có thẻ nhà báo chỉ là đi liên hệ công tác, nếu các anh không có giấy giới thiệu của cơ quan như Tổng biên tập hay Phó Tổng biên tập ký thì chúng tôi không làm việc''.

Mặc dù phóng viên đã giải thích và trình bày nhiều lần về quy định trong luật và hiệu lực của thẻ nhà báo, nhưng vị Chủ tịch này vẫn một mực khăng khăng rằng toàn bộ lãnh đạo ở đây đã được tập huấn về luật báo chí.

Vị Chủ tịch này còn nhấn mạnh, thẻ nhà báo chỉ để liên hệ công tác, còn giấy giới thiệu của cơ quan báo chí do Tổng biên tập hay Phó Tổng biên tập ký thì mới có hiệu lực để làm việc.

Trụ sở UBND xã Nga Thắng (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa)

Trước đó, từng diễn ra một số vụ việc tương tự ở nhiều địa phương, khiến việc tác nghiệp báo chí đúng pháp luật gặp trở ngại.

Cụ thể, ngày 10/02/2017, nhân sự kiện Lễ hội khai ấn đền Trần tại tỉnh Nam Định, PV Báo Công lý đã liên hệ với lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đề xuất được tham gia, đưa tin về sự kiện, thì cơ quan này lại từ chối và cho rằng PV không có giấy giới thiệu nên không đủ điều kiện được tác nghiệp, mặc dù PV đã xuất trình thẻ nhà báo..

Tiếp đó, PV đã nhiều lần liên hệ với Trưởng Ban tổ chức là bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định để giải thích về quy định điều kiện được tác nghiệp, theo Luật Báo chí mới có hiệu lực thì được bà Oanh cho biết rằng: Ban tổ chức đã đính chính, chỉ cần có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu để tham gia tác nghiệp.

Lời của Trưởng Ban tổ chức là vậy, thế nhưng, khi PV tham gia tác nghiệp lại bị lực lượng công an tỉnh tham gia bảo vệ quanh khu vực ngăn cản, gây đủ điều khó khăn. Điều đáng nói, không chỉ yêu cầu PV phải có giấy mời của Ban tổ chức, lực lượng này yêu cầu PV phải cung cấp cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan báo chí mới cho PV tác nghiệp. “Đây là chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi chỉ làm theo chỉ đạo” - một nhân viên an ninh tại đây nói. Ngay sau đó, PV đã nhiều lần liên hệ với Trưởng Ban tổ chức lễ hội, nhưng luôn bị thoái thác và vị này từ chối hỗ trợ PV tác nghiệp, bất nhất với ý kiến trước đó là sẽ tạo mọi điều kiện tác nghiệp cho báo chí.

Trở lại câu chuyện đòi hỏi phóng viên phải có giấy giới thiệu kèm thẻ nhà báo của Chủ tịch UBND xã Nga Thắng nói trên, được biết ông chủ tịch xã đã được tập huấn về Luật báo chí 2016 và các quy định liên quan, tuy nhiên việc ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Trì cố ý gây khó dễ cho nhà báo đến làm việc là do ông nắm không vững nội dung được tập huấn hay vì lý do nào khác.

Đề nghị các ban ngành của huyện Nga Sơn, nhất là đơn vị tổ chức lớp tập huấn về Luật báo chí có câu trả lời về việc thực hiện luật báo chí của lãnh đạo xã Nga Thắng là đúng hay sai?

Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo

1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.

2. Nhà báo có các quyền sau đây:

a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;

b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;

c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Văn Huy

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//thanh-hoa-chu-tich-xa-van-dung-sai-luat-bao-chi-du-da-duoc-tap-huan_n41208.html